Ngày 9/6, Bộ Xây dựng có buổi làm việc với TP Hà Nội để lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định quản lý phát triển đô thị.
Ngày 9/6, Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với thành phố Hà Nội để lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định quản lý phát triển đô thị.
Theo Ban soạn thảo, một trong những điểm mới của Nghị định trên là việc thành lập Ban quản lý các khu đô thị tại các địa phương với nhiệm vụ như một "đốc công".

Quản lý Nhà nước với các khu đô thị ở Hà Nội: Sở Xây dựng thừa nhận bất lực

Tỷ lệ nhà ở xã hội tại các khu đô thị quá ít so với nhà ở thương mại. Ảnh: Chí Cường

Cơ cấu nhà bất bình thường
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, công tác phát triển đô thị đang đứng trước rất nhiều thách thức cần phải giải quyết. Đó là quy hoạch các khu đô thị hiện nay chậm so với sự đòi hỏi của sự phát triển, do đó nó cản trở tiến trình phát triển. Ông Dũng dẫn chứng: "Ngay Thủ đô Hà Nội đến hôm nay vẫn chưa được duyệt quy hoạch chung nhưng các dự án đã được lấp đầy". Thứ hai là nhiều khu đô thị thiếu quy hoạch chi tiết nên phát triển lộn xộn, thứ ba là việc triển khai quy hoạch chưa được thực hiện nghiêm túc...
Ông Dũng cho rằng cơ cấu giữa nhà ở xã hội và nhà ở thương mại rất không bình thường. Ông Dũng dẫn chứng, hiện nay nhà ở xã hội của Việt Nam tại các đô thị chưa đến 1%, trong khi đó tại Singgapore là 80%; Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc trên 40%.
"Loại hình nhà ở xã hội được nhân dân thành phố Hà Nội và TP HCM đặc biệt quan tâm, nhưng khi xin được đất xây nhà ở, đa số các nhà đầu tư chỉ nghĩ tới xây nhà ở thương mại. Quy định về việc các nhà đầu tư phải bàn giao lại phần trăm diện tích đất sau khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật thì có nơi thực hiện có nơi không", ông Dũng nói. Do đó, Nghị định quy định các dự án phải để lại một số phần trăm diện tích đất nhất định để nhà nước dùng quỹ đó làm nhà ở xã hội tại chỗ hoặc quy đổi ra tiền đưa vào quỹ nhà ở xã hội. Nghị định cũng xác định rõ trách nhiệm nhà nước phải làm nhà ở xã hội như thế nào.
Sờ đâu thấy sai đấy
Tại buổi lấy ý kiến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn thẳng thắn thừa nhận: "Trên thực tế, quản lý nhà nước đối với các khu đô thị thì có nhiều vấn đề mà hiện nay Sở Xây dựng bất lực".
Ông Tuấn cho biết, theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Sở Xây dựng đã tiến hành đi kiểm tra liên ngành tại 11 dự án thì 10 dự án làm sai toàn bộ về quy hoạch, sử dụng đất, chuyển nhượng, hạ tầng. Ông Tuấn cho rằng lý do có những sai phạm trên là do không có điều lệ quản lý thực hiện dự án, không có đầu mối...
Ông Tuấn cũng đề nghị phải ghi cụ thể việc xác định vị trí đất phần trăm mà chủ đầu tư dự án phải bàn giao lại cho nhà nước khi phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500. Theo ông Tuấn, đề xuất trên bắt nguồn từ thực tế rằng do không quy định cụ thể vị trí phải bàn giao lại cho nhà nước nên các chủ đầu tư thường chọn những vị trí đất đẹp nhất để giải phóng trước phục vụ mục đích thương mại. Khi nhà nước yêu cầu bàn giao phần trăm diện tích đất thì họ lấy lý do chưa giải phóng mặt bằng khu đất phải bàn giao, nhiều khi khu đất đó có mồ mả nên rất khó giải phóng mặt bằng.
Khoảng trống quản lý
Trong phần đóng góp ý kiến của mình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, ông Phí Thái Bình đưa ra thực tế về sự bất cập trong công tác quản lý các khu đô thị.
Ông Bình nêu: "Khi xem xét để cấp chứng nhận đầu tư thì Sở Kế hoạch Đầu tư làm rất tốt, sau này làm dự án thì đáng lẽ các cơ quan chức năng, địa phương phải tổ chức quản lý nhưng do nhiều địa chỉ quá nên khi kiểm soát lại chẳng có địa chỉ cụ thể nào. Quận, huyện thì bảo không có quyền, Sở Xây dựng thì nói chỉ khi nào thanh tra kiểm tra thì mới vào, Sở Kế hoạch & Đầu tư thì kêu không thể theo hết được quá trình, Sở Tài nguyên và Môi trường thì bảo cấp đất xong rồi...". Rõ ràng những bất cập trên tạo ra khoảng trống, những tồn tại vô cùng bất hợp lý và tạo nên sự lãng phí của xã hội.
Về quy định mới trong dự thảo Nghị định là chỉ giao đất xây dựng khu đô thị sau khi đã có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, ông Bình đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu cụ thể trường hợp của Hà Nội vì Hà Nội chưa được phê duyệt quy hoạch chung nhưng đã có hàng nghìn dự án đã "an bài". "Nếu nghị định mới không hồi tố được các dự án đó thì không có giá trị gì nhiều đối với Hà Nội", ông Bình băn khoăn.
Giải đáp ý kiến của ông Bình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Trịnh Đình Dũng cho rằng, phải công nhận các dự án đã có, nếu dự án đó không có phương hại đặc biệt ảnh hưởng đến đô thị. Nhưng phải điều chỉnh để các dự án đó có tính chất tổng thể và không làm phương hại đến lợi ích nhà đầu tư.
100% biệt thự tại Dự án Quang Minh 1 bị bỏ "hoang"

Theo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), qua thanh kiểm tra 18 dự án khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn Thành phố Hà Nội cho thấy cơ cấu nhà bất hợp lý, nhiều nhà bỏ hoang.
Cụ thể, tỷ lệ nhà ở thấp tầng, biệt thự chiếm tỷ lệ cao; quy hoạch về kết nối giao thông, tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa được chú trọng. Các khu đô thị thiếu trường học, thiếu bệnh viện và thiếu điều kiện đáp ứng nhu cầu về văn hóa và tinh thần của cư dân hoặc nếu có thì chưa xây dựng đồng bộ, kịp thời.
Những dự án có số lượng nhà chưa sử dụng nhiều là dự án Khu nhà ở Quang Minh 1 chưa có căn biệt thự nào được sử dụng; Khu nhà ở Quang Minh 2 còn 106/208 căn biệt thự và 67/106 căn liền kề chưa hoàn thiện; Khu đô thị mới Dịch Vọng có 67/82 căn biệt thự và 26/72 căn nhà liền kề chưa sử dụng; Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp còn 100/213 căn biệt thự chưa sử dụng; Khu đô thị mới Mỗ Lao - Làng Việt kiều Châu Âu còn 186/257 căn biệt thự và 191/262 căn nhà liền kề chưa sử dụng...

Theo Võ Hải (Gia Đình)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0