Những khu biệt thự đang được bao vây bởi cỏ xanh và là nơi trú ngụ của dân nghiện sẽ phải nộp thuế. Đó là đề xuất của Bộ Tài chính lên Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội.

Còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề trên, tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định có thể đủ cơ sở pháp lý để đánh thuế các biệt thự bỏ hoang như trên.

Sẽ đánh thuế các biệt thự bỏ hoang?

Biệt thự tiền tỷ bỏ hoang ở Linh Đàm (Hà Nội)

Đánh thuế đến 10% giá trị căn biệt thự

Nhằm điều tiết thị trường, tránh đầu cơ bất động sản, đồng thời hạn chế sự lãng phí về nhà ở trong bối cảnh nguồn cung vẫn chưa đáp ứng được cầu, Bộ Tài chính đã đề xuất với Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội về việc sẽ đánh thuế biệt thự bỏ hoang.

Một lãnh đạo của Bộ Tài chính cho biết: Trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân vô cùng lớn thì lại ngày càng nhiều những biệt thự, căn hộ xây dựng lên khá lâu không có người ở. Điều này cho thấy đang có sự đầu cơ trục lợi. Lãnh đạo này cho hay, nếu dùng biện pháp đánh thuế, sẽ hạn chế đầu cơ và tăng hiệu quả sử dụng.

Theo Bộ Tài chính thì có ba phương án để đánh thuế và mỗi phương án sẽ có mức thuế suất cao hay thấp tuỳ thuộc vào thời gian bỏ hoang của biệt thự đó. Phương án thứ nhất: Với những biệt thự đã bỏ hoang sau 3 tháng sẽ bị thu thuế 5% của giá trị hợp đồng, sau 1 năm vẫn tiếp tục bỏ hoang sẽ bị thu thuế 10% giá trị hợp đồng.

Phương án hai, khi Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sẽ có giá trị từ ngày 1/1/2012 được thực hiện thì sẽ xử phạt hành chính nếu từ 10 - 20 triệu đồng/căn với biệt thự bỏ hoang, nếu sau 6 tháng mà không sử dụng sẽ phạt tiếp cho đến khi nào sử dụng, hoặc cho thuê cho mượn thì thôi. Phương án ba là tính thuế theo diện tích đất của căn nhà với mức thuế là 0,15%/ năm theo giá trị trên hợp đồng mua nhà.

Dùng biện pháp mạnh phải quyết liệt

Sau khi Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) kết hợp với Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra tình trạng xây dựng, sử dụng của gần 2.700 căn biệt thự tại các huyện nội thành Hà Nội đã đưa ra một con số giật mình. Trong 2.700 căn chỉ có 1.743 căn đã được sử dụng, chiếm khoảng 65%, còn lại chưa đưa vào sử dụng, vẫn còn ở tình trạng xây thô, bỏ hoang.

Nhận định về đề xuất trên của Bộ Tài chính, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho biết: "Nếu đã đánh thuế thì bỏ hoang hay không bỏ hoang cũng phải tính thuế như nhau cả. Biệt thự không sử dụng mà bỏ hoang thì phạt. Lý do phạt là do anh gây ảnh hưởng đến cảnh quan chung của đô thị, môi trường, lợi ích của những người xung quanh. Buộc chủ nhân của chúng phải nộp các phí về bảo vệ môi trường, phí cảnh quan, phí vệ sinh...

Phạt vì nơi đó bị biến thành nơi đổ rác, biến đó thành nơi ẩn náu cho con nghiện, nơi trú ngụ của các tệ nạn ma tuý, mại dâm... gây thiệt hại, ảnh hưởng cho hàng xóm láng giềng. Còn những biệt thự ở ngoại thành không ảnh hưởng đến ai thì không có cớ gì phải phạt họ cả", ông Liêm cho hay.

GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chủ nhân của những ngôi nhà bỏ hoang đa số là những đại gia nhiều tiền lắm của, mua để đầu cơ. Vì thế phải đánh thuế cho họ xót, để ít nhất họ cũng phải đem biệt thự đó cho thuê.

GS Võ cho biết, nếu đi tìm hiểu về nguyên nhân của bỏ hoang rồi từ đó phân ra thành nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì dễ nảy sinh tiêu cực. Nên đã là biệt thự không sử dụng là sẽ phải bị chịu thuế.

"Nhiều người lý luận cùn và cho rằng, nhà của tôi thì tôi muốn làm gì thì làm là không được. Bởi nhà đất là tài sản của cá nhân đó nhưng phải được sử dụng theo quy hoạch của nhà nước. Quỹ đất là có hạn, nếu để bỏ hoang thì rất lãng phí. Đã đánh thuế với những biệt thự này thì phải đánh thật nặng, nếu chỉ đánh thuế nhà bỏ hoang tương đương với mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực năm 2012 ( 0,03 - 0,15%) thì quá thấp, mức hợp lý là 2- 3% mới đủ răn đe", GS Võ nói.

Luật sư Trần Quang Chiến, Đoàn luật sư Hà Nội cũng cho rằng, có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử phạt và đánh thuế nhà bỏ hoang. "Nếu tính được đó là nhà mua để đầu cơ thì đủ cơ sở để phạt. Theo Luật Đất đai, tài sản trên đất là sở hữu của cá nhân nhưng đất lại phải được quy hoạch theo nhà nước. Và cũng theo luật Đất đai không được để đất hoang hoá. Vì thế nếu biệt thự bỏ hoang có thể đánh thuế được. Bất động sản cần phải trở về với giá trị thật của nó, nó cần được lưu thông. Có như vậy người nghèo mới có cơ hội có nhà để ở", luật sư Chiến cho hay.

Theo Phạm Khoa - Thành Huế (Người đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0