Tiến hành GPMB đợt I, tại khu ao Thước Thợ có 132 hộ gia đình đang sinh sống ổn định trên diện tích khoảng 10.000 m2.
Nằm giữa lòng Thủ đô, Dự án Công viên Văn hoá - Thể thao - Vui chơi Đống Đa đã "treo" hàng chục năm qua và hiện chưa biết đến bao giờ mới tiếp tục được thực hiện, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên, bức xúc trong dư luận…

Hàng chục năm "đắp chiếu"...

Ngày 26-10-2001, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 6358/QĐ-UB thu hồi 70.925m2 đất tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa và phường Thành Công, quận Ba Đình, giao cho BQL Dự án quận Đống Đa xây dựng Công viên Văn hóa - Thể thao - Vui chơi quận Đống Đa (Công viên Đống Đa) giai đoạn I.

Ngày 5-12-2001, UBND quận Đống Đa có Quyết định số 1604/QĐ-UB thành lập Hội đồng GPMB và tiến hành khảo sát, lập phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư cho người sử dụng đất bị thu hồi tại dự án trên. Phần lớn diện tích đất nằm trong chỉ giới giải tỏa đều đã có cư dân sinh sống.

Tuy người dân không chứng minh được nguồn gốc sử dụng đất hợp pháp của mình nhưng hầu hết họ đều đã ăn ở ổn định tại đây, trước năm 1993. Từ lâu, nơi đây đã hình thành tổ dân phố, cụm 13 phường Trung Liệt.

Tiến hành GPMB đợt I, tại khu ao Thước Thợ có 132 hộ gia đình đang sinh sống ổn định trên diện tích khoảng 10.000 m2. Nhưng Hội đồng GPMB quận Đống Đa xác định nguồn gốc đất, các hộ dân không có giấy tờ hợp pháp nên không bồi thường về đất mà chỉ được bồi thường về tài sản trên đất, mỗi hộ chỉ được bồi thường 23 triệu đồng và phải di dời tài sản đi ở nơi khác.

Không đồng ý với phương án bồi thường, các hộ dân làm đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng. Sau nhiều cuộc thanh, kiểm tra và giải quyết đơn thư của công dân, cuối cùng UBND TP Hà Nội có quyết định cho hơn 80 hộ/132 hộ dân trong diện giải toả đợt I, được mua nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại dự án khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên và yêu cầu các hộ dân phải nộp đủ tiền trong vòng 3 tháng. Phần lớn các hộ dân sinh sống tại đây là những người có hoàn cảnh khó khăn; là cán bộ, công nhân viên các cơ quan, xí nghiệp nghỉ hưu, thu nhập thấp nên hầu hết họ đều phải "bán lúa non" để lấy ít tiền chênh lệch.

Bà Nguyễn Thị Yên, một hộ dân đã bị giải tỏa cho biết: Suốt 10 năm trời, Hội đồng GPMB quận Đống Đa chỉ thu hồi được một phần diện tích rất nhỏ so với qui mô để thực hiện dự án. Sau 10 năm trời “đắp chiếu", khu đất đã GPMB trở thành bãi hoang, cây, cỏ dại mọc um tùm và là nơi để người dân tập kết rác, phế thải xây dựng, các đối tượng nghiện ma túy tụ tập về đây hút, chích; gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị… Cụ thể, khoảng năm 2006, một sinh viên đại học vào đây hút, chích, "sốc" thuốc và chết ở đây, mấy ngày sau mới được phát hiện.

Hiện tại, một phần diện tích đã được GPMB lại bị lấn chiếm nhưng không hề được chính quyền địa phương ngăn chặn.

Một số người dân cho biết, mấy bãi để vật liệu xây dựng, xà gồ, cốp pha trong khu vực đã được GPMB của dự án là do có sự hậu thuẫn của UBND phường Trung Liệt, nếu không thì làm sao họ có thể dễ dàng lấn chiếm hàng nghìn m2 như vậy?

Dự án Công viên Văn hoá - Thể thao - Vui chơi Đống Đa, Hà Nội
Một phần dự án đã GPMB bị lấn chiếm và thành bãi rác.

Không phải dự án "treo"...?

Nguyên nhân tại sao Dự án Công viên Đống Đa nằm "đắp chiếu" 10 năm nay? Và dự án này liệu có tiếp tục được thực hiện? Nếu thực hiện thì đến bao giờ? Hay là dự án đã được chuyển đổi mục đích?

Về vấn đề này, ông Trương Đình Đức, Trưởng ban GPMB quận Đống Đa cho biết: “Đây không phải là dự án treo mà là dự án thực hiện trong thời gian dài nhưng đến nay chưa xong(?). Hiện, UBND quận Đống Đa vẫn đang báo cáo TP để tiếp tục được triển khai(?). Khi nào hoàn tất công tác GPMB thì lúc đó dự án sẽ tiếp tục được thực hiện. Tại dự án này phải di dời khoảng 900 - 1000 hộ dân. Vì vậy, phải có quỹ nhà khoảng 1500 căn hộ thì mới thực hiện di dời, GPMB được.

Bên cạnh đó, để tiếp tục thực hiện dự án cũng đòi hỏi phải có một nguồn vốn rất lớn, cái này cũng phải báo cáo TP. Dự án này vẫn đang trong quá trình thực hiện, chưa bị thu hồi". "Thường là những diện tích đã được GPMB thì giao cho UBND phường quản lý", ông Đức cho biết thêm.

Ông Nguyễn Chí Tâm, Chủ tịch UBND phường Trung Liệt cho hay: "UBND phường không hậu thuẫn cũng như không cho bất cứ ai thuê đất đã được GPMB tại khu vực dự án. Chỗ đó không để ý là lại có người vào nhảy dù ngay. Tôi chỉ bảo vệ thôi chứ quản lý là thuộc về Ban quản lý dự án quận".

Một dự án dở dang, nằm "đắp chiếu" suốt 10 năm trời giữa lòng Thủ đô gây lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, bức xúc trong dư luận.

Theo quan sát của PV, thì trong khu vực dự án, chỗ chưa được GPMB nhiều hộ dân vẫn đang tiến hành xây dựng nhà kiên cố 2 - 3 tầng mà không hề bị chính quyền phường, quận can thiệp.


Theo Nhật Minh (Pháp Luật & Xã Hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0
Tham gia nhóm chat mua bán dự án