Tình trạng quy hoạch treo lãng phí đất đai đã phổ biến khá nhiều năm với nhiều lý do. Vấn đề là giám sát thực hiện quy hoạch ở các địa phương và xử lý nghiêm vi phạm phải được làm thường xuyên.
Đất vàng đang "sống dở chết dở"


TP.HCM là nơi có nhiều khu quy hoạch cũng là nhiều dự án treo nhất nước. Hai nguyện vọng lớn nhất của người dân sống trong các khu quy hoạch là cần được minh bạch thông tin và được thực hiện các quyền lợi hợp pháp như sửa chữa, xây dựng nhà để ở.


Một lãnh đạo quận Gò Vấp cho biết, quy hoạch cây xanh ở cù lao Ấp Doi đã hủy bỏ và thay vào đó sẽ xây dựng nơi đây thành khu dân cư nhà vườn sinh thái, nhưng thông tin này người dân trong khu vực không hề hay biết.


Đã có tình trạng dân hỏi Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM về quy họach nơi họ ở, cán bộ Sở chỉ về Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận, còn Phòng QLĐT quận trả lời là đang đợi thành phố. Cư dân trong các khu quy hoạch cho rằng, họ chấp nhận chủ trương, quyết định của thành phố nhưng phải được chấp nhận các quyền lợi hợp pháp như sửa chữa nhà cửa. Trường hợp quy hoạch dài hạn, người dân vẫn phải được cấp các thủ tục sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.

Ở Hà Nội, đất nông nghiệp vùng ven lại đang "ngắc ngoải" vì dự án. Hơn 100ha đất nông nghiệp bị hoang hóa ở Từ Liêm là một trong những ví dụ cho thấy cả trăm hécta vàng đang bị bỏ phí không thương tiếc. Khu đô thị mới được "sinh" thì ruộng đồng "ngắc ngoải". Ông Nguyễn Minh Giảng, Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ (Từ Liêm) cho biết, thời điểm này, có khoảng 100ha ruộng trên địa bàn xã đang bị bỏ hoang. Vài năm trước, những "hécta vàng" mặc cho cỏ mọc đã lỗ chỗ nhưng từ đầu năm 2011, diện tích này loang rộng. "Thủ phạm" nhanh chóng được nhận diện là hàng loạt dự án xây dựng khu đô thị mới trên và giáp ranh địa bàn. Khó khăn lớn hiện giờ là tình trạng dự án xôi đỗ, xen kẹt. Đầu tư hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất đòi hỏi nhiều vốn mà ai biết khi nào dự án lại "khoanh" nốt.

Thừa Thiên - Huế cũng phổ biến tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang vì dự án. Bà con nông dân xã Phú Diên (huyện Phú Vang) và xã Hải Dương (huyện Hương Trà) đã ví von đất nông nghiệp bị bỏ hoang là "cám treo heo nhịn thèm!". Một người dân thôn Kế Sung, xã Phú Diên nói: "Đất nông nghiệp của chúng tôi bị thu hồi giao cho Công ty CP Sông Hương nuôi tôm bị bỏ hoang đã gần 7 năm. Hiện bà con muốn sản xuất đất bỏ hoang trên nhưng không được thì có khác gì cám treo?".Ông Phạm Đăng Đoàn, Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho biết 65,03ha đất bị bỏ hoang, nhiều hộ dân đã kiến nghị cơ quan chức năng cho phép sản xuất ở diện tích đất trên, "chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên nhanh chóng chuyển giao cho địa phương để chuyển đổi sản xuất, song yêu cầu này đến nay vẫn chưa được thực hiện".


"Một số diện tích đất nuôi tôm Phú Diên thu hồi trước đó đã giao cho nông dân sử dụng trồng trọt hoặc nuôi tôm và đã phát huy hiệu quả. Diện tích đất bị bỏ hoang còn lại cần sớm giao cho người dân sản xuất, để tránh lãng phí đất nông nghiệp", ông Nguyễn Viết Mạnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Phú Vang nói.


Giám sát quy hoạch và xử lý nghiêm vi phạm là gốc để giải quyết


Làm sống lại đất ruộng hoang giờ đây rõ ràng không chỉ trông chờ vào việc bắt các chủ đầu tư dự án khớp nối hạ tầng tưới, tiêu nước hay khôi phục hệ thống mương máng đã bị phá vỡ hoặc san lấp…Vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch và giám sát kiểm tra quy hoạch đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, đúng tiến độ…

Thực tế, hiện nhiều địa phương có điều kiện thành lập và xây dựng các khu công nghiệp ở những khu vực đất đồi núi, đất nông nghiệp kém hiệu quả nhưng vẫn tiến hành quy hoạch và đề nghị cho thành lập các khu công nghiệp trên những vùng đất thuận lợi về hạ tầng, đất nông nghiệp bằng phẳng.

Theo báo cáo mới đây của Bộ TN&MT, diện tích đất trồng lúa trên toàn quốc năm 2010 đã giảm 378,7 nghìn ha, hơn nữa, ở một số địa phương việc dành quỹ đất nông nghiệp cho công ích của xã đang ngày càng cho dấu hiệu vượt quá quy định. Bởi lẽ, theo quy định của Luật Đất đai, mỗi xã chỉ để lại không quá 5% đất nông nghiệp dành cho công ích. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 21 tỉnh, thành phố để lại quỹ đất này vượt quá tỉ lệ cho phép.

Theo Sở TN&MT TP. Hải Phòng, diện tích đất nông nghiệp của TP đang bị thu hẹp đến chóng mặt. Chỉ từ năm 2006 đến nay đã có hơn 2.800 ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp và nhà ở. Ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP, đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng các địa phương phải kiểm tra rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, họp bàn cùng cơ quan chuyên môn tìm biện pháp quản lý hiệu quả.

Theo quy định của Nghị định 181 năm 2003, Nghị định 84 năm 2006 của Chính phủ và Chỉ thị 30 năm 2003 của UBND TP.HCM, trong khu quy hoạch chưa được thu hồi đất, người dân có quyền sửa chữa, có quyền xây dựng nhà cấp 4 để ở; các dự án sau 3 năm có quyết định thu hồi đất phải xóa treo… Tuy nhiên, việc này gần như không được chính quyền thực hiện.

Nếu kịp thời có giải pháp xử lý nghiêm, tình trạng lãng phí đất vì quy hoạch treo đã không thể kéo dài.

Theo Thanh Như (TN&MT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.