Các bộ, ngành loay hoay mãi chưa tìm nổi đối sách trị “chứng” biệt thự bỏ hoang. Người kêu phải chấm dứt phát triển đô thị kiểu mì ăn liền - phân lô bán nền, kẻ bảo phải đánh thuế thật nặng để trị những đối tượng đầu cơ. Song những giải pháp này chẳng những không mới mà còn không được đánh giá cao về tính khả thi.

Chưa có “thuốc đặc trị” nạn nhà bỏ hoang (ảnh minh họa)

“Bài” cũ diễn lại

Kết quả kiểm tra tình hình sử dụng nhà ở tại 18 dự án khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội cho thấy, 42% số biệt thự hiện đang bị bỏ hoang. Bộ Xây dựng chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang là do nạn đầu cơ đất còn rất phổ biến. Ngoài ra, phương thức triển khai đầu tư, kinh doanh các dự án phát triển nhà ở hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là phương thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô.

Hàng loạt giải pháp được Bộ Xây dựng đưa ra nhằm chấm dứt nạn nhà bỏ hoang. Bộ này kiến nghị, cần xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị. Cụ thể, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng.

Thực ra, chuyện cấm phân lô bán nền không mới. Khi Nghị định 181 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai ra đời vào tháng 10-2004, người ta đã từng áp dụng chính sách này. Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường bất động sản từ từ lịm dần nên rốt cuộc, chính sách lại được nới ra, cho phép doanh nghiệp được phân lô bán nền như trước. Nay, trước đề xuất của Bộ Xây dựng về việc tái lập mô hình cũ, nhiều doanh nghiệp hết sức lo lắng về khả năng kịch bản cũ sẽ tái hiện. Đồng ý quan điểm “không thể để hàng triệu USD chết gí một chỗ”, song Phó Tổng giám đốc Sông Đà Thăng Long, ông Nguyễn Đỗ Việt cho rằng, nếu cấm phân lô bán nền, bất động sản sẽ “căng” hơn. Ông Bùi Văn Việt, Giám đốc Công ty CP Huy Hoàng Land cũng lo lắng, việc xóa phân lô bán nền sẽ làm cho thị trường dễ lâm vào cảnh “mất thăng bằng”. Các dự án đang triển khai sẽ đổ vỡ, doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu đầu tiên... Nhiều ý kiến khác cũng nhất trí quan điểm xóa phân lô bán nền là đúng đắn, song khâu thực hiện cần có lộ trình rõ ràng, tránh triển khai kiểu áp đặt, gây sốc cho thị trường.

Có “gậy” mà chưa dùng được

Không chịu kém Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính mới đây lên tiếng với 3 phương án tính thuế để “chống” biệt thự bỏ hoang. Cụ thể, với phương án 1, Bộ Tài chính sẽ dự thảo nghị định quy định, nếu sau khi xác định biệt thự nào bỏ hoang, không sử dụng thì thu thuế theo một tỷ lệ nhất định. Chẳng hạn, sau 3 tháng thu 5% trên tổng giá trị biệt thự, sau 6 tháng thu 10%... Ở phương án 2, ngày 1-1-2012, khi Luật Sử dụng đất phi nông nghiệp bắt đầu có hiệu lực, có thể căn cứ vào quy định đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15% tổng giá trị. Cuối cùng, căn cứ vào quy định xử lý vi phạm Luật Đất đai, người nào lấn chiếm đất đai, không sử dụng đất hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ bị xử phạt hành chính. Chẳng hạn, nếu không đưa vào sử dụng trong 6 tháng thì bị phạt 20 - 30 triệu đồng, 6 tháng sau tiếp tục không sử dụng thì phạt tiếp đến khi hoàn thiện đưa vào sử dụng, cho thuê, cho mượn.

Đồng tình với việc phải dùng sắc thuế để trị đầu cơ, song nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ cho rằng phương án đánh thuế với các mức đề xuất bước đầu của Bộ Tài chính là chưa ổn. Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cũng băn khoăn về cơ sở pháp lý của việc đánh thuế biệt thự bỏ hoang. Ông Phạm Sỹ Liêm nói: “Trường hợp người bỏ hoang nhà không nộp thuế thì chúng ta sẽ làm gì tiếp theo, thu hồi nhà chăng, không thể làm thế được bởi đó là quyền sở hữu cá nhân...”. Tương tự, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực phân tích: “Phạt biệt thự bỏ hoang có đúng pháp luật không? Người ta không muốn ở, không có nhu cầu hoặc không có khả năng hoàn thiện nhà nên bỏ hoang đó là quyền của người ta vì nhà đó thuộc sở hữu của họ rồi. Thêm nữa, biệt thự như thế nào được gọi là bỏ hoang? Nhà đã hoàn thiện nhưng khóa cửa để đó, có khác biệt thự bỏ hoang không?”.

Tương tự phân lô bán nền, ý tưởng áp đặt thuế nặng để có thể “đánh gục“ giới đầu cơ đã có từ hàng chục năm trước. Gần đây, khi Quốc hội thảo luận về Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhiều ĐBQH cũng yêu cầu đặt thuế suất thật cao để trị những đối tượng đang nắm trong tay nhiều nhà đất. Thế nhưng, khi được Quốc hội thông qua giữa năm 2010, các mức thuế suất lại không cao như kỳ vọng. Đặc biệt, Nhà nước cũng mới chỉ đánh thuế sử dụng đất chứ chưa “đụng” tới thuế nhà nên giới đầu cơ vẫn nhởn nhơ vì thuế chỉ như... phủi bụi. Trước giờ sắc thuế này được thông qua, cũng đã có ý kiến cho rằng, chẳng mấy hy vọng dùng nó để chống đầu cơ. Một ĐBQH nói thẳng: “Đầu cơ đất nhà thường diễn ra ở những khu đất vàng, cho lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, thuế chắc chắn không theo kịp. Các nước lân cận như Thái Lan, Nhật Bản cũng đặt ra mức thuế rất cao nhưng cũng không chống nổi đầu cơ...”.

Theo Ngọc Khánh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0