Không chỉ thiếu điện, nước, cống thoát... lô biệt thự vườn trị giá hàng chục tỷ đồng nằm trong khu đô thị kiểu mẫu ở Hà Nội còn không có lối vào trong suốt 8 năm qua khiến người dân phải lội ruộng, đi ủng để vào nhà.

Các hộ dân ở lô OBT2-X1 khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa gửi đơn tới VnExpress phản ánh tình trạng mua biệt thự hơn 8 năm mà vẫn chưa có đường đi, khiến nhiều gia đình phải lội ruộng để vào nhà.

Theo các hộ dân, năm 2003 Công ty Đầu tư Phát triển nhà số 2 (HUD2) thuộc Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị - HUD (nay là Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam) bán các biệt thự xây thô ở lô OBT2-X1 khu đô thị Linh Đàm. Cả lô có 2 dãy biệt thự quay lưng vào nhau, trong đó có 7 căn hướng ra bờ sông Lừ.

Hợp đồng mua bán nêu, ngoài việc thi công theo đúng thiết kế, đảm bảo chất lượng, bên bán (HUD2) phải thi công hoàn chỉnh các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu vực dự án, bàn giao hệ thống cấp nước đến hè từng ngôi nhà, cấp điện tại tủ công tơ của từng dãy... Còn bên mua phải hoàn thiện nhà không quá 6 tháng từ ngày nhận bàn giao nhà xây thô.

Tuy nhiên, theo các hộ dân, sau hơn 8 năm, HUD2 vẫn chưa bàn giao cơ sở hạ tầng như đường đi, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, cấp nước, thoát nước theo như thiết kế và cam kết trong hợp đồng mua bán giao cho 7 hộ dân có mặt tiền hướng ra bờ sông Lừ. Điều này khiến cho 5 hộ dân đã dọn về ở nhưng lại không có lối đi, không có điện nước, còn muốn hoàn thiện nhà để về ở thì cũng chẳng có lối vào. Riêng 2 hộ dân ở đầu lô đi lại bằng đường nội bộ.

Lội ruộng, đi ủng để vào biệt thự triệu đô
Lô biệt thự vườn nằm mắc kẹt giữa khu dân cư và bãi đất trống ven bờ sông. Ảnh: Tiến Dũng.

Ngồi trong ngôi biệt thự rộng 230 m2 với đầy đủ sân vườn, gara ôtô, ông Hồ Sỹ Kiệp (74 tuổi) cho hay, năm 2005 gia đình bác dọn về đây ở và kể từ đó cuộc sống của 4 người lớn và một cháu bé vô cùng khó khăn: không có đường đi, điện nước thì mua nhờ của hàng xóm. Vì vậy xe máy phải gửi ở chung cư gần đó, còn người lớn trẻ nhỏ phải lội qua ruộng rau để về nhà.

"Lúc trời tối chúng tôi chỉ có thể mò mẫm trèo qua ruộng rau của dân để về nhà. Mưa chút là khoảng sân trước nhà lại ngập đầy nước vì không có chỗ thoát nên đi làm là phải mang theo đôi ủng để lội ra khỏi nhà. Thậm chí, có những hôm mưa to quá, không dám về nhà vì... sợ rắn rết", ông Kiệp kể.

Cũng theo ông Kiệp, khi vợ ông mất, người dân mới thương tình cho gia đình mở lối đi rộng chừng 1 mét sát hàng rào phía trước. Nhưng gần đây, người dân lại lấy cành cây bịt lối đi và lật tung lớp bê tông phẳng phiu, khiến gia đình ông lại phải băng ruộng mỗi lần muốn ra khỏi nhà.

Lội ruộng, đi ủng để vào biệt thự triệu đô
Lối đi tạm phía trước lô biệt thự triệu đô nay cũng bị người dân làng bịt lại. Ảnh: Tiến Dũng.

Suốt 6 năm, nhiều lần ông Kiệp và người con trai lên trụ sở công ty HUD2 xin gặp lãnh đạo để phản ánh nghịch lý "có nhà không có đường vào" nhưng chỉ được các nhân viên tiếp chuyện và giải thích rằng diện tích làm đường, vỉa hè... cho 7 hộ phải đợi dự án đường sông Lừ triển khai hoặc khi công ty phải được thành phố giao làm chủ đầu tư dự án đường ven sông thì mới có thể bàn giao hạ tầng đầy đủ cho 7 hộ dân.

Còn với anh Đoàn Thế Trung, dù rất muốn hoàn thiện để về ở và đã dăm lần bảy lượt lên gặp lãnh đạo HUD2 phản ánh về vấn đề đường sá nhưng không thành nên anh đành để mặc ngôi nhà xây thô xuống cấp từng ngày, cỏ, rêu mọc um tùm.

“Cách đây 5 năm tôi đã lên gặp phó giám đốc và kế toán trưởng của HUD2 phản ánh về bất cập này, và lần phản ánh gần đây nhất là năm ngoái nhưng lần nào cũng chỉ nhận được lời hứa. Đến giờ tình hình vẫn chẳng có gì thay đổi”, anh Trung nói.

Lội ruộng, đi ủng để vào biệt thự triệu đô
Nghịch lý nhà không lối vào đã khiến con đường đất ngoằn ngoèo này vẫn ngày ngày được chủ nhân của các ngôi biệt thự triệu đô sử dụng để ra vào nhà. Ảnh: Tiến Dũng.

Thấy chủ cũ của ngôi biệt thự số 24 rao bán nhà với giá rẻ hơn thị trường, bác Nguyễn Đức Hùng đã dồn tiền để mua ngôi nhà vườn rộng hơn 200m2. Tuy nhiên, vài tháng sau khi mua, gia đình bác tá hỏa khi chẳng thấy dự án làm đường phía trước nhà được khởi động. Điều đó đồng nghĩa với việc, nhà không có lối vào. Ngôi biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng sau nhiều năm phơi sương phơi gió đã bắt đầu mọc rêu, mái bê tông bắt đầu lộ ra những lõi thép hoen rỉ.

Theo quy hoạch được UBND TP Hà Nội phê duyệt, dự án khu này nằm giáp với dự án cải tạo sông Lừ của Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội. Sau khi hoàn thành, khu vực chạy qua lô biệt thự này sẽ là con đường rộng 15 mét, cùng vỉa hè hai bên cũng rộng khoảng 15 mét.

Trả lời báo chí, đại diện HUD2 cho hay, trong quy hoạch được phê duyệt, phần hè của cả lô biệt thự này cũng chính là vỉa hè của dự án đường ven sông nhưng vì dự án làm đường này chưa triển khai nên phần hè của khu biệt thự cũng chưa có. Đồng nghĩa với đó là chưa có điện, nước và cả đường vào.

Thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trong số gần 2.700 biệt thự tại Hà Nội, có hơn 900 căn vẫn chưa đưa vào sử dụng, ở tình trạng xây thô, bỏ hoang.

Cục phó Quản lý nhà và thị trường Bất động sản Vũ Xuân Thiện cho hay, biệt thự, nhà liền kề bị bỏ hoang chủ yếu là do các chủ nhân đầu cơ găm giữ. Ngoài ra, nhiều trường hợp do cơ sở hạ tầng như điện, nước, đường sá chưa xây dựng đồng bộ nên người dân chưa sử dụng nhà.


Theo Tiến Dũng (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0