Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định nhiều trường hợp cố tình xây dựng trái phép đã bị xử lý nghiêm.

“Xây nhà không đúng diện tích so với giấy phép xây dựng (GPXD) phải làm thế nào? Lỡ xây vượt chiều cao, cơi nới không đúng giấy phép bị xử lý ra sao?…” là những nội dung được nhiều độc giả quan tâm trong buổi giao lưu trực tuyến do Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp cùng Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 14-6.

Rắc rối khi xây không đúng GPXD

Bạn đọc Nguyễn Hồng Linh, quận Bình Thạnh bày tỏ: Theo GPXD, chiều ngang căn nhà là 4,1 m nhưng tôi đã xây thành 4,2 m. Phần xây lố vẫn nằm trong khuôn viên đất của gia đình. Vừa qua, tôi bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt và đình chỉ thi công. Nếu muốn thi công tiếp, tôi phải làm gì?

Ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết chiều ngang nhà chị Linh lớn hơn so với GPXD nên cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt và đình chỉ thi công là đúng quy định. Nếu muốn tiếp tục thi công, chị Linh phải tạm ngưng xây dựng để xin điều chỉnh GPXD.

Có bạn đọc phản ánh việc xây dựng nhỏ hơn diện tích trong GPXD cũng có thể bị xem là vi phạm. “Nhà tôi ở quận Thủ Đức, không phải đất dự án, xây dựng năm 2010, diện tích nhỏ hơn so với GPXD là 10 m2. Thanh tra xây dựng không phạt nhưng khi tôi đăng bộ thì quận không giải quyết vì cho rằng tôi xây dựng sai phép sau thời điểm 1-5-2009” - bạn đọc Thanh Bình cho hay.

Nhà xây trái phép đã giảm nhiều

Xây không đúng giấy phép xây dựng dễ sinh nhiều rắc rối khi làm thủ tục nhà đất. Ảnh: HTD

Theo ông Phan Đức Nhạn, trường hợp này còn tùy thuộc vào địa điểm xây nhà đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị đã được phê duyệt hay chưa. Công trình xây dựng có diện tích nhỏ hơn GPXD chỉ được coi là không vi phạm trong trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại những nơi chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị đã được phê duyệt nhưng nằm trong diện tích đất thuộc chủ quyền sử dụng hợp pháp của chủ nhà, không gây khiếu kiện, không lấn chiếm chỉ giới đường đỏ hoặc chỉ giới xây dựng, không vi phạm khoản 2 Điều 3 Quyết định 39/2005 của Chính phủ. Trường hợp nêu trên, bạn đọc cần liên hệ với thanh tra xây dựng quận để đề nghị có ý kiến trước khi đăng bộ.

Trốn nộp phạt sẽ bị cưỡng chế

Ngoài hai trường hợp trên, nhiều bạn đọc còn thắc mắc về việc “lỡ” xây một số hạng mục không đúng GPXD (như xây vượt tầng, lố chiều cao, mở thêm cửa sổ…). Sở Xây dựng lưu ý các trường hợp này đều được xem là xây dựng trái phép, sẽ bị xử phạt và buộc tháo dỡ. Đối với các trường hợp đã hết thời hạn xử phạt hành chính (theo quy định là hai năm), cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Việc xây dựng, sửa chữa nhà ở trong khu có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt phải đảm bảo đúng quy hoạch. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, chủ đầu tư sẽ được sửa chữa, xây dựng theo quy hoạch mới điều chỉnh.

Theo ông Phan Đức Nhạn, các trường hợp xây dựng không phép hay sai phép trên địa bàn TP.HCM hiện đã giảm nhiều so với các năm trước. Nhiều trường hợp cố tình vi phạm đã được các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định. Tuy vậy, thực tế vẫn tồn tại nhiều trường hợp trốn tránh nộp phạt. “Các cấp quản lý về trật tự xây dựng áp dụng nhiều hình thức như tuyên truyền, nhắc nhở hoặc cưỡng chế thi hành nếu người vi phạm không thực hiện. Đến nay, các trường hợp trốn, tránh nộp phạt lần lượt đều được kiểm soát và xử lý theo đúng quy định” - ông Nhạn khẳng định.

Theo Việt Hoa - Đình Vân (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0