Với gần 4,7ha, nằm tại vị trí được xem là "đất vàng" của TP Cần Thơ, Công viên nước Cần Thơ là công trình đầu tiên về loại hình dịch vụ giải trí dưới nước tại đồng bằng sông Cửu Long, từng được xem là công trình "điểm nhấn" trên lĩnh vực vui chơi, giải trí của địa phương.

Có điều, cho tới bây giờ, khi công trình có giá trị đầu tư lên đến trên 54,3 tỷ đồng (thời giá 2003) phải chịu cảnh phơi sương, phơi nắng chỉ sau thời gian ngắn được đưa vào khai thác, hoạt động, nhiều người dân Cần Thơ vẫn không thể hiểu vì sao người ta dám đầu tư xây dựng một công viên nước bề thế giữa sông nước miền Tây, lại nằm sát mé sông Hậu.

Sáng 8/6, PV Báo CAND có mặt tại Công viên nước Cần Thơ. Thật chẳng ngờ, tốc độ hoang hóa ở đây diễn ra khá nhanh. Những hồ tạo sóng, dòng sông lười, máng trượt, ống trượt,… nằm bất động, xuống cấp, là chỗ để cho cỏ dại, dây leo phát triển. Đi một vòng về phía cặp sông Hậu, cây cối âm u, rậm rạm chẳng khác khu bảo tồn động vật hoang dã và nơi sinh sản lý tưởng của… muỗi.

Theo điều tra riêng của PV, chủ đầu tư ban đầu của dự án này là Công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng). Công trình hoàn tất và đưa vào khai thác, hoạt động tháng 8/2003. Đến hơn giữa năm 2006, chủ đầu tư báo lỗ hơn 14 tỷ đồng.

Xây công viên nước bề thế giữa vùng sông nước Cần Thơ: Lãng phí lớn do đặt... nhầm chỗ
Công viên nước Cần Thơ - một dự án đầu tư lớn nhưng kém hiệu quả.

Sau đó, Thanh tra Chính phủ sau khi vào cuộc đã kết luận, chỉ rõ: Nguyên nhân chủ yếu là do chủ trương đầu tư không đúng, quá trình đầu tư có nhiều sai phạm, từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, đấu thầu đến nghiệm thu, thanh quyết toán.

Những yếu kém, thiếu trách nhiệm trong khâu lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, dẫn đến quyết định đầu tư của Tổng Công ty Xây dựng số 1 là không phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực vốn đã có nhiều sông nước… Đây chính là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn đến chuyện thua lỗ hàng chục tỷ đồng.

Việc lập, thẩm định thiết kế, dự toán có nhiều sai sót. Nhiều hạng mục khởi công trước khi thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được phê duyệt, thậm chí xảy ra tình trạng vừa thiết kế, vừa thi công.

Việc đấu thầu, mua sắm thiết bị cũng có nhiều sai sót, vi phạm quy chế đấu thầu, sai phạm trong việc lựa chọn thiết bị cơ khí hồ thiếu nhi làm thiệt hại 30.000 USD. Một số hạng mục thi công quyết toán sai chế độ, sử dụng vật tư không đúng chủng loại, tính trùng khối lượng và hạch toán sai với tổng số tiền sai phạm gần 1,6 tỷ đồng…

Thanh tra Chính phủ yêu cầu giảm trừ quyết toán 1,1 tỷ đồng và nộp lại ngân sách 493,8 triệu đồng thanh toán sai. Lãng phí lớn, thua lỗ nhiều ở Công viên nước Cần Thơ xem ra còn có một phần trách nhiệm của Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam khi thẩm định cho vay dự án này.

Để khắc phục hậu quả này, Tổng Công ty Xây dựng số 1 từng được chính quyền TP Cần Thơ chấp nhận phương án bán đấu giá, với giá khởi điểm là 50 tỉ đồng. Khi biết địa phương kiên quyết không cho chuyển đổi công năng công viên nước, không ít nhà đầu tư nản lòng. Tuy nhiên, đầu năm 2008, đã có một nhà đầu tư đã chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để mua lại… đống ngổn ngang này.

Ngày 11/4/2008, Hợp đồng (số 01/2008/HĐ-MB/CC1) được ký giữa bên bán - Tổng Công ty Xây dựng số 1 (do ông Nguyễn Văn Chiến làm Tổng Giám đốc) với bên mua - Liên danh Công ty TNHH Nam Long và Công ty CP Đầu tư Thương mại - Dịch vụ Điện lực (gọi tắt là Liên danh PIST - Nam Long, do bà Đinh Ngọc Hà - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại - Dịch vụ Điện lực làm đại diện). Theo xác định sau đó của PIST, Dự án Công viên nước là dự án hợp tác giữa 3 công ty: PIST, Công ty Đầu tư - Kinh doanh Điện lực TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Nam Long theo tỷ lệ 60/30/10(%).

Hay tin công viên nước có chủ mới, người dân Cần Thơ ít nhiều cũng phấn khởi vì cảnh quan đô thị khu vực này sẽ được cải thiện. Thế nhưng, năm 2008, 2009, rồi 2010 trôi qua, công viên nước vẫn là vật chướng mắt trong khi nhiều DN khác, dù có nằm mơ cũng không thể kiếm đâu ra một vị trí đẹp, thuận lợi như thế.

Khi nào công viên nước Cần Thơ sẽ hết tiếp tục hoang vu, chịu phơi mưa, phơi nắng? Đi tìm lời giải cho điều mà người dân TP Cần Thơ thắc mắc, chúng tôi được biết, phía PIST từng đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm trễ, trong đó có chuyện phải chờ đơn vị cũ làm xong công tác kiểm toán và quyết toán thuế với địa phương mới có thể giải quyết chuyển quyền sử dụng đất Công ty Công viên nước Cần Thơ.

Thông tin từ Sở TN&MT TP Cần Thơ chiều 8/6 cho biết thêm, ngày 6/1/2010, nơi đây đã ký Hợp đồng 396/HĐTĐ cho PIST thuê đất. Và ngày 28/4/2010, Sở cũng đã tham mưu UBND TP Cần Thơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp này. Điều này cũng có nghĩa là mọi chuyện còn lại gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự khẩn trương của phía DN.

Theo Binh Huyền (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0