Nhìn lại hàng chục bộ luật đã được ban hành ở nước ta, hiếm có luật nào như Luật Đất đai khi mà Chính phủ đã phải ban hành tới 13 nghị định và các bộ, ngành cũng có hơn 200 văn bản hướng dẫn thi hành. Vậy mà pháp luật về đất đai vẫn hết sức rối rắm, bất cập. Các nhà quản lý và chuyên gia chưa thôi bàn tới việc sửa đổi, bổ sung luật này trong thời gian tới.

Tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật Đất đai mới đây, dưới con mắt quản lý Nhà nước, không ít giám đốc các Sở Tài nguyên - Môi trường đã chỉ ra hàng loạt bất cập của các quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai. Chẳng hạn như một số quy định của Luật Đất đai năm 2003 rất khó hoặc thậm chí không thể áp dụng trong thực tế. Đó là quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mỗi kỳ phải quyết định, xét duyệt trong năm cuối của mỗi kỳ đó, song đồng thời phải căn cứ theo chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, quy hoạch, kế hoạch các cấp không thể hoàn thành trong một năm và kế hoạch kinh tế - xã hội thường được thông qua vào đầu năm của mỗi kỳ kế hoạch. Dễ nhận thấy hơn là quy định xác định giá đất sát với giá chuyển nhượng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường. Vấn đề ở chỗ giá thị trường là giá nào? Khá nhiều ý kiến đều gặp nhau ở một kết luận rằng, sự thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, thậm chí cả mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng cũng như các nghị định, đã gây ra khá nhiều vướng mắc, khó khăn trong áp dụng luật vào cuộc sống. Nguyên nhân “đẻ” ra mâu thuẫn là do chưa có một đầu mối thống nhất trong việc ban hành các chính sách pháp luật. Dù chưa đến mức “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, song theo nghiên cứu của chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, quản lý đất đai hiện đang rơi vào tình trạng có quá nhiều sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực từ kiến trúc, xây dựng đến đầu tư, giao thông, tài chính…

Thế nhưng, cơ chế phối hợp của những ngành này còn yếu và rời rạc. Nói một cách hình ảnh, mỗi nhạc công chơi một bản nhạc khác nhau, khi khớp nhạc không thể tạo ra một bản hòa tấu. Tức là, đất sử dụng cho các mục đích khác nhau với các quan điểm khác nhau, cách xử lý khác nhau, tất yếu dẫn đến sử dụng đất đai không hiệu quả vì không có điểm kết nối chung để làm tăng chất lượng môi trường đô thị, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Hơn thế, mô hình quản lý đất đai hiện nay đã lỗi thời vì đi theo mô hình các cấp hành chính như tỉnh, thành phố - quận, huyện - xã, phường… dẫn đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trở nên phân tán, có độ vênh lớn, thậm chí chồng chéo giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất.

Trong khi đó, tiền sử dụng đất là khoản thu không rõ về bản chất cũng như mục đích sử dụng. Trong những hội nghị tổng kết thi hành Luật Đất đai gần đây, ngành tài nguyên - môi trường một số tỉnh, thành đã “đúc kết” được khá nhiều bất cập trong quy định về hạn điền, thời hạn sử dụng đất, cơ chế hai giá, về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, giải quyết khiếu kiện… Tất cả những bất cập trên, theo giới chuyên gia, mấu chốt là từ chế độ sở hữu đất đai có “khoảng trống”, đã và đang tạo ra mảnh đất cho tham nhũng, làm trì hoãn sự phát triển của nền kinh tế.

Không phải ngẫu nhiên, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đặt vấn đề: Luật Đất đai sửa đổi nay mai cần giải quyết vấn đề gì? Một chuyên gia ở Bộ Tài chính cho rằng, đó phải là vấn đề sở hữu đất đai và thị trường bất động sản. Tức là sửa đổi luật phải theo hướng đổi mới mô hình quản lý đất đai, thay đổi cách làm chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến đất đai. Còn nhiều bất cập thì làm sao luật có thể khả thi được.

Cafeland.vn - Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland