Phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT) là định hướng quan trọng nhằm tạo dựng nền tảng vững chắc cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, việc phát triển KCN, KCX, KKT ồ ạt ở hầu hết các tỉnh, thành mang tính cục bộ, thiếu tầm nhìn đã lộ dần những hệ quả khi kinh tế suy thoái.

Tính đến tháng 9-2012, có 283 KCN, KCX được thành lập trên 58 tỉnh, thành cả nước, với tổng diện tích đất tự nhiên 80.100ha.

Trong đó, diện tích đất công nghiệp cho thuê đạt gần 45.100ha, chiếm khoảng 65%. Cả nước hiện có 15 KKT ven biển được thành lập với tổng diện tích 697.800ha, trong đó 10% diện tích đất phục vụ trực tiếp cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại.

Theo thống kê, các KCN, KCX đã thu hút được hơn 4.300 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 64,8 tỷ USD, tổng vốn thực hiện đạt 32,7 tỷ USD. Hàng năm vốn FDI vào KCN, KCX chiếm 40-45% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước, trong đó các dự án FDI về sản xuất công nghiệp trong KCN, KCX chiếm gần 80% tổng vốn FDI vào ngành công nghiệp cả nước.

Trong khi đó, 15 KKT ven biển thu hút được 144 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 38,4 tỷ USD. Một số dự án lớn và quan trọng tại KKT Nghi Sơn, Vũng Áng, Dung Quất, Chu Lai như Nhà máy Lọc dầu số 2, Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương, Nhà máy Cơ khí nặng Dossan, Nhà máy Sản xuất động cơ ô tô Hyundai Trường Hải…

Nhiều địa phương thành lập KCN, KCX, KKT với kỳ vọng tạo ra môi trường đầu tư, thu hút công nghệ, vốn, giải quyết công ăn việc làm cho địa phương mình.

Thế nhưng, do phát triển thiếu định hướng, đầu tư ồ ạt, năng lực nhà đầu tư yếu kém, hạ tầng chưa đồng bộ, hoạt động thu hút đầu tư còn hạn chế khiến tỷ lệ lấp đầy của nhiều KCN còn thấp, thậm chí bỏ hoang, gây lãng phí lớn.

Hiện tỷ lệ lấp đầy của các KCN chỉ đạt khoảng 45% và các KKT ven biển 15-20%... Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, vùng ĐBSCL có 20 KCN với tổng diện tích 3.645ha, nhưng mới cho thuê được hơn 810ha, đạt tỷ lệ hơn 22%.

Ngoài ra, các tỉnh, thành ĐBSCL còn có 177 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích 15.457ha, nhưng mới có 15 cụm được các doanh nghiệp thuê hơn 700ha đất, đạt tỷ lệ 4,5%. Việc quy hoạch thiếu tầm nhìn đã biến những vùng đất nông nghiệp màu mỡ ở vùng ĐBSCL thành những KCN cỏ dại, trong khi dân thiếu đất canh tác.

Một thí dụ minh chứng rõ nhất về hệ quả ồ ạt đầu tư KCN là tỉnh Long An, hiện có khoảng 30 KCN và 40 CCN, với diện tích quy hoạch 15.137ha. Nhiều năm liền tiến độ đầu tư hạ tầng và tỷ lệ lấp đầy ở các KCN-CCN tỉnh này rất thấp. 17 KCN-CCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy mới đạt 42,32%.

Mới đây, UBND tỉnh Long An trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt Đề án rà soát các KCN trên địa bàn, bởi một số KCN khó có thể triển khai được từ nay đến năm 2020. Nguyên nhân do tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang trong tình trạng khó khăn, khó thu hút đầu tư, một số doanh nghiệp tạm dừng triển khai dự án; giá bồi thường giải phóng mặt bằng theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP quá cao; phần diện tích còn lại có ảnh hưởng đến đất lúa nước, hoặc nằm trong khu vực dân cư đông.

Cụ thể, có 5 KCN kiến nghị giảm diện tích 1.299ha gồm: KCN Đức Hòa III giảm 442ha, KCN Nam Thuận giảm 29ha, KCN Mỹ Yên-Tân Bửu-Long Hiệp giảm 261ha, KCN Phú Long giảm 292ha, KCN Long Hậu 3 giảm 274ha.

Điều đáng nói, phần lớn những KCN bỏ hoang hiện nay đều rơi vào những tỉnh kinh tế khó khăn, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển thiếu đồng bộ. Cuộc chạy đua thành lập KCN, KKT giữa các tỉnh đã phần nào xem nhẹ chất lượng xây dựng quy hoạch, liên kết vùng và ngành, không lượng được sức cũng như khả năng thu hút đầu tư thực tế của địa phương.

Tư duy của người làm công tác quy hoạch còn mang tính cục bộ, chú trọng tới lợi ích của địa phương mà “quên” tính toán tới lợi ích của vùng, quốc gia. Một hạn chế nữa là lâu nay các chương trình xúc tiến đầu tư còn mang tính thu hút đầu tư bằng mọi giá, chưa thu hút được dự án có ngành nghề, hàm lượng công nghệ phù hợp với lợi thế phát triển của tỉnh nhà.

Các dự án sản xuất công nghiệp vào KCN chủ yếu là dự án công nghiệp nhẹ (dệt, sợi, may mặc...), công nghiệp thực phẩm, lắp ráp, gia công có mức độ thâm dụng lao động cao, công nghệ lạc hậu và không tuân thủ các quy định về môi trường.

Theo ĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.