Ngày 1/7, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng Sáu trực tuyến với các địa phương nhằm thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, tình hình triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ và chương trình công tác 6 tháng cuối năm của Chính phủ.
Trước đó, ngày 30/6, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về phương án điều chỉnh lương tối thiểu theo vùng cho các doanh nghiệp, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế đẩy lùi tai nạn giao thông trên toàn quốc, các giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải pháp tổ chức và quản lý thị trường bất động sản, Tờ trình về chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020...

Kinh tế-xã hội đạt được những kết quả đáng khích lệ


Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, thành viên Chính phủ và các địa phương nhận định, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam đạt được những kết quả đáng khích lệ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Nổi bật là thị trường ngoại tệ và kinh doanh vàng đã ổn định, tỷ giá đã được kiểm soát trong biên độ cho phép, dự trữ ngoại tệ được cải thiện, tăng trưởng tín dụng được kiểm soát; đầu tư cho giảm nghèo, nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn được duy trì; an sinh xã hội được quan tâm và có chuyển biến tích cực, quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.


Trong đó, GDP tăng 5,57%, thu ngân sách nhà nước đạt 46,7 nghìn tỷ đồng, xuất khẩu đạt gần 49 tỷ USD tăng 25,8%, sản xuất công nghiệp tăng 14,3%, nông nghiệp tăng 3,3%...


Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, với tất cả các biện pháp đồng bộ, 6 tháng đầu năm Việt Nam đã đáp ứng cơ bản đầy đủ điện phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân, đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là 11 nhóm hàng hóa thiết yếu. Bước đầu đã kiểm soát nhập siêu (tháng Sáu nhập siêu bằng 5,1% kim ngạch xuất khẩu), kiểm soát đà tăng giá, trong đó mặt hàng tiêu dùng trong tháng Sáu không tăng.


“Tất cả các chính sách an sinh xã hội đều được thực hiện có hiệu quả, nhất là các chính sách cho người nghèo, gia đình có công, hỗ trợ đào tạo nghề… Riêng trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã cấp 56.200 tấn gạo cho dân, không để người dân nào bị đói,” Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.


Thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ các Bộ, ngành và địa phương đã cắt giảm chi thường xuyên trên 3.800 tỷ đồng và rà soát, cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư trên 80.500 tỷ đồng, bằng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011.


"Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ với các kết quả tiết kiệm được 195 triệu kWh, 43.000 m3 nước sạch, hàng chục lít xăng dầu, 65.000 nhà trọ và 183.000 cơ sở nuôi dạy trẻ cam kết không tăng giá…, nhờ vậy kinh tế của thành phố vẫn duy trì tăng trưởng cao và đảm bảo an sinh xã hội" - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân cho biết.


Áp lực tăng giá và lạm phát vẫn cao


Tuy nhiên các thành viên Chính phủ cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn thách thức như lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do lãi suất cao, nhập siêu còn lớn, thu hút đầu tư có chiều hướng giảm, thị trường chứng khoán sụt giảm, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tai nạn giao thông xảy ra nghiêm trọng…

Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 1,09% so tháng trước, giảm đáng kể so với các tháng trước đó, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay nhưng tính bình quân 6 tháng qua tăng 16,03% so cùng kỳ năm 2010.


Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, áp lực lạm phát rất nặng nề, đặc biệt là giá xăng dầu tăng cao gây khó khăn trong công tác điều hành giá cả. Do vậy, việc điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện, giá than… phải có lộ trình phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.


Để phấn đấu thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong năm 2011 đạt kết quả cao nhất, các thành viên Chính phủ và địa phương kiến nghị cần kiên trì và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đề ra trong Kết luận 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59/2001 của Quốc hội, Nghị quyết 02 và 11 của Chính phủ.


Theo đó, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, chính sách tài khóa thắt chặt để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tăng cường kiểm soát giá cả và đảm bảo ổn định cung cầu hàng hóa, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu và tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội…


“Đảng bộ, chính quyền địa phương nào mà đồng thuận tập trung chỉ đạo quyết liệt chỉ đạo của Trung ương thì mang lại hiệu quả rõ rệt trong kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội”- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ.


Kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội


Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương, tổng hợp báo cáo trình Quốc hội, phản ánh đầy đủ tình hình kinh tế-xã hội của đất nước trong 6 tháng đầu năm 2011 cũng như các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu đã đề ra.

Khái quát một số nét chung về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước trong 6 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm tiếp tục kiên định mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.


Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung kiểm soát lạm phát ở mức 15-17%, kiểm soát tăng trưởng dự nợ tín dụng dưới 20%, nhập siêu dưới 16%, giảm bội chi dưới 5% GDP, phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 6% để góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tạo tiền đề phát triển trong thời gian tới….


Thủ tướng nêu rõ, chủ trương nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và hiệu quả, trong đó tăng trưởng tín dụng phải hướng vào sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời điều hành tỷ giá hợp lý, quản lý tốt thị trường ngoại tệ và vàng.


Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương quản lý chặt chẽ thị trưởng bất động sản, trong đó giám sát chặt việc các ngân hàng đầu tư vào thị trường này, giảm dần lãi suất phù hợp với lạm phát. Tiếp tục kiên trì chính sách tài khóa thắt chặt, trong đó thực hiện tốt tiết kiệm chi 10%, giảm đầu tư công, kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất. Bên cạnh đó, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng khoa học công nghệ và quản lý.


Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển sản xuất kinh doanh, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã giãn và giảm thuế khoảng 13.000 tỷ đồng, miễn thuế gần 6.000 tỷ đồng, nâng lương tối thiểu cho doanh nghiệp trong và ngoài nước từ 840.000 lên 1,4 triệu đồng.


Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để tình trạng đầu cơ tăng giá, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, không để người dânbị đói do thiên tai, lúc giáp hạt.


Quan tâm công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tai nạn giao thông, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành và địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác đối ngoại, an ninh quốc phòng, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển…/.
Theo Thiện Thuật (TTXVN/Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0