Năm nay, Hà Nội đặt mục tiêu thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) khoảng 2.450 tỷ đồng. Mức này thấp hơn so với kết quả đã đạt được trong năm qua (hơn 2.600 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu này không dễ hoàn thành nếu các ngành chức năng và TP không sớm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, hội đồng ĐGQSDĐ các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cũng cần chủ động hơn trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật (HTKT) khu đất đấu giá và có phương án bảo đảm thu hết 100% số tiền trúng giá.
Thu 2.450 tỷ đồng, có dễ?
Xây dựng tốt hạ tầng kỹ thuật, yếu tố quan trọng để tổ chức thành công việc đấu giá quyền sử dụng đất. Ảnh: Khánh Nguyên

Tăng nguồn thu cho ngân sách

Theo Kế hoạch số 58/KH-UBND về việc thực hiện các dự án ĐGQSDĐ năm 2011 trên địa bàn TP Hà Nội, chỉ tiêu kế hoạch thu tiền sử dụng đất năm nay là 7.000 tỷ đồng, trong đó thu từ ĐGQSDĐ các dự án do TP quản lý là 2.450 tỷ đồng. Tổng diện tích đất sẽ đấu giá là 17,96ha. Cụ thể: khối các quận 7 dự án, dự kiến thu 798 tỷ đồng; khối thị xã Sơn Tây và các huyện 17 dự án, dự kiến thu 1.231 tỷ đồng; khối các sở, ngành 6 dự án, dự kiến thu 421 tỷ đồng. Cùng với đó, toàn TP còn có 32 dự án đang chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và xây dựng HTKT để phục vụ ĐGQSDĐ với tổng diện tích là 184,64ha.


Trong số các dự án nằm trong kế hoạch tổ chức đấu giá năm 2011, đáng chú ý có khu đất Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (quy mô 0,5ha, dự kiến thu 400 tỷ đồng); ô đất quy hoạch NO-22 và NO-23 hai bên trục đường Cầu Chui - Đông Trù (diện tích 0,91ha, dự kiến thu 181 tỷ đồng); khu tái định cư Kiến Hưng, quận Hà Đông (0,5ha, 150 tỷ đồng); 2 khu đất đấu giá xây dựng nhà ở tại huyện Đông Anh (diện tích 1ha, 200 tỷ đồng); khu đất đấu giá tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm (0,98ha, 225 tỷ đồng); khu đất xây dựng nhà ở để ĐGQSDĐ tại xã Ngũ Hiệp và Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì (3ha, 300 tỷ đồng)… Phần còn lại chủ yếu là các dự án đất nhỏ lẻ, xen kẹt trong khu dân cư.


Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, ĐGQSDĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2011. Đây là kênh khai thác, huy động nguồn vốn lớn bổ sung cho nguồn vốn đầu tư phát triển của TP và các quận, huyện, thị xã. Việc làm này nhằm góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, tăng nguồn thu cho ngân sách các cấp, tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các huyện, xã; xây dựng hạ tầng khu đô thị, hạ tầng khu dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Vì vậy, TP đã yêu cầu các sở, ngành đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong tổ chức thực hiện, chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định.


Vẫn nhiều vướng mắc


Tại một số cuộc họp bàn về ĐGQSDĐ do UBND TP Hà Nội tổ chức mới đây, đại diện nhiều quận, huyện cho rằng, mục tiêu thu 2.450 tỷ đồng có thể thực hiện được nếu những vướng mắc trong cơ chế, chính sách sớm được tháo gỡ. Vướng mắc lớn nhất là việc áp dụng Nghị định số 17/2010/CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản trong công tác ĐGQSDĐ khiến cho các quận, huyện rất lúng túng. Bà Phan Thị Hảo, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, Sơn Tây đã thành lập Hội đồng ĐGQSDĐ và lên kế hoạch tổ chức đấu giá một số dự án. Tuy nhiên, Nghị định số 17/CP lại yêu cầu mời đấu giá viên chuyên nghiệp về điều hành phiên đấu giá. Đương nhiên là phải tuân thủ các quy định của Chính phủ và TP, nhưng thực tế là các văn bản hướng dẫn còn chưa cụ thể, nên chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn. Các dự án đành "gác" lại chờ chỉ đạo từ cấp trên. Nhưng nếu cứ "gác" mãi, e rằng không hoàn thành kế hoạch TP giao. Ông Trần Đình Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh kiến nghị, vướng mắc này không chỉ là của riêng TX Sơn Tây mà là khó khăn chung của tất cả các quận, huyện. Đã phân cấp cho quận, huyện thì để cho quận, huyện chủ động thực hiện các phiên đấu giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay một số dự án đã được giao đất đấu giá vẫn chưa bảo đảm tiến độ về giải phóng mặt bằng, xây dựng HTKT. Rồi còn có những dự án đã đấu giá, nhưng đã vài năm trôi qua vẫn chưa xong hạ tầng để giao đất cho dân xây dựng, như dự án đấu giá tại khu Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy).


Việc thu tiền trúng giá cũng là nội dung cần quan tâm, bởi nếu làm không tốt khâu này, trên lý thuyết Hà Nội có thể thu được đủ số tiền như mục tiêu kế hoạch đã đề ra nhưng thực thu lại rất thấp. Người trúng giá nợ tiền, còn chính quyền nợ người dân HTKT. Vì vậy, TP cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng HTKT để tăng tính hấp dẫn của các dự án, qua đó cũng siết lại các quy định về thu tiền và xử phạt các trường hợp chậm nộp sau khi trúng giá. Liên quan đến thu tiền trúng giá, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã yêu cầu các quận, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm thu hết 100% số tiền sử dụng đất theo kết quả trúng đấu giá đã được công nhận. Ông Khanh cũng nhấn mạnh, nếu TP, các quận, huyện buông lỏng sẽ rất dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, thông thầu. Do đó, với những dự án đấu giá có nghi vấn, các quận, huyện nên mời ngành chức năng vào cuộc ngay để ngăn chặn không cho các tình huống xấu xảy ra. Riêng với vướng mắc trong việc mời đấu giá viên, TP cũng kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù.
Theo Lương Ninh Giang (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0