Lâu nay, vấn đề nhà “siêu mỏng, siêu méo” đang nhức nhối và chưa được Hà Nội giải quyết dứt điểm. Thời hạn phải hoàn thành việc “xử” loại nhà này trước 15.6 mà thành phố yêu cầu đang cận kề. Vì sao lại tồn tại nhiều nhà siêu mỏng, méo, cần làm gì để tránh tái diễn nhà này sau mỗi lần mở đường?....

PV Laodong đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, hiện nay Hà Nội vẫn còn tồn tại hơn 300 nhà siêu mỏng, siêu méo mà thời gian thành phố yêu cầu phải hoàn thành việc xử lý đã sắp đến. Liệu rằng chúng ta có thể hoàn thành đúng tiến độ?

Nhà siêu mỏng siêu méo đúng là một vấn đề nhức nhối của đô thị. Chính quyền quyết tâm gạt bỏ vấn đề này. Nhưng thời hạn có kịp hay không, với số lượng nhiều như thế, có thể sẽ không thực hiện được đúng thời hạn.Nhưng dù sao cũng phải kiên quyết mà làm. Chậm do không thể nhanh hơn phải chịu, chậm do không muốn làm là chuyện khác.

Nhân dân ngoài việc muốn xử lý nhà siêu mỏng cho khỏi chướng tai gai mắt còn muốn tìm hiểu nguyên nhân nào gây ra cái đó và làm thế nào để ngăn chặn tình trạng đó không để xảy ra trong tương lai, đấy mới là điều quan trọng.

Vậy thì theo ông nguyên nhân xuất hiện của loại nhà siêu mỏng, siêu méo này là gì?

Thực ra là ở nước ta, đô thị thường phát triển trên đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp có các thửa đất có thế của nó, sắp xếp theo một thế nhất định, có trật tự. Khi đô thị hóa, ta mở đường đi qua đất đó, nó lại không theo thế đất đó mà theo nhu cầu vận tải đi lại trong đô thị, do đó đường ấy có thể lệch, méo với thửa đất. Do đó, ngay từ ngày xưa đã có nhà méo, nó không siêu mỏng, hay siêu méo thôi. Nếu chịu khó quan sát ở Hà Nội như Cửa Nam bên ngoài tưởng nó vuông góc nhưng thực chất là nó méo.

Hiện nay mình làm đường chỉ đền bù đường vừa đúng chỉ giới đường, còn vài chục mét cũng không đền bù, họ mất đất, lại mỏng, lại méo nên bán cũng không được. Tốt nhất là bán cho người đằng sau. Ở đây lại xảy ra chuyện anh đằng sau là anh nhà nghèo, không có tiền mua. Cũng có những trường hợp thương lượng được cả người đằng trước, đằng sau để mua. Còn đa số không thương lượng được thì cố xây lên thành nhà siêu mỏng siêu méo với hy vọng củi mục biến thành trầm hương, giá cả rất cao, là một cách để trấn anh đằng sau. Còn tôi thấy nhà siêu mỏng siêu méo mấy ai dùng đâu. Nếu như lúc đền bù, đền bù cho hết thửa, xong rồi Nhà nước làm trung gian kêu gọi người đằng sau muốn mua không, bán giá cao nhưng cho chịu, khi nào bán được thửa đằng sau rồi trả. Đây là cách làm cục bộ, thiển cận, thiếu năng lực tổ chức chính là nguyên nhân tạo ra nhà siêu mỏng siêu méo.

Giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo: Cần có một bộ chỉ huy thống nhất
Nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường Lê Văn Lương kéo dài vẫn được hoàn thiện. Ảnh: Lê Thảo.

Muốn giải quyết vấn đề nhà này, chúng ta cần làm gì lúc này, thưa ông?

Khi chúng ta muốn mở đường, phải sắp xếp lại các thửa đất 2 bên đường cho vuông góc với đường. Việc thay đổi vị trí thửa đất để tạo những thửa đất vuông góc với đường thì từng cá nhân không thể thực hiện được mà phải do một dự án phát triển bất động sản ở 2 bên con đường mới thực hiện được. Dự án phát triển bất động sản ấy trong luật xây dựng, luật quy hoạch đô thị quy định khi mở một con đường tối thiểu phải tái phát triển nhà cửa, các lô đất 2 bên đường trong bề rộng khoảng 50m.

Các nhà quản lý, quy hoạch đô thị không phải ko biết, mà lâu nay không làm vì ngại khó. Tôi có hỏi một người liên quan đến việc mở đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa sao ko sắp xếp lại để phố chẳng ra phố, họ bảo giải phóng được phạm vi con đường đã vất vả, tiền đâu mà giải phóng nhà 2 bên đường. Đây chính là quan điểm ngại khó.

Thực ra chính giải phóng cả con đường và cả 2 bên đường thì dễ hơn giải phóng riêng con đường. Vì lúc chưa giải phóng thì chưa có con đường, mình cứ giải phóng không ai biết đâu là mặt tiền, mặt hậu. Giải phóng cả 2 bên đường sẽ có đất, có điều kiện tái định cư tại chỗ, không phải đưa người dân đi xa, làm họ mất gốc, mất nơi họ sinh sống nhiều đời, người dân sẽ vui vẻ hơn.

Một cái nữa là phát triển đô thị hiện nay phân cho từng ngành một như: ngành đường làm đường, ngành cấp nước làm nước, ngành điện làm điện.... tất cả những cái đó không gom vào một dự án, có thể nhiều người đầu tư, nhiều người thực hiện nhưng phải trong cùng một dự án, chịu một người điều hành. Thế nên làm đường xong chưa biết sang năm lại có dự án cải tạo nào lại đào lên đặt lại ống nước hoặc ống nước rộng hơn. Không có chính quyền tổng hợp trong đô thị mà chỉ có các ngành, thiếu sự điều hành phối hợp của bộ tham mưu, một bộ chỉ huy thống nhất, như thế không thể thắng “trận” được. Phải thay đổi cả cách tổ chức phát triển đô thị.

Theo ông, để tránh tình trạng cứ sau mỗi lần mở đường mới lại “mọc” lên những nhà siêu mỏng, siêu méo thì cần có giải pháp nào?

Chúng ta phải có một dự án tái phát triển khu vực đô thị hiện hữu một cách tổng hợp trong đó có chứa con đường, con đường chỉ là một bộ phận của dự án thì sau đó mới không có nhà “siêu mỏng, siêu méo”.

Tổng hội Xây dựng đề xuất giải phóng mặt bằng khi chưa có dự án, lập đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, sau khi giải phóng làm đường thì đấu giá hoặc đấu thầu việc sử dụng đất 2 bên đường. Lúc bấy giờ dự án mới vào từng lô đất sạch, dù đắt nhưng xây được ngay. Cho nên lập quỹ đất sạch để phát triển đô thị, thực hiện quy hoạch. Cách đó trong luật cho phép, Bộ xây dựng cũng đề xuất nên đang được xem xét.

Xin cảm ơn ông!

Theo Lê Thảo (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0