Theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ cơ cấu nhà ở thấp tầng quá lớn so với chung cư cao tầng là không phù hợp với đặc thù của một đô thị phát triển, có mật độ dân số cao và tập trung như Hà Nội.
Tỷ lệ nhà chung cư phải chiếm 80%
Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính. Ảnh: Huy Hùng

Nhiều nhà thấp tầng để thu hồi vốn nhanh

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng số lượng nhà ở tại 18 dự án đã được xây dựng và đang hoàn thiện là 22.823 căn. Trong đó, có 15.404 căn hộ chung cư và 7.419 nhà ở thấp tầng (3.106 biệt thự). Tại các dự án ở xa khu vực trung tâm Hà Nội, hoặc những dự án đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm trước, nhà ở thấp tầng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu các loại nhà ở của dự án. Cụ thể, dự án khu đô thị mới (KĐTM) Trung Yên, nhà thấp tầng chiếm 66,3%, chung cư cao tầng chiếm 33,7%; KĐT Quang Minh I và Quang Minh II, nhà thấp tầng là 100%; dự án KĐTM Định Công, nhà thấp tầng chiếm 60,2%, nhà chung cư cao tầng chiếm 39,8%; KĐTM Văn Quán, nhà thấp tầng chiếm 55,7%, nhà chung cư cao tầng chiếm 44,3%. Trong khi đó, một số dự án gần khu vực trung tâm TP Hà Nội, hoặc được triển khai thực hiện trong những năm gần đây có tỷ lệ nhà cao tầng nhiều hơn. Chẳng hạn, dự án KĐTM Dịch Vọng - Cầu Giấy, nhà thấp tầng chiếm 13,3%, nhà cao tầng chiếm 86,7%; dự án KĐTM Mễ Trì Hạ, nhà thấp tầng chiếm 15,8%, nhà cao tầng chiếm 84,2%; KĐT Mỹ Đình I, nhà thấp tầng chiếm 9,9%, chung cư cao tầng chiếm 90,1%; Mỹ Đình II, nhà thấp tầng chiếm 16,3%, chung cư cao tầng chiếm 83,7%; KĐTM Việt Hưng có tỷ lệ nhà thấp tầng chiếm 16,6%, chung cư cao tầng chiếm 83,4%; KĐT Pháp Vân có tỷ lệ nhà thấp tầng chiếm 14,9%, chung cư cao tầng chiếm 85,1%.

Các số liệu trên cho thấy, cơ cấu loại nhà ở trong các dự án khu đô thị phân bổ chưa hợp lý. Ở nhiều khu đô thị, nhà ở thấp tầng chiếm tỷ lệ lớn. Đặc biệt, một số KĐTcó tỷ lệ nhà ở thấp tầng rất lớn (dự án KĐT Quang Minh toàn bộ là nhà thấp tầng, KĐTM Định Công nhà thấp tầng chiếm tới 60,5% tổng số nhà ở), không phù hợp với đặc thù của các đô thị phát triển hiện đại, có mật độ dân số rất cao và tập trung như Hà Nội. Về chủ quan, có thể thấy, chủ đầu tư khi lập dự án đã xây dựng cơ cấu nhiều nhà thấp tầng, biệt thự nhằm mục đích thu hồi vốn nhanh. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước thiếu thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện bất cập.

Sẽ bắt buộc nâng tỷ lệ nhà chung cư

Về hạ tầng, hầu hết dự án đã xây dựng tương đối đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chung (như KĐT Mỹ Đình I và Mỹ Đình II, Linh Đàm, Định Công, Ciputra, Việt Hưng...). Tuy nhiên, còn một số dự án chưa hoàn chỉnh việc đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật (KĐTM Mỗ Lao, KĐT Quang Minh 1 và Quang Minh 2). Có dự án đã bàn giao nhà và người dân đã về ở nhưng vẫn chưa cấp điện, nước đúng tiến độ được phê duyệt; việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật, khớp nối giao thông của dự án với các dự án khác và với khu vực lân cận thực hiện chưa tốt (như dự án KĐTM Mỗ Lao), cản trở việc đưa dự án vào vận hành khai thác đồng bộ, gây bức xúc cho người dân. Tương tự, việc xây dựng các công trình hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, công viên, khu vui chơi, khu thương mại dịch vụ, các dịch vụ và tiện ích công cộng phục vụ nhu cầu của dân cư sinh sống và làm việc trong KĐT hầu hết chưa được đầu tư đồng bộ theo dự án được phê duyệt. Một số dự án đã hoàn thành phần lớn các hạng mục nhà ở, người dân đã vào ở nhiều năm mà vẫn chưa có trường học, bệnh viện và các tiện ích công cộng. Đánh giá về tình trạng thiếu hạ tầng kỹ thuật - xã hội tại các KĐT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, đó là do yếu kém trong công tác quy hoạch, kiến trúc và tư duy "ăn xổi". "Đáng lẽ phải đầu tư đủ hạ tầng kỹ thuật, xã hội như trường học, bệnh viện… rồi mới xây nhà để bán, thì thực tế nhiều chủ đầu tư làm ngược lại, xây nhà để bán trước thu lợi, còn công viên, trường học quây rào để đó đợi chủ đầu tư thứ cấp".

Được biết, cùng với kiến nghị dừng việc phân lô bán nền, bán nhà xây thô tại các dự án phát triển nhà ở, Bộ Xây dựng còn đề xuất chế tài xử lý chủ đầu tư không triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội theo quy hoạch; có quy định đa dạng hóa các loại hình nhà ở, tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích đa dạng. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng đề nghị các dự án phát triển nhà ở phải có tỷ lệ nhà chung cư hơn 80% tổng số nhà ở.
Theo Khánh Khoa (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0