Tháng 8/2017, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế có Nghị quyết yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, xem xét thu hồi 24 dự án chậm tiến độ.

Nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế “trải thảm đỏ” trong thu hút các nhà đầu tư. Thế nhưng, cho đến nay hàng chục dự án sau khi được giao đất vẫn chậm triển khai thực hiện, có dự án khởi công, động thổ nhưng bỏ hoang cả chục năm trời. Trong khi đó, chính quyền địa phương không thể thu hồi đất để bàn giao cho nhà đầu tư mới hoặc bàn giao cho người dân sử dụng...

Tổ hợp Nhà máy Pin mặt trời ở Khu công nghiệp Phong Điền bỏ hoang 10 năm nay

Năm 2005, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thu hồi 150 héc ta đất đồi cát ở thôn Trung Thạnh, xã Phong Chương, huyện Phong Điền. Diện tích này bàn giao cho Công ty cổ phần Bảo Toàn A, trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện dự án đầu tư nhà máy chế biến thủy tinh silicat. Sau khi nhận đất, Công ty Bảo Toàn A khởi công động thổ rồi bỏ hoang từ đó đến nay.

Dự án “treo” quá lâu, đến năm 2009, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định gia hạn thời gian xây dựng nhà máy đến ngày 15/1/2010, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng triển khai xây dựng. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn án binh bất động. Ông Lê Viết Mẫn, người dân ở thôn Trung Thạnh, xã Phong Chương cho hay, toàn thôn có hơn 200 hộ dân, nhiều hộ không có đất sản xuất.

Theo ông Mẫn, nếu 150ha đất này giao cho người dân trồng rừng thay vì cấp cho Công ty Bảo Toàn A để rồi bị bỏ hoang thì cuộc sống người dân không đến nỗi khó khăn.

“Trước đây vì chấp hành chủ trương của Nhà nước là xây dựng nhà máy thủy tinh thì nhân dân ở đây trông có nhà máy tại địa phương, con em có công ăn việc làm nhưng họ không triển khai giống như giữ đất rứa, tui thấy lãng phí quá. Nguyện vọng của dân là yêu cầu trả đất lại cho nhân dân. Tui nói đơn giản phát người 1 ha trồng tràm thôi thì vài năm là người có vài chục triệu đồng”, ông Viết Mẫn nói.

Dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec- Huế tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang dở dang nhiều năm nay

Tại thôn Đức Phú, xã Phong Hòa cũng xảy ra tình trạng tương tự. Dự án Tổ hợp Nhà máy Pin mặt trời ở Khu công nghiệp Phong Điền do Công ty CP Đầu tư chuyển giao Worldtech, Tiểu Vương quốc A rập làm chủ đầu tư với vốn đăng ký gần 6.250 tỷ đồng. Dự án này khởi công vào tháng 1/2013, sau khi xây dựng khu nhà kho khoảng 50m2 chưa hoàn thiện và một tường rào khoảng 100 mét thì đất dự án bị bỏ hoang.

Ông Nguyễn Khoa Toàn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đức Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền đề nghị: “Dân giao đất cho khu công nghiệp Phong Điền năm 2009 hơn 105 héc ta, đến năm 2010 công ty pin mặt trời vào khởi công xây dựng, trước khi họ khởi công, họ thông báo cho dân thu hút 300 công nhân, dân cũng phấn khởi nếu như họ làm được dân cũng có công ăn việc làm nhưng không ngờ họ khởi công xong 1-2 tháng rồi bỏ hoang. Nếu đất này họ để lại cho dân họ tăng gia sản xuất cũng hơn giá trị đền bù nhưng 10 năm rồi mà chưa làm được chi hết làm lãng phí”.

Hàng chục dự án khác ở các khu công nghiệp Phong Điền, Phú Bài, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cũng rơi vào tình cảnh hoang phí. Ông Lê Hoàng Linh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Điền cho hay, ngoài một số dự án hoạt động hiệu quả, vẫn còn những dự án “xí phần”, không triển khai gây lãng phí tài nguyên đất:

“Một số dự án chậm tiến độ ở đây chủ yếu là ở vùng cát. Thứ nhất là để đất trống nó lãng phí tài nguyên. Thứ hai là dân bức xúc là thu hồi đất của dân không cho dân sản xuất giao lại cho dự án, dự án không làm bỏ hoang cho nên dân họ có kiến nghị, các nhà đầu tư khác đến thì thấy tình hình đầu tư như vậy người ta cũng ngại”, ông Lê Hoàng Linh nói.

Tháng 8/2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế có Nghị quyết yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng và các địa phương tiến hành rà soát, xem xét thu hồi 24 dự án chậm tiến độ với diện tích đất đăng ký hơn 350 ha. Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định chấm dứt hoạt động của 12 dự án ở các Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp. Đó là dự án Tổ hợp nhà máy pin năng lượng mặt trời của Công ty cổ phần Đầu tư chuyển giao Worldtech ở khu công nghiệp Phong Điền; Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp ven đầm Lập An -Lăng Cô của Công ty CP Đầu tư xây dựng và du lịch CIT; Dự án nạo vét thông luồng và tận thu cát nhiễm mặn tại cửa biển Tư Hiền - Tư Dung và Thuận An của Công ty CP Khai thác khoáng sản 55; Dự án Khu nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô… Tổng vốn đăng ký đầu tư của 12 dự án này gần 7.300 tỷ đồng nhưng chỉ mới giải ngân chưa đến 50 tỷ đồng.

Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Nhiều dự án không triển khai được nguyên nhân chính do sự yếu kém về năng lực quản lý cũng như năng lực tài chính của nhà đầu tư. Chính vì vậy, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã quyết định một danh mục 24 dự án thuộc diện xem xét để thu hồi. Đến nay tỉnh đã rà soát thu hồi 12 dự án chậm tiến độ và không triển khai trong thời gian dài. Những dự án còn lại đang thuộc diện có triển khai nhưng tiến độ chưa đạt theo yêu cầu. Tinh thần chung của tỉnh là quyết liệt thu hồi những dự án chậm để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới”.

Để khắc phục tình trạng đất dự án bỏ hoang, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp và UBND các địa phương khẩn trương rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn; Đồng thời kêu gọi các chủ đầu tư liên doanh, liên kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Trong trường hợp dự án không thể triển khai, chậm tiến độ kéo dài, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ chấm dứt đầu tư, thu hồi dự án.

Lê Hiếu (VOV-Miền Trung)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.