Tròn 1 năm sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 về quản lý cây xanh đô thị - Trồng cây xanh ngay khi làm đường, xây đô thị. Khi triển khai xây dựng các KĐTM, chủ đầu tư phải đảm bảo quỹ đất cây xanh, cây xanh được trồng phải đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây trồng theo quy hoạch chi tiết KĐTM đã được phê duyệt… Quy định đã nêu rõ là vậy, nhưng thực tế thì hầu hết KĐTM đều chỉ dành cho không gian xanh rất ít diện tích, nếu không muốn nói là… không có.

Không gian xanh trong KĐTM: Đừng có mơ!

KĐT Nam Trung Yên

Niềm vui như được nhân đôi khi những cư dân đầu tiên KĐT Nam Trung Yên về đây sinh sống, nhưng ngay sau đó họ phải đối mặt với hàng loạt thiếu thốn về dịch vụ công cộng, trong đó có không gian xanh. Thay vì những mảng xanh mướt mắt như… vẽ trong dự án quy hoạch thì chỉ là lố nhố cột điện và các khối bê tông khô cứng. Nguyên do thì chẳng cần nói ai cũng biết. Khi mỗi mét vuông đất đã trị giá hàng cây vàng, nhiều cây vàng thì có họa là… điên mới tuân thủ quy định về không gian xanh. Câu “lợi nhuận trên hết” luôn đúng trong các trường hợp này. Các chủ đầu tư dự án chỉ ưu tiên xây dựng nhà ở và thương mại dịch vụ… những thứ ra tiền ngay lập tức. Họ cứ thế và tự cắt giảm diện tích để làm công viên, vườn hoa, tiểu cảnh… phục vụ nhu cầu giải trí của người dân sinh sống trong KĐT. KĐT cao cấp còn đỡ, chứ khu bình dân thì chắc chắn là… không có càng tốt (?).

Không gian xanh trong KĐTM: Đừng có mơ!
KĐT Trung Hòa -Nhân Chính. Ảnh: Thái Anh

Bởi vậy đến KĐT Nam Trung Yên (Hà Nội), khu tái định cư lớn nhất của Hà Nội và bất kỳ ai cũng thấy “choáng” với không gian lộn xộn, la liệt ô tô xe máy đỗ tràn lan từ vỉa hè xuống lòng đường và không có (hay rất ít có) màu xanh của cỏ cây. Ông Trần Văn Đam, phòng 203 nhà B11 than thở: “Công viên thì chẳng có, mọi địa điểm rộng rãi người ta đều tận dụng buôn bán và trông giữ xe. Không công viên, chẳng chỗ vui chơi giải trí, người già chúng tôi chỉ còn biết loanh quanh trong phòng trông nom mấy đứa cháu”. Theo quy hoạch thì diện tích cây xanh, hạ tầng kỹ thuật lên tới 10 nghìn m2/54,6ha nhưng thực tế thì ngược lại!. Trong khi đó hệ thống cây xanh ít ỏi, chủng loại lung tung không được quy hoạch. Thôi thì đủ loại cây nhà lá vườn như sấu, dâu da mọc đan xen cây ngoại nhập cau vua, cỏ Nhật. Hơn nữa, người dân sống tại các KĐT hiện đại lại chủ động nông thôn hóa đô thị nên những ruộng rau xanh trong các bồn hoa ở một vài KĐTM như: Trung Hòa - Nhân Chính, Đồng Tàu… cũng chẳng còn quá xa lạ. Tại KĐTM Định Công (Hà Nội), cây xanh, thảm cỏ cũng không được quan tâm. Ngay dưới chân toà nhà NƠ14 A, NƠ 14B Định Công, là cảnh hoang tàn. Những khuôn viên đất dùng để trồng cây, trồng hoa và thảm cỏ bị bỏ hoang từ lâu. Người dân sống tại đây cho biết nhiều năm qua không thấy ai đến chăm sóc hệ thống cây xanh tại đây. “Nhiều lúc tôi không biết hỏi ai về trách nhiệm phát triển mạng lưới cây xanh tại đây” - một người dân tại KĐT Định Công kiến nghị.

