Giá bán nhà ở thu nhập thấp do doanh nghiệp quyết định hiện nay còn cao hơn khả năng tài chính của người thu nhập thấp. Nhưng nếu giảm giá bán thì lợi nhuận của doanh nghiệp không được bảo đảm. Do vậy, trong thời gian tới, cần điều chỉnh quy định lợi nhuận cố định của doanh nghiệp sang lợi nhuận linh hoạt, để góp phần giảm giá bán nhà ở thu nhập thấp.

Giá nhà ở xã hội sẽ giảm nếu linh hoạt mức lợi nhuận của doanh nghiệp

Trên thị trường bất động sản Hà Nội đã có những rao bán ngầm các căn hộ ở khu vực Kiến Hưng (Hà Đông) với giá là 21 triệu đồng/m2, trong khi giá bán tạm tính của chủ đầu tư là 10,6 triệu đồng/m2. Tương tự, giá căn hộ thu nhập thấp ở Việt Hưng (Gia Lâm) là 16 triệu đồng /m2, trong khi giá bán chính thức là 10,2 triệu đồng/m2. Tại khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp ở Đặng Xá, Gia Lâm, một căn hộ 65m2 đã được phát giá lên đến 1,1 tỷ đồng, trong khi, giá mua chính thức là khoảng 700 triệu đồng. Mức giá này đang trở nên hấp dẫn với một bộ phận người dân sống ở Thủ đô, khi cơ hội sở hữu 1 căn nhà tầm trên dưới 1 tỷ đồng ngày càng ít do khi giá bất động sản ở Hà Nội vẫn cao nhất cả nước. Bởi vậy, dù biết rằng mạo hiểm và sai quy định, nhưng một số người có nhu cầu nhà ở thực sự vẫn mua bất động sản này.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người có nhu cầu nhà ở thực sự lại không thể mua được nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Nguyên nhân do quy định về bán nhà dành cho người có thu nhập thấp còn có một số bất cập. Ví dụ, với mức thu nhập bình quân 37.500.000 đồng/hộ/năm thì để dành bao nhiêu lâu người có thu nhập thấp mới đủ tiền mua một căn hộ? Thực tế, với diện tích từ 61 - 80m2/căn, giá bán 8,8 triệu đồng/m2, một căn hộ ở khu nhà ở xã hội này có giá từ 536,8 – 704 triệu đồng. Như vậy, nếu một hộ dân có thu nhập bình quân 37 triệu đồng/năm thì phải để dành toàn bộ thu nhập trong vòng 15 - 20 năm mới mua được một căn hộ cho người thu nhập thấp. Trong khi đó, thành phố cũng chưa có chương trình bán nhà trả góp nào dành cho người có thu nhập thấp.

Có thể thấy, với mức giá bán hiện nay nhà thu nhập thấp vẫn ngoài tầm với của người thu nhập thấp thực sự. Bởi diện tích nhà ở thu nhập thấp rộng nên giá bán cao. Trong khi đó, nếu một căn hộ có diện tích từ 30 – 40m2 thì người thu nhập thấp sẽ có điều kiện mua hơn, do giá bán khoảng 300 triệu đồng/căn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc xây dựng nhà ở diện tích nhỏ sẽ mất cảnh quan, ảnh hưởng kiến trúc. Không đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh, tại các nước phát triển vẫn xây những căn nhà diện tích 20m2 để người nghèo có thể vào ở. Nước ta mới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thì không có lý nào lại không cho phép xây dựng căn hộ diện tích nhỏ.

Công ty cổ phần Vinaconex Xuân Mai - một trong những chủ đầu tư nhà ở cho người có thu nhập thấp ở Hà Nội cho biết, trong số khoảng 100 căn hộ đã được giao thì có khoảng 20 căn chủ hộ vẫn chưa dọn đến ở với những lý do như đi học hoặc đi làm xa. Điều này cộng với những thông tin trước đây là đã có hàng chục chiếc xe ô tô xếp hàng nộp đơn mua nhà ở dành cho người có thu nhập thấp khiến dư luận không khỏi nghi ngờ đã có một số căn nhà không được bán đến đúng đối tượng. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Xây dựng đã yêu cầu, nếu phát hiện cố tình bán mà không sang tên đổi chủ sẽ bị thu hồi. Nhưng theo Luật sư Trần Đình Triển phân tích, giao doanh nghiệp theo dõi việc sử dụng nhà ở xã hội khó khả thi do lợi nhuận là mục tiêu kinh doanh cao nhất. Hơn nữa, khi căn hộ được bán cho người có thu nhập thấp thì không thể hạn chế quyền định đoạt tài sản của người dân. Quy định sau 10 năm mới được đưa nhà ở thu nhập thấp ra thị trường là không hợp hiến.

Một vấn đề khác đang được dư luận mổ xẻ xung quanh việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp là giá bán nhà. Giá bán hiện nay do doanh nghiệp quyết định được cho là quá cao. Trong khi doanh nghiệp đã được hưởng những ưu đãi Nhà nước quy định cho các dự án xây dựng nhà cho người thu nhập thấp. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, việc quy định lợi nhuận 10% cho doanh nghiệp xây nhà thu nhập thấp nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là không khuyến khích được doanh nghiệp giảm giá bán. Bởi càng giảm giá bán thì lợi nhuận của doanh nghiệp càng thấp. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tính đến việc điều chỉnh quy định lợi nhuận cố định sang lợi nhuận linh hoạt.

Theo Thu Thùy (Đại biểu ND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0