Xung quanh việc sử dụng quỹ đất tạo ra từ việc di dời trụ sở của các bộ, ngành khỏi khu vực nội thành Hà Nội, 2 phương án được đưa ra gồm: đấu giá hoặc giữ lại để xây các công trình công cộng.
Phương án sử dụng đất Di dời trụ sở một số bộ, ngành
Ảnh minh họa: Internet

Xu hướng tất yếu

Chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành đã xuất hiện trong Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đang chờ được phê duyệt. Theo tinh thần của Đồ án, những công sở cấp trung ương phải di dời khỏi khu vực nội đô sẽ được xây dựng mới tại Mễ Trì, Mỹ Đình hoặc Tây Hồ Tây, quy mô đáp ứng được yêu cầu làm việc hiện đại, tiện nghi theo mô hình khu tập trung, liên cơ quan.

Thực ra, việc di chuyển trụ sở các bộ, ngành đã trở thành xu hướng từ khi Hà Nội mở rộng. Cuối tháng 8/2010, trụ sở của Bộ Ngoại giao đã được khởi công xây dựng trên diện tích 7,1 ha, tại Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội, với mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành cuối năm 2012. Một số trụ sở của các bộ, ngành đang hoàn thiện, hoặc đã xây dựng xong phần thô là Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ. Một số dự án quan trọng cũng đã được đưa vào quy hoạch là khu liên cơ quan hành chính Hà Nội và tòa nhà văn phòng đại diện của 63 tỉnh, thành phố.

Mới đây nhất, Bộ Xây dựng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc thống nhất chủ trương di chuyển trụ sở hiện nay của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra khỏi trung tâm Hà Nội. Theo ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, chấp hành chủ trương của Chính phủ về việc từng bước di dời, xây dựng mới trụ sở của một số bộ, ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng tập trung thành các khu đô thị trung tâm chính trị - hành chính, trụ sở Bộ Xây dựng cũng sẽ được di chuyển ra vị trí khác ở ngoại thành.

Như vậy, việc di chuyển trụ sở các bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô chỉ là vấn đề thời gian. Điều khiến nhiều người quan tâm hiện nay là, việc di dời sẽ để lại một quỹ đất khổng lồ có giá trị lớn. Cụ thể, việc di dời Bộ Xây dựng để lại khu đất vàng có diện tích 13.014 m2 tại số 37 phố Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội; còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để lại quỹ đất gần 20.000 m2 tại số 2 phố Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, việc các bộ, ngành di dời trụ sở khỏi nội thành hiện nay là phù hợp với chủ trương của Chính phủ nhằm giảm áp lực cho nội đô về tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm đô thị... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, những địa điểm cũ của các bộ sau khi di dời sẽ được xử lý như thế nào, dùng vào mục đích gì để phù hợp với quy hoạch.

Bán hay giữ lại?

Phương án chuyển đổi quỹ đất là cơ hội để quy hoạch, phát triển Thành phố, đồng thời cũng tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng trụ sở mới cho các bộ, ngành. Vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng cho phép thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới của Bộ theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Nguồn vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới gồm: tiền đấu giá quyền sử dụng khu đất và trụ sở làm việc cũ và nguồn vốn bổ sung từ ngân sách, trong trường hợp tiền đấu giá quyền sử dụng khu đất và trụ sở làm việc cũ không đủ để xây trụ sở mới.

Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, hiện vẫn chưa có danh sách cụ thể những trụ sở cơ quan bộ nào sẽ được đưa ra bán sau khi di chuyển. Tuy nhiên, chủ trương bán công sở chật chội, không đáp ứng nhu cầu sử dụng là rất tốt. Điều quan trọng là, bên mua lại trụ sở sẽ phải sử dụng khu đất theo đúng quy hoạch.

Ủng hộ việc áp dụng phương thức bán đấu giá để lấy tiền đầu tư xây dựng trụ sở mới của các bộ, ngành, nhưng ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam vẫn khuyến nghị, phải đưa ra quy chế rõ ràng theo hướng doanh nghiệp hay cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng khu đất phải thực hiện đúng quy hoạch của Thủ đô. Không nên xây dựng nhà chung cư cao tầng hay siêu thị tại những vị trí này, vì như thế sẽ lại tạo thêm áp lực về dân số, ùn tắc giao thông cho nội thành.

Cũng có ý kiến cho rằng, tùy thuộc vào vị trí của khu đất, nếu tổ chức nhà nước không có nhu cầu sử dụng nữa, thì khu đất đó có thể được thu hồi để làm các công trình công cộng, phục vụ đời sống của người dân. Những trụ sở bộ, ngành có giá trị về kiến trúc, cảnh quan, giá trị lịch sử cần phải được giữ lại để bảo tồn.

Theo Hữu Tuấn (Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0