Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố các tiêu chí để chọn trường đại học, cao đẳng di dời ra ngoại thành, trong một hội nghị về vấn đề này được tổ chức trực tuyến ngày 7/6 tại 3 điểm cầu là trụ sở Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Linh hoạt trong lựa chọn

Theo Bộ Xây dựng, có 3 tiêu chí để chọn trường phải di dời. Tiêu chí đầu tiên là các trường trong khu vực nội thành.


Tiêu chí thứ hai liên quan đến diện tích trường, gồm các trường không đáp ứng chỉ tiêu sử dụng đất lớn hơn 25m2/sinh viên (không kể diện tích công trình thể chất và ký túc xá), lớn hơn 45m2/sinh viên (bao gồm diện tích công trình thể chất và ký túc xá); trường hợp đáp ứng được chỉ tiêu sử dụng đất/sinh viên nhưng quy mô diện tích đất khuôn viên hiện có không lớn hơn 2ha.


Tiêu chí thứ 3 là hạ tầng trong trường (điều kiện cơ sở vật chất) không đảm bảo diện tích các công trình về thể chất (sân thể thao, thư viện, cây xanh…) theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc hạ tầng ngoài trường (xã hội và kỹ thuật) không đảm bảo, hoặc gây ảnh hưởng đến sự quá tải của hạ tầng đô thị.


Với nhiệm vụ soạn thảo các tiêu chí mang tính chuyên môn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 7 tiêu chí,


Theo đó, các tiêu chí chọn trường di dời ở Hà Nội gồm trường nằm trong khu vực nội thành thành phố có các ngành, nghề đào tạo chủ yếu không bao gồm lĩnh vực đào tạo năng khiếu nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật và các ngành năng khiếu đặc thù khác với quy mô tuyển sinh đào tạo hàng năm ít; Trường không thuộc đối tượng là các công trình văn hóa, khoa học, lịch sử và truyền thống cách mạng cần được lưu giữ, bảo tồn, bảo quản và tôn tạo; Trường đào tạo nhiều cấp học và tỷ lệ học sinh, sinh viên các cấp học thấp chiếm tỷ lệ cao hơn số học sinh, sinh viên các cấp học giao nhiệm vụ trong quyết định thành lập trường.


Ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài các tiêu chí trên, có thêm hai tiêu chí là trường đại học và cao đẳng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng, trường có từ 2 cơ sở đào tạo trong nội thành trở lên.


Các tiêu chí này của các Bộ Giáo dục đã được sự nhất trí cao của lãnh đạo hai thành phố cũng như các đại biểu tham dự Hội nghị.


Ông Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ Công an nói: “Hơi cực đoan nếu không để trường nào trong nội thành. Cũng cần tính đến yếu tố lịch sử, truyền thống, thực hiện di dời uyển chuyển hơn so với tiêu chí của Bộ Xây dựng.”


Chung quan điểm này, ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng di dời các trường ở nội thành nhưng phải chú ý đến đặc thù để đào tạo gắn với thực tế. Ví dụ, các trường y không thể tách khỏi bệnh viện, sinh viên trường luật phải đi xem tòa xét xử.


Trước các ý kiến trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thống nhất việc cần chú ý đến các trường có lịch sử, văn hóa truyền thống như đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Triển khai muộn nhất đến năm 2025


Lãnh đạo Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều bày tỏ mong muốn triển khai dự án này càng sớm càng tốt để giải tỏa sức ép lên cơ sở hạ tầng cả về vật chất và xã hội.


Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, việc di dời số lượng trường và sinh viên lớn [670.000 sinh viên, tương đương với 40 trường mỗi thành phố – PV] không thể làm quá gấp vì sẽ ảnh hưởng tới quá trình đào tạo và sẽ không đủ kinh phí.


Vì thế, ông Ga đề nghị chia quá trình này thành ba giai đoạn: từ năm 2011 đến 2015, mỗi thành phố di dời thí điểm 5 trường; từ năm 2015 đến 2020 di dời từ 10 đến 15 trường; từ 2020 đến 2030 di dời nốt số trường còn lại.


“Chúng tôi muốn kế hoạch trở thành hiện thực sớm, nhưng do điều kiện thực tế nên buộc phải thống nhất với ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo,” Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Phí Thái Bình nói.


Khác với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ chỉ chia thành hai giai đoạn và kết thúc lộ trình vào năm 2020. Cụ thể, từ năm 2011 đến 2015 thí điểm di dời 5 trường, từ năm 2015 đến 2020 cơ bản di dời xong.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đồng tình với ý kiến đẩy nhanh tiến độ di dời, muộn nhất là đến năm 2025. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng hoàn thành quy hoạch và trình Thủ tướng phê duyệt trước ngày 10/7.


Không xây nhà ở trên đất cũ

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, diện tích cũ của các trường sau khi di dời sẽ sử dụng theo ba nguyên tắc: phù hợp với định hướng phát triển không gian của đô thị, ưu tiên sử dụng cho đào tạo nâng cao, nghiên cứu ứng dụng; tái cơ cấu sử dụng đất: 30 đến 50% diện tích đất dành cho cây xanh và công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội, diện tích đất còn lại dành cho công trình thương mại, dịch vụ, không bố trí công trình nhà ở.

Theo Phạm Mai (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0