Gần đây, dư luận "sốc” bởi ý tưởng "phá 3 cầu vượt lớn của Thủ đô để xây dựng đường trên cao”. Dù lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã bác bỏ thông tin này, song câu hỏi được đặt ra: Phải chăng đó chỉ là hệ lụy của sự thiếu năng lực trong thực hiện các đồ án quy hoạch Thủ đô?
Quy hoạch Thủ đô trong hơn 10 năm qua vẫn chỉ dựa trên cốt lõi của quy hoạch cũ từ năm 1998. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng quy hoạch sau "đè” lên quy hoạch trước, gây nên sự chồng chéo, khiến bộ mặt Thủ đô luôn ở tình trạng nhem nhuốc. Gần đây nhất, dư luận lại "sốc” bởi ý tưởng "phá 3 cầu vượt lớn của Thủ đô để xây dựng đường trên cao”. Dù lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã bác bỏ thông tin này, song câu hỏi được đặt ra: Phải chăng đó chỉ là hệ lụy của sự thiếu năng lực trong thực hiện các đồ án quy hoạch Thủ đô?

Quy hoạch HN dựa trên nền tảng quá cũ
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm
Thưa ông, điều dễ nhận thấy nhất hiện nay là, quy hoạch Thủ đô đã và đang bộc lộ quá nhiều vấn đề bất ổn?

Ông Đào Ngọc Nghiêm: Đúng vậy, nguyên nhân chỉ có một: Đó là quy hoạch Hà Nội "dựa vào” một nền tảng quá cũ: Quy hoạch từ năm 1998 và đến nay đã được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh trên 20 lần. Nói vậy có nghĩa là quy hoạch trong thời gian qua luôn là quy hoạch "sau” dựa trên sự điều chỉnh của một tổng thể đã có cách đây tới hơn 10 năm.
Tôi nhấn mạnh rằng, việc thực hiện ấy không sai, nhưng tổ chức quy hoạch của Thủ đô chưa bao giờ được thực hiện "nguyên mẫu” mà thường được điều chỉnh cục bộ. Có những quy hoạch đã được phê duyệt, đã xây dựng một phần, song vẫn có những điều chỉnh, nên thường dẫn đến tình trạng xây xong lại sửa. Tôi đơn cử như khu đô thị Việt Hưng, đã xây nhà cao tầng, nhà ở xã hội, nhà chung cư, rồi lại điều chỉnh từ đất văn phòng chuyển sang đất dịch vụ. Những yếu tố cân bằng tiện ích đô thị đều "có vấn đề”...
Hay như Nghị định 02 năm 2006 nêu về quy chế quản lý khu đô thị mới, nhưng sau 2006 lại ra đời một loạt luật như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Ngân sách, sửa đổi Luật Đất đai 2009, đặc biệt có Luật Quy hoạch đô thị... Rất nhiều các nghị định khác nhau. Vậy là thể chế văn bản đã có điều tiết mới để thay cho Nghị định 02.
Thêm nữa, sau quy hoạch năm 1998, chúng ta mới có quy hoạch kinh tế - xã hội. Sau quy hoạch - kinh tế xã hội đến năm 2000, lại có điều chỉnh cục bộ. Trong những năm từ năm 2000 trở lại đây lại có biết bao nhiêu các điều chỉnh khác nữa. Cứ như vậy, liên tiếp các quy hoạch mới ra đời nhưng bao giờ cũng ở tình thế: quy hoạch sau lại điều chỉnh một phần quy hoạch trước. Ví dụ năm 1998, chúng ta đề ra quy hoạch giao thông cho Thủ đô, nhưng sau đó 7 năm lại có quy hoạch vùng Thủ đô (2005), trong đó lại có quy hoạch giao thông mới. Như vậy quy hoạch Thủ đô năm 2005 đã có điều chỉnh từ quy hoạch của năm 1998.
Điều này không lạ, sự tất yếu ấy là do chúng ta đang trong giai đoạn phát triển kinh tế, đang trong thời kỳ quá độ, vừa vượt qua ngưỡng thu nhập thấp. Song, nếu đứng ở góc độ lý luận thì rõ ràng cách làm quy hoạch Việt Nam rất "lạ”.
Nên nhớ rằng, ở các nước phát triển trên thế giới, bao giờ cũng phải có chiến lược trước, sau đó mới có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, tiếp đến là các quy hoạch chuyên ngành lớn (tức là chiến lược phát triển ngành như chiến lược phát triển giao thông chẳng hạn), sau đó mới là quy hoạch ngắn hạn (5,10 năm), rồi đến kế hoạch, và cuối cùng mới là một loạt các quy hoạch chuyên ngành. Các loại như quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông... chỉ là quy hoạch nằm trong quy hoạch chuyên ngành mà thôi. Vậy "lạ” ở Việt Nam hay Hà Nội nói riêng, có thể biện giải là các quy hoạch, chiến lược đang chồng chéo lên nhau.
