CC1 chưa phải là nhà đầu tư chính thức ở hai công trình đường trên cao số 4 và khai thác bán đảo Bình Quới.

Những ngày qua, có thông tin cho rằng Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1 - Bộ Xây dựng) được UBND TP.HCM giao làm nhà đầu tư vào bán đảo Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh. Như vậy, trong tương lai gần, khu đô thị mới rộng gần 430 ha với bốn chức năng chính là du lịch - nghỉ dưỡng - văn hóa - giải trí sẽ mọc lên tại đây, xóa quy hoạch “treo” đã tồn tại gần 20 năm qua.

TP phải chi trước 5.000 tỉ đồng?

Tháng 3-2008, Sở GTVT và CC1 ký bản ghi nhớ về đầu tư xây dựng đường trên cao số 4 theo hai hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao). Đến tháng 3-2011, trang web của CC1 đưa tin: CC1 đã được TP giao đầu tư xây dựng đường trên cao số 4. Tổng công ty sẽ thu hồi vốn bằng cách thu phí tuyến đường và khai thác quỹ đất tại bán đảo Bình Quới.

Tháng 5-2011, CC1 trình báo cáo cuối kỳ lên TP. Trong đó, quy hoạch sử dụng gần 430 ha đất, gồm diện tích từng khu chức năng, kiểu kiến trúc, mật độ xây dựng cho tới phối cảnh quy hoạch tổng thể khu bán đảo Bình Quới đều… giống y chang bản quy hoạch đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP đưa ra từ năm 2005-2007. Đến đây, câu hỏi đặt ra: CC1 sẽ là nhà đầu tư xây dựng bán đảo Bình Quới theo quy hoạch đã có hay chỉ dùng bản quy hoạch cũ để “gọi vốn”?

Cũng theo báo cáo trên, tổng mức đầu tư xây dựng 7,7 km tuyến đường trên cao số 4 là 11.450 tỉ đồng. Trong đó có khoảng 5.000 tỉ đồng từ ngân sách sẽ được chi cho bồi thường, giải phóng mặt bằng. “Chỉ sau khi TP bàn giao mặt bằng sạch, CC1 mới có thể bỏ hơn 6.900 tỉ đồng để làm đường” - ông Lê Bảo Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và đầu tư của CC1, khẳng định. Cũng theo ông Bảo Anh, qua khảo sát của CC1 thì khu vực bị giải tỏa nhiều nhất nằm xung quanh tuyến đường Phan Chu Trinh, Chu Văn An (quận Bình Thạnh).

Đường trên cao số 4: Chưa thấy lối ra

Bán đảo Bình Quới vẫn chưa thể xóa quy hoạch “treo”. Ảnh: HTD

Một chuyên viên Sở GTVT phân tích: Theo quy định hiện hành, khi xác định được tổng mức đầu tư thì phần kinh phí bồi thường giải tỏa chiếm 20%-25% là phù hợp, ngân sách TP có thể chi được. Tuy nhiên, ở tuyến đường trên cao số 4, theo cách tính của CC1, phần ngân sách phải chi trước lại chiếm tới hơn 45%. Đây là điều không thể chấp nhận.

“Vì ngân sách thiếu nên TP phải kêu gọi nhà đầu tư bỏ tiền ra trước để làm cầu, đường. Còn yêu cầu Nhà nước bỏ tiền trước, giải tỏa xong, giao mặt bằng sạch sau đó, chủ đầu tư mới làm cầu, đường là điều chưa từng có ở các công trình BOT hoặc BT. Như thế chẳng khác nào “làm khó” TP” - chuyên viên này nói.

Khả năng thu hồi vốn thấp

Ở phần thu hồi vốn theo hình thức BOT, CC1 đề xuất thu phí đường trên cao số 4 trong khoảng thời gian 15-20 năm. Dự kiến số tiền thu tương ứng 11% chi phí đầu tư xây dựng và toàn bộ chi phí duy tu bảo dưỡng trong thời gian thu phí. Mức thu phí được áp dụng như nhau trên toàn tuyến và nằm trong khoảng dưới 200% mức thu theo quy định hiện hành.

