Bài học thắt chặt đầu năm và rồi mải chạy theo cơn say tăng trưởng mà nới lỏng tiền tệ cuối năm, khi thấy lạm phát cao lại vội vã siết tín dụng, vẫn còn nóng hổi từ những năm trước. Nếu năm 2011, Chính phủ không kiên trì mục tiêu chống lạm phát thì kịch bản rất có thể sẽ tái diễn.

Chống lạm phát phải chấp nhận trả giá, sự trả giá đó là hy sinh một số lơi ích và bộ phận của nền kinh tế không phù hợp cho sự phát triển dài hạn và không đủ sức chống chọi qua khó khăn. Đổi lại là sự ổn định và phát triển dài hạn.


Tuy nhiên, nếu chống lạm phát không kiên trì, nóng ruột và dễ dãi buông mục tiêu thì cũng phải trả giá nặng nề bằng sự nguy khó của nền kinh tế.


Thực hiện chủ trương giảm lãi suất, các ngân hàng đang rầm rộ giảm lãi suất cho đối với các đối tượng sản xuất - kinh doanh. Đây được cho là việc cần phải làm để duy trì sự phát triển và ổn định cần thiết cho nền kinh tế.


Tuy nhiên, sau khi khối sản xuất được giảm lãi suất, lập tức các lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán... cũng lên tiếng đòi được vay vốn, tăng tín dụng để cứu những thị trường này ra khỏi khó khăn, tránh gây ra đổ vỡ, tác động xấu đến nền kinh tế.


Đi kèm với những đề xuất, các DN này luôn có lý lẽ và vận động để đạt được mục đích. Thậm chí, người ta đã có thể vẽ ra một lộ trình vận động của BĐS, từ việc kêu ca khó khăn của mình, rồi kêu ca những khó khăn của các ngành nghề liên quan và tác động xấu đến nền kinh tế; đến những đề xuất và tranh cãi BĐS là sản xuất hay phi sản xuất...


Và những gì đang diễn ra hiện nay đang diễn tiến theo chiều hướng có lợi cho không ít DN BĐS và giới kinh doanh nay đang mong đến ngày tháo van tín dụng để được cứu.


Cần giảm lãi suất cho khối sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, với những biểu hiện trên, nhiều nhiều chuyên gia lại lo ngại những tác động bất lợi cho nền kinh tế khi lạm phát còn cao.


Chính vì thế, cả các chuyên gia trong nước và các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đều có chung cảnh báo, phải thận trọng với xu hướng giảm lãi suất khi lạm phát hãy còn cao. Đây không chỉ là một khuyến cáo mang tính lý thuyết mà chính Việt Nam đã vấp phải tình huống như thế nhiều lần trong thực tế.




Theo các chuyên gia, một trong những lý do giảm lãi suất là lạm phát có dấu hiệu giảm tốc độ gia tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, dù tăng dưới 1% thì đó vẫn là một tốc độ cao và lạm phát hiện nay đã hơn 16%, so với mục tiêu mới nhất mà chính phủ đề ra 18% cho năm nay thì dư địa còn rất ít. Và nếu giữ được 18% thì Việt Nam vẫn có lạm phát cao thuộc loại hàng đầu thế giới.


Hơn nữa, dù giảm lãi suất nhưng vẫn giảm tín dụng xuống 17% (so với 20% đề ra từ đầu năm) và các ngân hàng đều cho rằng, không có chuyện nới lỏng tín dụng nên không lo tác động đến lạm phát.


Tuy nhiên, một nghi vấn rất thông thường được đặt ra là, những tháng đầu năm, khi thực hiện siết chặt tiền tệ mà lạm phát vẫn tăng cao, nay giảm lãi suất, bơm vốn nhiều cho nền kinh tế e rằng sẽ có những tác động bất lợi cho kiểm soát lạm phát.


Theo thông lệ, các chính sách tài khóa tiền tệ sẽ bắt đầu phát huy tác dụng sau 6 tháng áp dụng. Tuy nhiên, khi các kết quả tích cực vừa lộ diện thì đã bắt đầu có những lo ngại xuất hiện từ những tình huống trên đây.


Nhắc lại tình huống năm 2010, khi nới lỏng tiền tệ quá sớm dẫn đến lạm phát cao, đến cuối năm phải gấp gáp siết tiền tệ nhưng tỏ ra không có hiệu quả. Các chuyên gia cho rằng, tình huống hiện nay sẽ trở nên nguy hiiểm nếu chúng ta dễ dãi trong điều hành, vội vàng chấp nhận những đòi hỏi chưa phù hợp.


Lịch sử lạm phát trong 5 năm qua cho thấy, chỉ 2009, lạm phát tăng 1 con số ở mức 6,5% còn các năm còn lại đều ở mức trên 2 con số. Lạm phát luôn tăng cao gấp 2 -3 lần dự kiến.


Nguyên nhân là do chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng khi nguồn vốn đầu tư tăng cao, thâm hụt ngân sách lớn, tăng trưởng tín dụng quá cao và vượt ngoài kiểm soát so với mục tiêu đề ra. Vì thế, cảnh bảo được đưa ra là hết sức thận trọng khi giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát còn cao là lo ngại có cơ sở.


Việt Nam cần tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa, cái giá phải trả để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là chấp nhận mục tiêu tăng trưởng thấp hơn trong giai đoạn 2011-2015 có thể phải thấp hơn 6%. Đây là quan điểm đồng thuận là từ nay đến cuối năm vẫn phải tập trung chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thậm chí, điều này cần kéo dài không chỉ năm nay, năm sau mà cả năm năm tới.


Đáng mừng là trong những bản dự thảo mới nhất về kế hoạch 2012, cả Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đều thể hiện rõ quan điểm chặt chẽ với chính sách tài khóa và tiền tệ, tiếp tục theo đuổi mục tiêu để chống lạm phát, phát triển bền vững. Chính phủ cũng thể hiện rõ quan điểm này trong các chiểu đạo điều hành và quan điểm xây dựng kế hoạch kinh tế trong năm tới.


Tuy nhiên, điều cần nói lại là, mục tiêu chống lạm phát và duy trì ổn định vĩ mô đã được đặt ra nhiều năm. Nhưng thực tế chúng ta không thành công, thậm chí những con số cuối cùng luôn cho những kết quả trái ngược với mong đợi.


Kinh nghiệm những năm qua đã cho thấy, sự nôn nóng tăng trưởng, vội vàng trong chính sách luôn mang lại những hệ quả xấu kéo dài mà trong trường hợp này là lạm phát đã liên tục gia tăng và đến đỉnh điểm khó khăn vào 2011.


Chính vì thế, sự kiên trì của Chính phủ đã thắp lên thêm một lần hy vọng. Mong rằng, sự kiên trì và quyết liệt sẽ được thực thi và giữ vững trong quá trình thực tế. Để mong ước lạm phát 1 con số, sự ổn định vĩ mô được hiện thực hóa và xa hơn tái cơ cấu và phát triển bền vững có cơ sở và niềm tin để bắt đầu.

Theo Lê Phong (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.