Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, để thực hiện quy hoạch cần phải tính toán đến nhiều yếu tố, nhất là "phải lấy được ý kiến của đông đảo các nhà khoa học".

Chưa phân khu chi tiết


"Trước hết, cần đánh giá lại vị trí, vai trò của quy hoạch lần này. Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã qua 4 lần điều chỉnh địa giới (các năm 1961, 1978, 1991, 2008) và 7 lần quy hoạch. Riêng lần quy hoạch này được phê duyệt sau 3 năm Hà Nội mở rộng là một sự kiện lớn, đồng thời đó còn là cơ sở pháp lý vững chắc. Tuy vậy, việc tổ chức thực hiện lại rất quan trọng vì còn phải bàn nhiều hơn nữa. Phải xem xét đến mấy yếu tố dưới đây.


Quy hoạch Hà Nội: Cần 200-300 tỷ USD để hiện thực hóa

KTS Đào Ngọc Nghiêm nói, phải lấy được ý kiến của các nhà khoa học


Trước hết, phải hoàn thiện nốt các quy hoạch chuyên ngành nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tổ chức thực hiện quy hoạch kinh tế - xã hội 2005 được Chính phủ phê duyệt trước đó, sắp tới là quy hoạch sử dụng đất trong 10 năm. Thực tế thì trong thời gian qua, quy hoạch sử dụng đất vênh nhau với kế hoạch sử dụng đất nên phải quy hoạch lại để đảm bảo trùng nhau.

Tiếp theo là quy hoạch nhân lực. Trong tổng số các quy hoạch thì đào tạo nhân lực, đào tạo nghề... là việc cần phải làm ngay.

Hệ thống quy hoạch xây dựng hiện nay rất chung chung, cần phải thực hiện phân khu chi tiết. Mô hình đô thị lần này được xác định là chùm đô thị với một đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và 11 thị trấn sinh thái. Do đó, phải có cơ chế mới, phải có sự phân công, phân cấp mới và phải đồng bộ thì mới có căn cứ để phát triển.

Đồng bộ đô thị với nông thôn

Chúng ta cũng cần phải nghiên cứu để tìm ra những giải pháp đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa đô thị với nông thôn, vì theo quy hoạch nông dân chiếm 58%, đến năm 2030 thì con số này là hơn 30%. Diện tích hành lang xanh (đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp) chiếm 68% trong khi diện tích kinh doanh - đô thị chỉ chiếm 32%. Hà Nội có 401 xã, mục tiêu là về trước cả nước từ một đến hai năm trong việc hoàn thành Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước. Do đó, phải đồng bộ đô thị với nông thôn mới, là một thách thức rất lớn với thành phố. Đây cũng là bài học của một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc (phát triển nông thôn quá nhanh đã làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống). Nó cũng là một yêu cầu hết sức nặng nề.

Thêm một nhiệm vụ nữa là việc quản lý tăng dân số. Năm 2020 dự tính dân số Hà Nội vào khoảng 7,2 - 7,8 triệu dân. Năm 2030 là 9,2 triệu dân. Nếu dân số vượt quá ngưỡng đó sẽ phá vỡ quy hoạch, do đó phải kiểm soát tốt dân số.

Cả quá trình thực hiện quy hoạch đó cần lựa chọn dự án ưu tiên. Người ta dự tính Hà Nội cần 90 tỷ USD để xây dựng hạ tầng khung trong việc thực hiện quy hoạch nhưng theo tôi, con số đó phải vào khoảng 200 - 300 tỷ USD. Vậy nguồn lực kinh phí này lấy ở đâu? Không phải chỉ từ ngân sách mà còn phải từ nhiều nguồn và phải chọn thứ tự dự án để ưu tiên. Phải tính đến xã hội hóa chứ không thể chỉ từ ngân sách.

Về vấn đề nhà ở, trong quy hoạch lần này khẳng định phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 30m2 nhà ở/người. Bình quân, Hà Nội có khoảng 2,5 triệu m2 nhà ở/năm. Năm 2011 phấn đấu đạt 3 - 3,5 triệu m2 nhà ở, tương lai phấn đấu sẽ đạt 7 - 8 triệu m2. Hà Nội phải rà soát lại các dự án, cơ cấu nhà ở (tăng diện tích chung cư lên 25 - 30%, hiện nay là 17%). Thành phố cũng phải quan tâm đến việc giải quyết nhà thu nhập thấp, nhà xã hội, nhà cho sinh viên... Cuối cùng là phải nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu và môi trường. Đây là vấn đề lớn nhất trong quy hoạch này.

Theo Thanh Thủy (KH & ĐS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.