Theo các chuyên viên Sở GTVT, đường trên cao số 4 là tuyến trên cao đầu tiên tại TP. Nếu tổ chức thu phí ngay với mức cao như CC1 đề xuất, người dân sẽ rất khó chấp nhận. “Chỉ khi nào bị kẹt xe ở đường phía dưới, người đi đường mới chịu bỏ nhiều tiền để đi lên đường trên cao để mau thoát kẹt. Nhưng điểm đầu và cuối của tuyến trên cao này chưa kết nối với các tuyến trên cao khác và lại nằm ngay chính các “điểm nóng” về kẹt xe hiện nay và nhiều năm nữa. Vì vậy, bỏ tiền đi được 7,7 km để rơi tiếp vào điểm kẹt khác là điều khiến nhiều người phải suy nghĩ. Từ đó, hệ số sử dụng của đường trên cao không cao dẫn đến khả năng thu hồi vốn đầu tư sẽ rất thấp!” - một chuyên viên phân tích.

Không thể “ôm” trọn 430 ha đất

Cũng theo CC1, phần còn lại của tổng mức đầu tư xây dựng tuyến đường trên cao số 4 (khoảng 90% của 6.900 tỉ đồng) sẽ được thu hồi từ việc khai thác quỹ đất tại bán đảo Bình Quới. Theo một chuyên viên Sở Tài nguyên và Môi trường, với mức tiền trên CC1 không thể “ôm” trọn gần 430 ha đất của bán đảo Bình Quới. “Nếu TP chọn phương án đổi đất (BT) theo đề xuất của CC1, họ chỉ có thể được giao khai thác khoảng 5 ha đất tương ứng với số tiền bỏ ra làm đường!” - vị này khẳng định.

Tuy nhiên, không hiểu sao nhiều ngày qua trên trang web của CC1 vẫn thông tin: “Đây là dự án (khai thác bán đảo Bình Quới) rất tiềm năng và có quy mô lớn. Do đó, CC1 sẵn sàng chia sẻ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đối tác, các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước (bao gồm các công ty tài chính, bất động sản và ngân hàng) tiếp cận và thiết lập các mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với CC1 để cùng nhau thực hiện dự án” (trích nguyên văn).

Theo các cơ quan chức năng, cho đến nay chưa có đối tác, nhà đầu tư nào có cam kết, bản ghi nhớ sẽ cùng CC1 đầu tư vào tuyến đường trên cao số 4 và khai thác bán đảo Bình Quới. “Hai dự án trên chỉ mới ở dạng báo cáo nghiên cứu của CC1. Cho đến nay, thông tin đã có nhà đầu tư “xóa treo” bán đảo Bình Quới là không chính xác và việc làm tuyến đường trên cao cũng còn… xa lắm!” - lãnh đạo Sở GTVT khẳng định.

Bốn tuyến đường trên cao tại TP.HCM

Tuyến 1: Từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Tuyến 2: Từ điểm giao với tuyến 1 tại cầu số 5 kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - hẻm 657 đường Cách Mạng Tháng Tám - Bắc Hải - hẻm 2 đường Thiên Phước - hẻm 654 đường Âu Cơ - Lạc Long Quân - Công viên Đầm Sen - rạch Bàu Trâu - Chiến Lược - Mã Lò - hương lộ 2 - quốc lộ 1A.

Tuyến 3: Từ điểm giao với tuyến số 2 tại đường Tô Hiến Thành theo đường Lê Hồng Phong nối dài - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Cừ nối dài - Lê Văn Lương - Nguyễn Văn Linh.

Tuyến 4 (theo điều chỉnh do TP đề xuất): Từ nút giao thông đường Vườn Lài - Vườn Lài - vượt sông Vàm Thuật, rạch Lăng - cắt đường sắt Bắc-Nam tại cầu Đen - Phan Chu Trinh - vượt rạch Cầu Bông - Điện Biên Phủ - nối tuyến 1.

Đường trên cao số 4: Chưa thấy lối ra

Sơ đồ hướng tuyến đường trên cao số 4. (Nguồn Sở GTVT TP.HCM)

Tuyến số 4 có tổng chiều dài 7,7 km, chiều rộng 17,5 m cho bốn làn xe đi hai chiều. Kết cấu dạng cầu trên cạn bằng bê tông cốt thép. Vận tốc thiết kế: 60-80 km/giờ. Có 4-6 nút giao lên xuống kết nối với đường phía dưới.

CC1 chỉ là đơn vị nghiên cứu đầu tư

Vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc cho TP áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đối với xây dựng tuyến đường trên cao số 4. Tuy nhiên, đến nay CC1 chỉ là đơn vị được giao nghiên cứu đầu tư dự án BOT kết hợp BT ở hai công trình đường trên cao số 4 và khai thác bán đảo Bình Quới chứ chưa phải là nhà đầu tư chính thức.

Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HC

Theo Lưu Đức - Hoàng tuyên (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0