Đã nhiều năm nay, phong trào xây dựng khu công nghiệp ở ĐBSCL được triển khai rầm rộ. Thế nhưng, qua một thời gian xây dựng đã xuất hiện đầy rẫy những tồn tại.

Theo định hướng phát triển được Chính phủ phê duyệt đến năm 2010, toàn vùng ĐBSCL sẽ dành 31.500ha và năm 2020 là 50.000ha diện tích đất cho phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN). Theo quy hoạch này, nhiều địa phương đã hào hứng thu hồi đất, rồi để… hoang.

Thu hồi đất để... bỏ hoang
Nhiều khu công nghiệp ở ĐBSCL quy hoạch xong rồi... bỏ hoang mấy năm nay.

Thiếu vốn nên... mới cựa mình

Tại Bạc Liêu, KCN Trà Kha là dự án trọng điểm nhất trong 3 dự án được phê duyệt, thực thi ở địa phương này. Thực tế khu này mới chỉ rục rịch từ giữa năm 2010, sau gần 5 năm “im lặng” đáng sợ. Tuy nhiên, hiện các hạng mục thi công tại KCN Trà Kha đã cơ bản hoàn thành và nhu cầu vốn 6 tháng đầu năm lên hơn 37 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân hơn… 10 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tổ hợp KCN Ninh Quới (Bạc Liêu) mới xúc tiến triển khai công tác chuẩn bị rà phá bom mìn, vật nổ, sau hơn 5 năm công bố quy hoạch. Còn Dự án KCN Láng Trâm, cũng sau 5 năm công bố, nay mới trong giai đoạn thẩm định, phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ tái định cư và đang kêu gọi Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) nghiên cứu khả thi dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN này.

Theo ngành chức năng, Bạc Liêu đã quy hoạch 13 KCN, CCN với tổng diện tích hơn 1.369ha nằm khắp các huyện, thị trong địa bàn tỉnh với tổng số vốn đầu tư dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết các dự án xây dựng KCN trên đang trong tình trạng “treo”.

Tại TP.Cần Thơ, ngoài KCN Trà Nóc 1 và 2 có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh nên đã thu hút được nhà đầu tư, còn lại KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, 2B đang trong tình trạng “đắp chiếu” vì đã nhiều năm chủ đầu tư chưa giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng. Nằm dọc sông Hậu, có lợi thế về vận tải thuỷ nhưng KCN Sông Hậu (tỉnh Hậu Giang) rộng trên 300ha cũng đang trong tình trạng đìu hiu.

Còn tại Sóc Trăng, theo ông Lâm Hùng Kiện - Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng: Hiện tỉnh quy hoạch 6 KCN (An Nghiệp, Trần Đề, Đại Ngãi, Mỹ Thanh, Vĩnh Châu và Long Hưng) sẵn sàng ưu đãi cho nhà đầu tư cùng thủ tục đơn giản. Và trước mắt, KCN An Nghiệp đa ngành nghề có quy mô diện tích 251ha, đã được xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Ấy vậy mà đến nay mới thu hút được 33 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 14 doanh nghiệp đi vào hoạt động.

Đón nhà đầu tư… hứa

Một trong những địa phương phát triển KCN, CCN, khu đô thị nhanh và nhiều nhất là huyện Châu Thành (Hậu Giang) với tổng diện tích quy hoạch lên đến 3.200ha. Trong đó, tại KCN Sông Hậu, hàng loạt các dự án được khởi công rất hoành tráng rồi để đó theo kiểu “xí phần” như: Dự án xây dựng dựng Nhà máy Giấy Lee & Man; Dự án xây Nhà máy Đóng tàu của Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam (Vinashin)…

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các KCN ở toàn vùng ĐBSCL mới cho thuê đất đạt hơn 22%. Ngoài ra, ĐBSCL còn có 177 CCN, với diện tích quy hoạch gần 15.500ha nhưng mới cho thuê hơn 700ha. Tính chung, cả vùng ĐBSCL hiện còn hơn 17.000ha đất dùng cho CN đang bị bỏ trống và… trồng cỏ.

Cụ thể, ở KCN Sông Hậu, vào tháng 4.2007, Vinashin tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy Đóng tàu và CCN Tàu thủy rất rình rang ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú. Dự án này có diện tích quy hoạch lên đến 600ha, vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 lao động.

Thế nhưng, sau 4 năm, nhà máy đóng tàu và cụm công nghiệp tàu thủy vẫn là bãi đất trống và mấy chiếc cần cẩu dựng đứng. Cuối năm 2010, UBND tỉnh Hậu Giang phải ký quyết định “sang bớt” 152ha đất nằm trong dự án này cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) để thực hiện dự án xây dựng cảng biển và khu hậu cần…

Còn hồi tháng 8.2007, dự án Nhà máy Giấy Lee & Man (Trung Quốc) được khởi công tại CCN Phú Hữu A (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành) cũng khá hoành tráng. Dự án đầu tư trên diện tích 82ha, vốn đầu tư theo tuyên bố là 1,2 tỷ USD - được xem là nhà máy sản xuất giấy và bột giấy lớn nhất Việt Nam. Dù vậy, đến nay hơn 4 năm, dự án này gần như bị đình trệ. Nhà đầu tư chỉ xây dựng được hàng rào xung quanh và một nhà xưởng bỏ không với một vài công nhân, bảo vệ trông coi.

Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã ra “tối hậu thư” yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nếu không sẽ bị thu hồi dự án. Sau đó, phía nhà đầu tư tuyến bố sẽ khởi động lại dự án. Và đúng như cam kết, nhà đầu tư đã khởi động lại dự án bằng cách cho người dọn bớt… cỏ!

Theo Vũ Khánh - Đức Khánh (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0