Mỗi năm cả nước có hàng vạn gói thầu được đấu thầu để chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu. Trong đó, tổng giá trị của nhiều gói thầu rất lớn và đương nhiên quyền lợi các nhà thầu khi thắng thầu không nhỏ.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhà thầu trong nước đang trong cảnh lép vế, ít khả năng cạnh tranh với nhà thầu nước ngoài ở những gói thầu có giá trị lớn là điều đáng lo ngại...

Thiếu vốn, nhà thầu nội yếu thế

Tổ chức đấu thầu: Lợi thế “sân nhà” chưa được tận dụng

Các nhà thầu nội cần được tạo thêm những điều kiện để phát huy nội lực xây dựng đất nước.Ảnh: Đàm Duy

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những năm gần đây hoạt động đấu thầu trở thành thông lệ trong nhiều lĩnh vực thi công xây dựng, xây lắp, cung cấp vật tư, dịch vụ... đem lại lợi ích thiết thực trên nhiều mặt. Riêng năm 2010, thông qua đấu thầu các gói thầu sử dụng vốn nhà nước đã tiết kiệm được 23.172 tỷ đồng (khoảng 1,13 tỷ USD), bằng hơn 1% GDP.

Việc làm sao có thể thắng thầu luôn là mục tiêu hàng đầu và có ý nghĩa quyết định sự phát triển của nhiều doanh nghiệp (DN). Nhưng theo ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, những năm qua các nhà thầu nước ngoài tràn vào, cạnh tranh mạnh khiến nhà thầu nội thất thế. Nguyên nhân trước tiên là do DN nội chưa chuẩn bị đầy đủ cho "cuộc chơi" diễn ra khốc liệt hơn, trong khi lại yếu kém hơn đối thủ về công nghệ, tổ chức điều hành, năng lực tài chính, nhất là thiếu kinh nghiệm. Riêng các dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư nước ngoài hoặc ODA hầu như chỉ nhà thầu nước ngoài trúng thầu. Sau đó, họ thuê DN nội làm nhà thầu phụ, với giá thấp. Hoặc sau khi trúng thầu theo hình thức "tổng thầu EPC", nhà thầu ngoại đảm nhận tất cả các khâu của dự án, từ thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư đến thi công xây lắp mà vẫn được ưu đãi về thuế hoặc không phải chịu thuế nhập khẩu gây "thiệt đơn, thiệt kép" cho xã hội. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khách quan cũng góp phần làm cho DN nội thêm khó khăn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tính chuyên môn, chuyên nghiệp về đấu thầu chưa đồng đều ở một số địa phương; một số chủ đầu tư năng lực hạn chế...


Tạo cơ hội, phát huy nội lực


Trước thực tế trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 734/CT-TTg về chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC. Trong đó, yêu cầu các chủ đầu tư phải cân nhắc khi phân chia thành gói thầu EPC, trường hợp có thể thì nên chia tách thành các gói thầu riêng biệt như: tư vấn, cung cấp thiết bị, vật tư, xây lắp... để tạo điều kiện cho DN trong nước có thể tham gia đấu và thắng thầu. Không thực hiện hình thức gói thầu EPC khi không thật sự cần thiết. Trong trường hợp nhà thầu trong nước có thể đảm nhận trên 50% khối lượng công việc của gói thầu EPC thì không được tổ chức đấu thầu quốc tế, mà phải đấu thầu rộng rãi trong nước...


Chỉ thị nêu trên là biện pháp thiết thực nhằm hỗ trợ, mở đường cho nhà thầu nội có cơ hội phát huy nội lực. Đương nhiên, thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu từng DN cần chủ động chia sẻ cơ hội, thắt chặt quan hệ đối tác để tham gia quá trình đấu thầu - thắng thầu - thi công; đồng thời tìm được tiếng nói chung về nghĩa vụ và quyền lợi. Về phía mình, mỗi DN nên có phương án huy động vốn phục vụ mục tiêu tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để đón lõng cơ hội, đưa vào sử dụng trong quá trình thi công một cách hiệu quả.


Cộng đồng nhà thầu nội cũng lưu ý chủ đầu tư về tinh thần nâng cao tính cộng đồng, nhất là tăng cường sử dụng thiết bị, nhân công và hàng hóa do DN trong nước sản xuất, coi đó là biểu hiện ủng hộ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Từ đó, nhiều DN thuộc lĩnh vực chế tạo, vận tải, tư vấn... sẽ có thêm hợp đồng, duy trì việc làm cho người lao động. Đặc biệt, chủ đầu tư cần từ bỏ tâm lý "thích" chọn giá bỏ thầu rẻ bất thường bởi ẩn chứa rủi ro, dễ nảy sinh hậu quả nhiều mặt về sau.
Theo Hồng Sơn (Hà Nội Mới Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0