Một số cán bộ cấp phường ở Hà Nội nói, không ít trường hợp đủ điều kiện mua nhà giá rẻ, thực tế, lại có thu nhập ngoài thuế... rất cao. Do đó, nên đổi tên "nhà thu nhập thấp" thành nhà cho người chưa có nhà.

Nhiều người mua nhà giá rẻ có thu nhập... rất cao

Đăng ký mua nhà dành cho người thu nhập thấp tại khu CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Văn Việt.

Bất cập

Thời gian qua, UBND phường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) xác nhận 331 bộ hồ sơ đủ điều kiện mua nhà dành cho người thu nhập thấp. Người dân có hộ khẩu thường trú tại phường mang mẫu xác nhận của dự án nhà cho người thu nhập thấp tới phường xin cấp xác nhận khó khăn về chỗ ở và thu nhập của họ.

“Chúng tôi yêu cầu người dân mang sổ đỏ nơi mình đang ở tới đây để xem xét, có chữ ký xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố. Việc này đảm bảo người dân không thể khai man về chỗ ở” – ông Đào Diệu Chung, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết.

Theo ông Chung, nếu người có hộ khẩu thường trú tại phường, nhưng đang sở hữu nhà tại nơi khác dưới tên sở hữu của người khác, thì cũng đành… chịu. Cán bộ phòng Lao động Thương binh và Xã hội của phường này cũng cho rằng, không thể xác minh được thu nhập của người dân.

“Nếu là cán bộ Nhà nước, hoặc làm trong doanh nghiệp, còn có xác nhận của nơi làm việc. Nhưng, ngoài đường phố, hoàn toàn có những tiểu thương bán bún, bán vải... có thu nhập hơn chục triệu đồng, chúng tôi không thể xác minh được” - cán bộ này nói.

Ông Chung cho biết, phường Quang Trung có 31 hộ đạt chuẩn nghèo mới của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhưng 31 hộ này đều có nhà ở. Còn hàng trăm hộ thu nhập thấp chưa có nhà đã được phường xác nhận khó khăn về chỗ ở, nhưng “thu nhập của họ có thấp thật hay không thì khó biết lắm” - ông Chung nói.

Theo một đại diện Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Hadico 5), vấn đề khác cũng phát sinh trong xác nhận hồ sơ người mua nhà thu nhập thấp, đó là một số phường xác nhận sai mẫu.

“Theo mẫu của Bộ Xây dựng, phường và tổ trưởng tổ dân phố phải xác nhận. Nhưng, nhiều người dân cầm đơn lên đây, trong đó có phường xác nhận và đóng dấu đỏ rằng, đây là chữ ký của ông tổ trưởng?”.

Đại diện Hadico 5 – chủ đầu tư nhà thu nhập thấp tại Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội - cho biết, điều này cũng khiến hơn 400 hồ sơ người mua nhà giá rẻ bị trả lại, bị loại vì không đúng mẫu.

Làm ngược quy trình?

Đinh Đức Linh, nhân viên một Cty phát triển phần mềm trên điện thoại di động nói rằng, lương của anh được 8 triệu/ tháng. “Mức lương này khiến tôi phải đóng thuế thu nhập, trong khi nhà tôi gồm bố mẹ, anh em bốn người đang phải ở trong căn nhà 30m2”.

Anh Linh nói rằng, cần có cơ chế chặt chẽ để xác định thế nào là “thu nhập thấp”.

Theo anh, “nhiều người bán trà đá ở cổng trường đại học cũng có thu nhập cao hơn tôi. Bán nước, hàng ăn ở cổng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, có người thu cả chục triệu/ tháng”. Vì thế, nên đổi tên nhà cho người thu nhập thấp thành nhà cho người chưa có nhà.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, chương trình nhà ở xã hội là chương trình tốt nhưng cách tiếp cận và giải pháp thực hiện ở đây không đúng.

Ông Liêm nói, ở nhiều nước, chính sách nhà ở xã hội được tiếp cận từ phía cầu, tức là trợ giúp cho người có nhu cầu nhà ở bằng cách cho họ vay tiền và trả lãi trong nhiều năm.

“Chúng ta đang tiếp cận từ phía cung: tạo điều kiện cho người kinh doanh bất động sản xây nhà tương đối rẻ để bán cho người thu nhập thấp. Doanh nghiệp được tạo điều kiện về đất đai, thuế, hạ tầng. Cách làm này là muốn giúp bên cung để họ bán cho bên cầu giá rẻ nhưng thực tế chẳng có gì đảm bảo kết quả đó đó tới bên cầu hay lại đi đâu mất” – ông Liêm nói.

Xác định đúng đối tượng và biện pháp xử lý việc người mua nhà thu nhập thấp rồi bán lại cũng đang là điều khiến Công ty Vinaconex Xuân Mai đau đầu. Căn nhà số 1702 tại khu nhà thu nhập thấp CT1 – Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) bị phát hiện bán trao tay và đã có yêu cầu niêm phong. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đa - Phó Tổng Công ty Vinaconex Xuân Mai, hôm 11 - 6, nói với phóng viên rằng: “Chúng tôi chưa thể niêm phong căn hộ, bởi người dân vẫn đang sống tại đó”.

Giải pháp được ông Liêm đề xuất là Nhà nước cấp cho người thu nhập thấp một loại giấy tờ có trị giá 300 – 500 triệu. Người thu nhập thấp khi mua nhà nộp giấy này cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ đến ngân hàng quy đổi ra tiền mặt. Như thế, người vay tiền không thể có cách gì dùng tiền cho mục đích kinh doanh khác. Họ sẽ phải trả lãi hằng tháng cho Nhà nước giống như việc vay ngân hàng.

Cũng theo ông Liêm, chương trình nên triển khai theo từng giai đoạn và mỗi giai đoạn dành cho một đối tượng nhất định như dành cho lĩnh vực y tế, giáo dục chẳng hạn, để công đoàn ngành đó xác nhận đúng đối tượng.

Ông Liêm cho rằng, việc yêu cầu tổ trưởng tổ dân phố xác nhận một người có thu nhập thấp là một điều khó trong khi quy định lại không rõ ràng.

“Chúng ta đặt ra những yêu cầu không thể thực hiện được nhưng cần phải có, thành ra các cấp vẫn phải xác nhận” – ông Liêm nói.

Theo Văn Việt (Tiền Phong Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0