“Hà Nội và TP.HCM là 2 đô thị trọng tâm mà Nghị định sẽ hướng tới. Đặc biệt Hà Nội có nhiều kinh nghiệm trong phát triển đô thị, những ý kiến đóng góp sẽ mang tính thiết thực...” - đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định về quản lý dự án đầu tư phát triển đô thị (thay thế NĐ 02/2006/NĐ-CP về Quy chế KĐTM) vừa được Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội tổ chức, với sự tham gia của nhiều sở, ngành của TP.

“Tấm áo mới” của Quy chế quản lý đô thị mới

Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Trịnh Đình Dũng hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển đô thị trong đó có NĐ 02 đã tác động rất mạnh đến phát triển đô thị trong những năm qua, cả về quy mô lẫn chất lượng, đặc biệt là phát triển nhà ở ngày càng tăng. Phát triển đô thị được coi là động lực, hạt nhân để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương. Tuy nhiên nhìn nhận nghiêm túc, công tác phát triển đô thị đang đứng trước thách thức lớn, nhất là vấn đề về quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội... Nhiều địa phương rất lúng túng trong công tác phát triển đô thị, thấy lợi trước mắt thì làm, chưa có tầm nhìn; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa được quan tâm, hạ tầng các KĐTM cũng chưa được kết nối; cơ cấu nhà ở xã hội và nhà thương mại phát triển không bình thường (chỉ có 1% đô thị)... Tại Hà Nội, quy hoạch chưa lấp nhưng dự án thì đã đầy. Không có quy hoạch chi tiết nên phát triển đô thị lộn xộn... Từ những bất cập đó cần phải có NĐ mới về quản lý đô thị thay thế NĐ 02 để kịp thời điều chỉnh và giải quyết những vướng mắc trên.

Phó chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình cũng cho rằng công tác phát triển đô thị Hà Nội đang gặp rất nhiều bất cập, đô thị đang phát triển kiểu “vừa chạy nhanh vừa xếp hàng”. Các dự án đã phủ kín màu vàng trên bản đồ quy hoạch chung, trong khi khó khăn nhất là quản lý hậu đầu tư - đây cũng là vấn đề gây khiếu kiện kéo dài, gây lộn xộn trong xã hội. Nghị định mới cần đặt ra nhiều vấn đề để Hà Nội có thể chấn chỉnh lại công tác quản lý, phát triển đô thị.

Nhiều vấn đề trong NĐ như việc xác định khu vực phát triển đô thị; Quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư phát triển đô thị; Điều lệ quản lý khu vực phát triển đô thị; Lập dự án, phân loại các dự án đầu tư phát triển đô thị, nghĩa vụ của các chủ dự án... cũng đã được các sở, ngành trình bày, góp ý xây dựng NĐ mới. Đặc biệt theo Viện trưởng Viện Quy hoạch Hà Nội Lã Kim Ngân, với đặc thù của đô thị Hà Nội, cùng với các khu vực phát triển đô thị, còn nhiều khu phố cũ hiện có cần phải cải tạo, chỉnh trang và bảo tồn. Chức năng bảo tồn rất quan trọng tại các đô thị, vấn đề này cũng chưa được đề cập trong Dự thảo. NĐ mới cần bao trùm cả các dự án cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn khu vực hiện có... Hay như Điều 6 của NĐ về kinh phí cho phát triển đô thị, theo Sở Xây dựng cần tránh để hiểu là kinh phí cho công tác phát triển đô thị chủ yếu được lấy từ nguồn ngân sách, vì như vậy là chưa hoàn toàn phù hợp và tính khả thi thấp trong thực tiễn, không thể hiện được chủ trương huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào công tác xây dựng và phát triển đô thị. Quy định cần phân định rõ những phần việc gì nhất thiết phải sử dụng vốn ngân sách, phần việc gì dùng xã hội hóa...

Trong thời gian tới Bộ Xây dựng tiếp tục lấy ý kiến đóng góp từ các địa phương, các TCty lớn chuyên ngành để nhanh chóng xây dựng Dự thảo trình Chính phủ.

Theo Nguyên Hương (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0