Ngay như việc chủ trương mở rộng địa giới Hà Nội, để tạo thành một đô thị có "cơ thể” thống nhất, đủ mạnh về kinh tế, chính trị, xã hội để có thể cạnh tranh với đô thị khác và có chỗ đứng vững chắc trong khu vực và thế giới. Chủ trương ấy đúng lắm chứ, quy hoạch ấy đúng lắm chứ nhưng đứng ở góc độ quy hoạch đô thị thì vấn đề lại nằm ở việc "lắp ghép” một Hà Nội đã nhanh nhẹn, trưởng thành, với một Hà Tây và các đô thị nhỏ lẻ khác chưa có quy hoạch chung. Chúng ta cần một "cơ thể” mạnh "thật” chứ không phải đơn thuần là sự lắp ghép khập khiễng, có tính "ép” cứng nhắc. Chẳng thế, ngay sau khi sáp nhập Hà Nội, Thủ tướng đã ban hành trên 800 dự án lớn về nhà ở, nhưng sau đó lại chỉ có khoảng 200 dự án trong số đó được thực thi. 600 dự án còn lại ở tình trạng "treo” chờ quy hoạch chung mới triển khai. Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ trong tổng thể một quy hoạch lớn có quá nhiều vấn đề, mà không phải một sớm một chiều mới có thể tìm ra lời giải.
Vậy, làm thế nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Hà Nội to – rộng như hiện nay, rõ ràng đòi hỏi một quy hoạch ở tầm cao mới. Nhưng thử nhìn lại bước đi mà xem: Hà Nội sáp nhập tháng 8-2008, sau đó tháng 12-2008, Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch của Hà Nội, 2009 bắt đầu làm, 2010 các hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, 3 lần báo cáo Chính phủ... Vậy là thời gian nghiên cứu quy hoạch một năm, thời gian sửa chữa lấy ý kiến một năm rưỡi như vậy quá ít thời gian cho một bản quy hoạch Thủ đô rộng lớn như bây giờ. Cách làm bài bản đấy, song chất lượng đồ án thì chưa xứng tầm với mục tiêu phát triển. Theo tôi, phải có quy hoạch có chất lượng cao, đồng bộ thì mới triển khai được đồng bộ. Tiếp đến là việc giải nguồn vốn ra sao, sự tham gia của các chủ đầu như thế nào. Vừa qua, Hà Nội trước khi mở rộng có 200 dự án được triển khai, sau khi mở rộng chỉ thêm được hơn 100 dự án nữa. Lý do là bởi thiếu vốn trầm trọng.
Hay như vấn đề quản lý đô thị. Năng lực cán bộ quản lý nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Đây là vấn đề tồn tại lâu nay. Rồi cơ chế quản lý chưa rõ ràng cũng gây nên bất cập trong quy hoạch. Tôi lấy ví dụ tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo tràn lan là do ai? Chả ai nhận trách nhiệm cả, vì không có sự phân công rõ ràng.
Cuối cùng là vai trò của cộng đồng, ở ta gọi là các khu dân cư. Điều này ở các nước phát triển được thể hiện rất rõ nhưng ở Việt Nam thì mịt mờ quá. Điển hình như Luật Quy hoạch đô thị được Quốc hội thông qua tháng 2-2010. Trong đó có nhiều điều nói đến vai trò của cộng đồng như cộng đồng phải tham gia khi xây dựng quy hoạch, cộng đồng phải tham gia khi triển khai dự án, cộng đồng phải tham gia với vai trò giám sát... nhưng thử hỏi đã có hướng dẫn cụ thể nào để vai trò của cộng đồng được phát huy trong các dự án hay chưa, hay tất cả chỉ là điều, khoản trên văn bản?
Thưa ông, điều đó cho thấy tầm nhìn là đúng đắn nhưng việc thực hiện thì quá thiếu chuyên nghiệp?
Đúng vậy! Chúng ta chưa biết cách tìm ra cái gì là ưu tiên đầu tư, phát triển trước, cái gì là đầu tư phát triển sau. Cái gì cũng ôm đồm thành ra chẳng có gì hoàn chỉnh. Tại sao chúng ta không chọn một dự án ưu tiên, trọng tâm? Tôi lấy ví dụ như chúng ta đang tập trung vào vấn đề giải quyết mô hình Hà Nội có một thành phố trung tâm với 5 đô thị vệ tinh hay là giải quyết vấn đề ách tắc trong nội thành trước? Phải xác định cái ưu tiên cho sự phát triển Thủ đô, chứ không thể đốt cháy giai đoạn. Cũng như không thể ôm đồm vừa muốn có một Hà Nội phát triển rộng lớn với mô hình "đô thị chùm” lại vừa có một Hà Nội thống thoáng không có ùn tắc, kẹt xe. Tất nhiên, đó là điều ai cũng muốn đạt được nhưng cần phải kiên nhẫn, phân định xem việc nào làm trước, việc nào làm sau, như vậy mới hiệu quả. Còn như hiện nay, cái gì cũng muốn làm, cái gì cũng muốn thực hiện. Tôi thử hỏi, đưa ra các loại quy hoạch giao thông, rồi sau đó có quy hoạch đối với các đô thị vệ tinh thì lại chỉnh sửa quy hoạch giao thông, như vậy vừa tốn kém, rồi dẫn đến khập khễnh, quy hoạch "đè” quy hoạch. Hay như việc xây dựng đường trên cao, nếu không có dư luận lên tiếng về ba chiếc cầu vượt "bị phá” thì liệu có tiếp tục thực hiện? và nếu tiếp tục thì sẽ theo chiều nào?
Phác thảo ra hay đấy, nhưng thực hiện lại chả đến đâu. Chỉ một ví dụ nhỏ về trường hợp 800 dự án được phê duyệt nhưng chỉ 200 dự án được thực hiện như đã nói ở trên thì không cần sự bình luận thêm nữa.
Xin cảm ơn ông!
Theo Phương Thảo – Tuấn Việt (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0