Đây là ý kiến chung của nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS tại cuộc gặp mặt quý II/2011 của CLB BĐS Hà Nội với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm – cơ hội đầu thời kỳ BĐS biến động” diễn ra tại Hà Nội ngày 20.6.

Điều đáng nói là rất nhiều đại diện NHTM có mặt tại cuộc toạ đàm cũng thống nhất với ý kiến này và cho biết: Hạn 30.6 của NHNN quy định bắt buộc các NHTM phải giảm dư nợ cho vay phi sản xuất về mức 22% là khó khả thi.

Câu chuyện “con kiến – cành đa”

Không đúng như dự đoán của các chuyên gia phong thuỷ hồi đầu năm với những nhận định hết sức lạc quan về thị trường BĐS, ngoại trừ vài cơn sóng nhỏ ở một vài phân khúc chỉ diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn 1- 2 tháng của quý I, thị trường BĐS cả 3 miền Bắc – Trung – Nam rơi vào tình trạng ảm đạm, giao dịch trầm lắng. Nguyên nhân chính được nhận định là do NHNN siết lại hoạt động cho vay, hạn chế dòng tín dụng đổ vào lĩnh vực phi sản xuất. Các chủ đầu tư, đặc biệt là các DN xây dựng ở phía Nam, đua nhau khuyến mãi, giảm giá hoặc hỗ trợ chi phí, thủ tục vay ngân hàng cho khách mua, nhưng đều không cải thiện được tình hình.

Các DN cho biết, hàng không bán được, vốn không thể thu hồi, lấy đâu ra tiền trả nợ NH. Vì thế các chủ đầu tư bất đắc dĩ trở thành con nợ khó đòi còn các chủ nợ là NH cũng như ngồi trên lửa vì cái hạn của NHNN đang ngày càng gần. Tính đến thời điểm này còn chưa đầy 20 ngày phải hoàn thành một nhiệm vụ gần như bất khả thi trên.

Không phải cứ cho vay bất động sản là siết!
Ảnh: BÌNH AN

Trao đổi với PV Lao Động, lãnh đạo NHTMCP SeaBank cho biết, các khoản cho vay phi sản xuất của đa số các NHTM chiếm đến hơn hơn 30%, chủ yếu là vay trung, dài hạn, vì vậy sức ép thu hồi nợ của hệ thống NH đang rất lớn. Tuy nhiên, trong lúc cả chủ nợ và con nợ đều trông chờ vào tính thanh khoản của thị trường thì khách mua gần như không có, ngoại trừ một phân khúc hẹp. “Ai cũng thấy khả năng trả nợ cho NH của các DN BĐS hiện nay gần như vô vọng. Tín dụng càng siết chặt, thị trường càng đóng băng” - ông này nói.

Cũng theo lãnh đạo của SeaBank, khó khăn không chỉ với chủ đầu tư mà cả với khách hàng có nhu cầu mua nhà vì lãi suất các NH đang áp dụng hiện cao ngất ngưởng, điều kiện rất ngặt nghèo. Thị trường BĐS đi vào ngõ cụt như thể cái vòng luẩn quẩn “con kiến – cành đa”.

Đáng lo ngại, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, tình trạng thị trường đóng băng, tín dụng thắt chặt đang đẩy các DN BĐS TPHCM đứng trước câu hỏi tồn tại hay không tồn tại.

Cần phân định mục tiêu

Theo một lãnh đạo NHTM Á Châu (ACB), đúng là cho vay BĐS là phi sản xuất, nhưng có nhiều loại. Nếu là BĐS dành cho người tiêu dùng thực sự thì đó là sản xuất. Việc biến một khu đất hoang hoá, một khu bãi rác giữa lòng thành phố thành những toà nhà thì đó là khai thác tài nguyên hiệu quả. Để thực hiện những dự án như thế này, chủ đầu tư rất cần NH đi bên cạnh để hỗ trợ và người dân cũng rất cần vay vốn của NH để mua nhà, thay đổi cuộc sống.

“Chúng ta có thể không khuyến khích cho vay đầu cơ, hạn chế các khoản vay thương mại, nhưng như vậy không có nghĩa là đóng cửa lại với tất cả các dự án BĐS. Còn trên thực tế, dự án nào khả thi thì cũng rất rõ, các quy trình cho vay, thẩm định dự án cũng rất rạch ròi, các NH phải tự chịu trách nhiệm về sự thẩm định cho vay của mình. Nếu đổ đồng các dự án BĐS như hiện nay để rồi siết chặt lại không cho vay thì chắc chắn sẽ đẩy thị trường BĐS đi vào tình trạng đổ vỡ” - lãnh đạo NH này nói.

Một tin vui là trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, bộ này đang đề nghị Chính phủ, NHNN cùng nghiên cứu và tìm cách tháo gỡ khó khăn trên, xem xét các điều kiện để tiếp tục cho vay đối với một số ngành, một số đối tượng và dự án thuộc lĩnh vực BĐS.

Bản thân ông Nam cũng cho rằng, nếu coi thị trường BĐS là lĩnh vực phi sản xuất và ngừng cho vay toàn bộ hoạt động của lĩnh vực này một cách không chọn lọc và thiếu linh hoạt, sẽ gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp, thiệt hại cho các ngành sản xuất trực tiếp và bất ổn cho hệ thống tài chính NH. “Tôi lấy ví dụ việc cho vay để phát triển các khu công nghiệp, để tạo lập nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị đang rất cần được khuyến khích. Cho vay để xây dựng cơ quan, văn phòng, chợ búa, trung tâm thương mại hay cho vay cá nhân để xây dựng và sửa chữa nhà ở... cũng rất cần thiết để phục vụ đời sống và an sinh xã hội” - ông Nam nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, trước mắt, nên duy trì việc cho vay, với lãi suất ổn dịnh đối với một số DN, dự án, công trình theo các tiêu chí định sẵn. Ví dụ, các dự án đạt tỉ lệ hoàn thành từ 75 đến 80%. Các dự án có quy mô nhỏ và vừa với mức giá thấp và dễ dàng tiêu thụ. Hay các DN có uy tín, có tỉ lệ nợ xấu thấp và sản phẩm có tính thanh khoản cao trên thị trường...

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, tuyệt đối không cho vay đối với những dự án BĐS cao cấp, xa xỉ và không cần thiết tại thời điểm này, tránh việc DN vay tiền để đền bù, GPMB, vừa nhằm chiếm đất để dành, vừa đầu cơ chờ tăng giá...

Như vậy, có thể thấy kế hoạch đặt ra là từ nay tới 30.9, tổng dư nợ cho vay phi sản xuất của toàn hệ thống NH phải đạt mức 22% và giảm về 16% đến ngày 31.12 là khó khả thi và cuộc chạy đua nước rút của các NHTM xem ra sẽ có rất ít "tuyển thủ" về được đích 30.6!

Theo Song Minh (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0