Với một đô thị mỗi ngày mỗi tiến gần đến ngưỡng "siêu đô thị" như TP Hồ Chí Minh, việc sử dụng không gian bên dưới mặt đất để phục vụ cho những nhu cầu phát triển ngày càng trở nên bức thiết. Nhờ vậy, giá trị của không gian ngầm đang được nhìn nhận đúng hơn.

Hiện thực hóa quy hoạch không gian ngầm

Công viên Lê Văn Tám, một trong nhiều địa điểm được Tp Hồ Chí Minh lựa chọn để xây dựng bãi đậu xe ngầm. ( Ảnh: C.T )


Loay hoay xây bãi đậu xe ngầm


Theo các cơ quan chức năng, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 520 ha để làm bãi đậu xe. Trong khi đó, ước tính diện tích bãi đậu xe của thành phố mới chỉ đạt 1% nhu cầu được tính toán trên. Không phải đến giờ mà gần chục năm trước, thành phố đã nhận thấy được viễn cảnh này cũng như nguy cơ kẹt xe trầm trọng nếu không giải quyết được chỗ đậu xe. Do vậy, năm 2004, thành phố đã có chủ trương kêu gọi và xã hội hóa việc đầu tư xây dựng bãi đậu xe, nhất là bãi đậu xe ngầm. Theo đó, thành phố cũng xác định tám địa điểm để xây dựng bãi đậu xe ngầm. Cùng với đó, các nhà đầu tư còn được hưởng nhiều ưu đãi như miễn tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng, được quyết định phí giữ xe, được kinh doanh thêm một số dịch vụ... Tuy nhiên, dù đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký và tiến hành những thủ tục đầu tư đến nay những vị trí mà thành phố 'mời chào' vẫn chưa có bóng dáng một bãi đậu xe ngầm nào. Nguyên nhân chủ yếu là các cơ quan chức năng lúng túng và không nhất quán trong quá trình cấp phép đầu tư.


Hưởng ứng chủ trương của thành phố, năm 2004, Công ty TNHH Ðông Dương đã đề xuất xây dựng một bãi đậu xe ngầm tại công trường Lam Sơn (quận 1). Do lúc đó nước ta chưa có các tiêu chuẩn về xây dựng các bãi đậu xe ngầm nên Công ty Ðông Dương buộc phải tự tìm kiếm tiêu chuẩn của nước ngoài để vận dụng. Bên cạnh đó, để tăng phần thuyết phục thì Ðông Dương còn phải chấp nhận trả giá cao để thuê các tư vấn thiết kế hàng đầu thế giới lập thiết kế cho dự án... Với sự 'chịu chơi' nói trên và kiên trì đeo đuổi gần bốn năm, chưa kể những chi phí vô hình khác, Ðông Dương đã tốn kém hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, tháng 7-2008, dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án này vẫn bị thành phố đề nghị ngừng triển khai. Lý do chủ yếu mà thành phố đưa ra là công trình sẽ ảnh hưởng xấu đến Nhà hát thành phố và tuyến tàu điện ngầm đi ngang qua khu vực. Tương tự dự án bất thành của Ðông Dương, không biết bao nhiều lần dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1) dời ngày khởi công xây dựng. Ðây được xem là dự án bãi đậu xe ngầm lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD, sức chứa hơn 2.000 xe máy, 1.250 xe ô-tô, xe buýt và xe tải... Tuy nhiên, sau bảy năm kể từ khi có chủ trương cho phép đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám, dự án này chỉ mới được động thổ 'lấy ngày' vào tháng 8-2010. Nguyên nhân chậm trễ cơ bản cũng xuất phát từ chuyện chưa có những cơ sở pháp lý rõ ràng về khai thác phần ngầm.


Không những các dự án bãi đậu xe ngầm chịu cảnh 'cù cưa' mà chuyện thiếu quy hoạch không gian ngầm còn gây ra nhiều hệ lụy và thiệt hại cho các dự án xây dựng hạ tầng khác. Vài năm gần đây, hiện tượng sụt lún cao ốc, 'hố tử thần' xảy ra thường xuyên. Ðến giờ, ngành cấp nước của thành phố vẫn đau đầu với tỷ lệ thất thoát nước cao, chủ yếu do chưa 'tỏ tường' hết mạng lưới ống nước chôn sâu dưới lòng đất, ống nước thường xuyên bị bể do không xác định được vị trí khi thi công các công trình ngầm khác...


'Ðịnh vị' công trình ngầm


Từ nhiều năm trước thành phố đã có chủ trương và đã từng bước thực hiện ngầm hóa nhiều hạng mục thuộc lĩnh vực hạ tầng như đường dây điện, dây điện thoại, cáp viễn thông... Ðây là xu hướng tất yếu để tạo thêm nhiều không gian cho phát triển và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, xu thế tận dụng lòng đất để giảm tải cho mặt đất và tạo dựng 'đô thị ngầm' vẫn chưa đi vào quy củ vì nhiều lý do. Trước thực trạng đó, tháng 7-2009, lãnh đạo UBND thành phố đã yêu cầu các sở liên quan nghiên cứu thành lập một đơn vị chuyên quản lý các công trình ngầm đồng thời giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng đề án lập quy hoạch công trình ngầm đô thị. Tiếp đó, tháng 2-2008, UBND thành phố đã thành lập Ban xây dựng Ðề án quy hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật thành phố đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Ban này có nhiệm vụ xây dựng và triển khai các đề án, chương trình, dự án phục vụ công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật thành phố; đề ra những tiêu chí, yêu cầu và hướng dẫn thực hiện Ðề án quy hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020...


Tuy vậy, theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, quy hoạch không gian ngầm là công việc rất phức tạp, đòi hỏi việc điều tra thực trạng công phu và tầm nhìn xa, cho nên không thể một vài năm là xong. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã trình UBND thành phố bản dự thảo kế hoạch triển khai lập và thực hiện quy hoạch không gian ngầm. Theo đó, bước đầu tiên là bắt đầu ngầm hóa hệ thống dây điện hạ thế ở một số tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố theo cách thức bảo đảm không phải đào đường hoặc ảnh hưởng đến giao thông khi cần sửa chữa... Việc ngầm hóa hệ thống dây điện và cáp thông tin ở những tuyến đường chính dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng năm năm. Do kinh phí ngầm hóa khá cao nên với những hệ thống hạ tầng không thuộc sở hữu Nhà nước, ngân sách sẽ hỗ trợ (cho vay ưu đãi) để doanh nghiệp thực hiện ngầm hóa. Bên cạnh đó, do thành phố hình thành trên nền đất tương đối yếu nên cần gấp rút xây dựng bản đồ nền địa chất để có cơ sở khuyến cáo việc xây dựng các cao ốc hoặc công trình ngầm, bảo đảm chất lượng, hạn chế đến mức thấp nhất những sự cố sụt lún.

Theo Hoàng Liêm (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0