Hiện nay, chỉ tiêu cây xanh đô thị của Hà Nội là 2m2/người, thậm chí, tại các quận Hoàn Kiếm chỉ là 1,53m2/người, Ba Đình 0,47m2/người, Hai Bà Trưng 2,59m2/người. Hà Đông chỉ có vườn hoa Nguyễn Trãi, Thanh Bình, vườn hoa thiếu nhi với bình quân 1m2/người; Sơn Tây chỉ đạt 0,7m2/người. Trong khi đó chỉ tiêu này ở Huế là 10m2/người. Theo quy định tại Quyết định 01/2006/QĐ-BXD ngày 5/1/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tiêu chuẩn đất cây xanh công viên của đô thị đặc biệt là 7 - 9 m2/người, đô thị loại I - II : 6 - 7,5 m²/người, loại III - IV: 5 - 7m²/người, loại V: 4-6 m²/người. Nếu chiếu theo quy định này thì chỉ tiêu đất cây xanh/ đầu người ở Hà Nội thì chưa bằng đô thị loại V!.

Thực tế khác xa trong bản đồ quy hoạch mà chủ đầu tư hứa với người dân quyền lợi hưởng thụ của người dân đã bị xâm phạm. Nhưng họ biết kêu ai? Mối dây liên hệ chủ đầu tư, BQLDA, địa phương không có ràng buộc, đùn đẩy quả bóng trách nhiệm. Sự không đồng bộ, yếu kém của các công trình dịch vụ công cộng như công viên cây xanh, trường học, bệnh viện… đang bộc lộ rõ. Theo Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị, có hiệu lực thi hành từ ngày 30/7/2010, các chủ đầu tư khi triển khai xây dựng KĐTM phải đảm bảo quỹ đất trồng cây xanh; cây xanh trồng đúng chủng loại, tiêu chuẩn theo quy hoạch đã phê duyệt và phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây xanh đến khi bàn giao cho cơ quan quản lý theo quy định của UBND cấp tỉnh, TP.

Cây xanh đô thị đang bị xem nhẹ thậm chí là rất nhẹ trong các KĐTM. Dù không ai phủ nhận vai trò rất quan trọng của nó đối với đời sống con người và môi trường đô thị nhưng để làm điều đó thì người ta lại cứ vô tình…quên. Làm thế nào để thêm những mảng xanh cho các KĐTM? Nghị định sẽ phát huy thế nào để giải bài toán duyệt thì có làm thì không với dự án KĐTM. Hà Nội vẫn tự hào là TP xanh song hãy coi chừng, với nhịp độ như thế này những mảng xanh hiếm hoi đang dần biến mất. Sẽ đến một lúc nào đó TP xanh sẽ chỉ còn là một thời kỷ niệm. Và bây giờ, như bọn trẻ thường nói: Cây xanh trong KĐTM? Đừng có mơ!

Ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Trong điều kiện sống người dân đô thị hiện nay, không gian sống rất quan trọng. Như TP Thẩm Quyến (Trung Quốc) được gọi là TP công viên bởi các tiểu khu được bao quanh hệ thống cây xanh, khu vui chơi, giải trí đồng bộ. Thể hiện rõ mức sống của người dân được nâng cao. Trở lại vấn đề quy hoạch Thủ đô vừa qua, định hướng quy hoạch mạng lưới không gian xanh là một yếu tố rất quan trọng, phấn đấu đạt chỉ tiêu đất cây xanh tập trung trong đô thị đạt 10 -15m2/người, tỷ lệ không gian xanh đạt 70%. Tình trạng không gian xanh đang dần biến mất hiện nay, chủ yếu là do buông lỏng quản lý, lợi nhuận của chủ đầu tư làm thay đổi quy hoạch không gian xanh. Bộ Xây dựng cần kiểm tra tất cả những KĐT vi phạm làm biến dạng không gian xanh.


THeo Hiệp Bắc (Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0