Phải sửa đổi tâm lý nhận định về bất động sản. Đó là vấn đề cốt lõi để tháo gỡ tình hình thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay mà TS Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định.

Ông Hiếu cho biết hiện nay lãi suất lên tới 24%-25%. Như vậy là cao quá liều so với lạm phát của chúng ta, kể cả lãi suất tiền gửi. Trong khi đó trung bình một dự án phải đi vay khoảng 50% vốn là ít. Còn lại là vốn tự có của các cổ đông. Mà vốn tự có của các cổ đông thì doanh nghiệp (DN) cũng vẫn phải trả tiền chi phí vốn. Trong khi đó, các chi phí khác mà DN phải gồng gánh cũng rất nặng như thuế sử dụng đất phải đóng một lần, tiền đền bù đất cho dân cao hơn rất nhiều so với số tiền mà Nhà nước quy định. Mà diện tích đất sử dụng DN cũng không thể xây nhà 100% trên đất nền đã mua. Như vậy vô hình trung khó khăn cứ đổ dồn lên DN.

Mặt khác, nhiều người cứ cho rằng bất động sản và chứng khoán là lĩnh vực phi sản xuất, thành thử bất động sản chết oan. Trong khi bất động sản là lĩnh vực xây dựng, tạo nên sản phẩm căn hộ thì nó phải là ngành sản xuất và là ngành đầu tàu trong kinh tế.

“Gần đây nhiều người cứ nói có bong bóng bất động sản nhưng thực chất chỉ có dưới 20% phân cấp nhà cao cấp. Đó là trước đây chứ bây giờ những căn hộ như thế xẹp rồi. Chính phủ nên xem xét các yếu tố đầu vào của bất động sản” - ông Hiếu nói.

“Theo tôi, phải phân khúc lại thị trường bất động sản để giảm bớt gánh nặng cho DN và ngân hàng. Nhưng muốn làm được điều đó cũng không thể máy móc. Chẳng hạn đối với các dự án xây nhà cho người thu nhập thấp, công nhân, viên chức thì phải ưu đãi khác với các loại nhà khác. Hay đối với căn hộ cho thuê, Nhà nước quy định cho thuê 50 năm, DN thu tiền người đi thuê theo quý hoặc theo năm. Trong khi DN phải đóng tiền thuế sử dụng đất của 50 năm đó một lần. Nếu không thể giảm thuế sử dụng đất thì chúng ta có thể giãn thời gian đóng thành nhiều lần để giảm gánh nặng về vốn cho DN” - ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu phải nhanh chóng sửa đổi luật đất đai và thành lập quỹ tín thác bất động sản nhà ở. Điều kiện để thành lập quỹ này là phải tạo mọi điều kiện không chỉ DN mà người dân cũng có thể tham gia được. Mặt khác, công ty quản lý chuyên nghiệp mới được tham gia. Như vậy không chỉ đảm bảo chất lượng các dự án thành phẩm tốt nhất mà còn huy động được nguồn vốn. Vậy là cùng một lúc chúng ta giải quyết được cả ba vấn đề.

Theo Yên Trang (PL TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0