Với 14 khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) - khoảng 220.000 công nhân (CN) nhưng hiện TP HCM mới giải quyết được khoảng 13.200 chỗ ở cho CN (tương đương 6% nhu cầu).

Xây nhà cho công nhân tại TP HCM : Cái khó bó DN

Trong bối cảnh nhiều DN phải sản xuất cầm chừng vì thiếu vốn,
việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động càng trở nên khó khăn

Mặc dù, thời gian qua, thành phố đã có nhiều chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ nhà ở cho người lao động trên địa bàn như: DN làm dự án phát triển nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế; buộc các dự án phát triển nhà ở thương mại phải trích ra 20% diện tích đất để làm nhà ở xã hội... song việc xây dựng các dự án vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đất khó và bó vốn

Nhiều DN trên địa bàn TP HCM đều tán thành chủ trương xây dựng nhà lưu trú cho CN với mục đích cuối cùng nhằm giữ chân người lao động, giúp họ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Nhưng thực tế, khi quỹ đất của thành phố có hạn, quỹ đất của DN phần lớn đã được sử dụng cho hoạt động sản xuất nên khó khăn lớn nhất đối với DN hiện nay là việc tìm đất để xây nhà. Chia sẻ điều này, ông Đào Văn Trang - TGĐ Cty THHH Khải Vy (KCX Tân Thuận, Q 7) với khoảng 1.100 CN cho biết: Dù cố gắng lắm Cty cũng mới đáp ứng được khoảng 1/10 nhu cầu cho CN trong Cty vì không có đất để xây. Thiếu sót cũng là do trước đây Cty không tính tới việc để dành một phần đất cho việc xây nhà ở, mà chỉ làm nhà xưởng và kho chứa hàng. Cty đã đưa ra giải pháp mua đất ở các quận vùng ven để xây nhà ở cho người lao động nhưng không ổn vì giá đất tại các quận này cũng đã tăng lên chóng mặt. Đó là chưa kể việc đi lại của CN cần phương tiện chuyên chở, rất tốn thời gian.

Với các DN khi làm dự án xây dựng nhà ở cho CN sẽ được vay vốn ưu đãi từ quỹ phát triển nhà thành phố, nhưng với mức lãi lên tới 9% /năm như hiện nay thì quả thật khó cho DN. Bà Lê Hải Liễu - TGĐ Cty CP chế biến gỗ Đức Thành, P 14, Q Gò Vấp cho rằng: “Trong thời buổi khó khăn chung, nhiều DN phải sản xuất cầm chừng vì thiếu vốn, thì việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động dù biết là quan trọng nhưng cũng đành phải gác lại. Mà cho dù có xây được nhà đi chăng nữa thì không biết tới khi nào mới thu hồi lại vốn. Vì đã gọi là nhà lưu trú thì phải cho CN ở miễn phí chứ nếu tính phí thì chắc chắn CN sẽ không mấy mặn mà”.

Đồng quan điểm này, anh Nguyễn Quang Hưng - Trưởng phòng nhân sự Cty TNHH giày da Huê Phong cho biết: Cty Huê Phong hiện có khu KTX miễn phí cho CN, đáp ứng khoảng 3.200 chỗ, KTX chỉ thu có 20.000 đồng/người/tháng tiền phí sinh hoạt. Nhưng đấy là do KTX được xây từ năm 1998, khi đó giá đất còn rẻ, chứ bây giờ thì không thể. Nếu để tự DN đứng ra lo sẽ không nổi mà cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Chẳng hạn, Nhà nước cần có quỹ đất riêng dành xây nhà cho CN hoặc có thể giao đất cho DN xây nhà lưu trú cho CN trong vòng 50 năm không tính tiền sử dụng đất. Chỉ có bằng cách đó mới khuyến khích DN chịu đầu tư xây nhà ở cho CN.

Vẫn chờ thành phố

Tại một địa phương đã phát triển ồ ạt các dự án nhà ở thương mại những năm gần đây là Q 7, theo ông Huỳnh Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận, từ lâu địa phương này đã xác định được 5 khu đất rộng gần 100 ngàn m2 dành để xây nhà ở cho CN, người thu nhập thấp, nhưng không thu xếp được vốn nên chưa có dự án nào được triển khai. Ví dụ KCX Tân Thuận với hàng chục ngàn lao động, từ lâu địa bàn đã rất bức xúc về vấn đề nhà ở cho CN, nhưng đến nay quận 7 cũng mới chỉ đề xuất thành phố quỹ đất 10 ha cho dự án này. Trong khi đó, các dự án phát triển nhà ở thương mại tại quận 7 trong thời gian qua được DN ồ ạt hoàn thiện, rao bán thu lợi. Còn quy định dành 20% diện tích đất dự án làm nhà ở xã hội là vấn đề được các chủ đầu tư dự án để lại làm sau cùng nên cũng chưa thể hi vọng quỹ nhà ở xã hội từ các dự án phát triển nhà ở thương mại.

Theo ông Vũ Văn Hoà - Trưởng ban Quản lý các KCX, KCN thành phố (Hepza) đến nay các KCN, KCX cũng mới có 7 dự án xây dựng nhà lưu trú cho CN được hoàn tất, đưa vào sử dụng và đáp ứng được chỗ ở cho khoảng hơn 6.000 CN. Nếu tính cả 9 dự án nhà lưu trú cho CN sẽ đưa vào sử dụng cuối năm nay cũng chỉ tạo thêm khoảng 12.000 chỗ ở nữa, đáp ứng được tỉ lệ rất nhỏ so với lượng CN hiện có. Lý do dẫn tới việc các KCX phát triển nhà lưu trú cho CN chậm được ông Hoà cho là do ngay từ khi quy hoạch làm khu công nghiệp đã không có phần đất xây nhà lưu trú. Từ đó, nhằm khắc phục tình trạng này, Hepza đang thương thảo với các địa phương tìm quỹ đất để đề xuất với thành phố giao đất cho các khu công nghiệp xây dựng nhà lưu trú. Và như vậy, vấn đề nhà lưu trú cho CN trên địa bàn vẫn phải tiếp tục chờ ...
Theo Nguyễn Thành (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0