Là thành phố đi đầu về phát triển quỹ nhà ở xã hội, Hà Nội cũng sớm đối diện với những vấn đề phát sinh về đối tượng hưởng lợi từ chính sách này. Không bài học nào đắt giá bằng thực tế, từ vụ việc bán căn hộ thu nhập thấp trái quy định tại dự án CT1 Ngô Thì Nhậm, các cơ quan quản lý có thể thấy rõ những "lổ hổng" của cơ chế.

Nhà ở cho người thu nhập thấp: Những “lỗ hổng” của cơ chế

Nhà ở cho người thu nhập thấp CT1 Ngô Thị Nhậm, quận Hà Đông. Ảnh: Hải Linh

Xác nhận nhà ở "mong manh" tính xác thực

Theo quy định hiện hành, đối tượng được mua nhà ở thu nhập thấp phải đảm bảo tiêu chuẩn: chưa có nhà ở; có nhà ở căn hộ thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích quá chật chội (bình quân hộ gia đình thấp hơn 5m2 sử dụng/người) hoặc có nhà ở riêng lẻ, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 5m2 sử dụng/người và diện tích khuôn viên đất của nhà ở đó thấp hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu thuộc diện được phép cải tạo, xây dựng theo quy định của UBND TP; chưa được nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức; có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại Hà Nội.

Các quy định tưởng như rất chặt chẽ nêu trên, nhưng triển khai vào thực tế đã có trăm phương, nghìn cách để "lách" luật. Khâu quan trọng nhất và cũng là căn cứ có giá trị nhất trong việc xét duyệt mua nhà thu nhập thấp là xác nhận tình trạng nhà ở của người dân. Trở lại vụ việc bà Cao Thị Loan bán trái quy định căn hộ thu nhập thấp số 1702 tại nhà CT1, Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông), trong Giấy xác nhận thực trạng nhà ở ngày 8/9/2010 do UBND phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) ghi rõ nội dung "gia đình gồm 5 người, hiện chưa có nhà ở thuộc sở hữu chủ hộ". Tuy nhiên, theo điều tra của cơ quan công an, gia đình bà Loan hiện lại đang cư trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND phường Cầu Dền cho biết, "chưa có nhà ở" là phần nội dung do Tổ trưởng dân phố nơi bà Loan có hộ khẩu chịu trách nhiệm, còn UBND phường chỉ chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận "bà Loan hiện không có tên kê khai nhà, đất ở tại phường Cầu Dền". Điều đáng nói, tại địa chỉ hộ khẩu thường trú, năm 2001, gia đình bà Loan đã có nhà thuộc sở hữu được cấp "sổ đỏ". Sau đó, gia đình bà Loan đã bán căn nhà này, chuyển đi nơi khác. Khi nhìn vào Giấy xác nhận, bất kỳ ai cũng có thể hiểu rằng, Chủ tịch UBND phường ký tên đóng dấu dưới 2 nội dung như vậy phường đã xác nhận cùng lúc cả 2 nội dung đó. Như vậy, "kẽ hở" đầu tiên phải kể đến đó là mẫu giấy xác nhận rất dễ gây… hiểu lầm.

Qua trao đổi với công an phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) - nơi gia đình bà Loan đang tạm trú - có thể thấy công an phường nắm rất rõ về tình trạng nhà ở hiện tại của gia đình bà Loan. Nếu như việc xác nhận được thực hiện ở cả hai nơi, nơi có hộ khẩu thường trú và nơi tạm trú, thì các cơ quan xét duyệt hồ sơ có thể nắm bắt được một cách đầy đủ nhất tình trạng nhà ở của người xin mua nhà. Trên thực tế, có không ít trường hợp người dân có hộ khẩu thường trú nhưng chưa ăn ở, sinh sống tại địa phương đó… ngày nào.

Bổ sung thêm nhiều quy định

Để ngăn chặn kẽ hở trong việc xác nhận tình trạng nhà ở, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, Sở đã đề nghị Thành phố cho phép, đối với các trường hợp có hộ khẩu tạm trú, khi lập hồ sơ mua nhà, ngoài việc xác nhận tình trạng nhà ở tại nơi tạm trú, yêu cầu bổ sung tình trạng nhà ở do địa phương xác nhận tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Ngoài ra, cũng đã yêu cầu các hộ dân phải dán ảnh vào hồ sơ để đảm bảo tính xác thực người đến ở đúng là người được xét duyệt mua nhà. Mặc dù chưa có quy định yêu cầu những đối tượng được mua phải viết cam kết không được sang nhượng, nhưng Sở Xây dựng đã có công văn yêu cầu các chủ đầu tư trước khi ký hợp đồng hoặc giao nhà, người dân phải có cam kết thực hiện đúng Quyết định 34 của UBND TP và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai trái nếu có với các nội dung như: không chuyển nhượng, không cho thuê… Công tác kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ sẽ được thực hiện, song không thể phó mặc cho chủ đầu tư mà phải trông chờ vào chính quyền địa phương và công an phường, đặc biệt là cảnh sát khu vực.

Việc giao hồ sơ xét duyệt cho doanh nghiệp cũng khiến nhiều người băn khoăn. Cho dù quyết định cuối cùng vẫn là các cơ quan chức năng, nhưng cần phải rà soát kỹ ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ, bởi đây là khâu sàng lọc rất quan trọng cần cán bộ có nghiệp vụ và không thể thiếu sự ràng buộc trách nhiệm mang tính pháp lý. Một kẽ hở lớn cần có sự thay đổi mang tính hệ thống là việc quản lý thu nhập của người dân. Dư luận xã hội không khỏi băn khoăn khi người đến ở thu nhập thấp lại có cả xe hơi đắt tiền (!?). Nhưng, với thực trạng sử dụng tiền mặt là chính như hiện nay, cơ quan quản lý không có cách nào để xác định cho chuẩn xác về thu nhập của người xin mua nhà.

"Ở nhiều nước, chính sách nhà ở xã hội được tiếp cận từ phía cầu, tức là trợ giúp cho người có nhu cầu nhà ở bằng cách cho họ vay tiền và trả lãi trong nhiều năm. Nên chăng, Nhà nước cấp cho người thu nhập thấp một loại giấy tờ có trị giá 300 - 500 triệu. Người thu nhập thấp khi mua nhà nộp giấy này cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ đến ngân hàng quy đổi ra tiền mặt. Như thế, người vay tiền không thể có cách gì dùng tiền cho mục đích kinh doanh khác. Họ sẽ phải trả lãi hàng tháng cho Nhà nước giống như việc vay ngân hàng. Chương trình nên triển khai theo từng giai đoạn và mỗi giai đoạn dành cho một đối tượng nhất định như dành cho lĩnh vực y tế, giáo dục chẳng hạn, để công đoàn ngành đó xác nhận đúng đối tượng". TS Phạm Sỹ Liêm

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng ViệtNam

"… Nguy cơ phát sinh tiêu cực trong cơ chế "xin - cho" nhà ở xã hội sẽ làm cho chính sách tốt đẹp của Chính phủ không chuyển tải được đến dân. Người đáng được thì không được, hay có được cũng chẳng còn được bao nhiêu, danh sách ưu tiên lại bị méo mó dần. Những người nghèo thật lại tiếp tục vô vọng với giấc mơ nhà ở của mình".

GS. TSKH Đặng Hùng Võ


Theo Song Hà (Kinh Tế & Đô Thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0