Liên quan đến các công trình xây dựng gây họa, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng khẳng định, chủ đầu tư chịu trách nhiệm cao nhất, song như vậy chưa đủ…
Người dân bức xúc

Trong một loạt các sự số gây lún nứt mà nguyên nhân do các công trình xây dựng gây ra thì người dân vẫn là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất từ vật chất cho đến tinh thần. Và để được giải quyết, đền bù, họ phải trải qua hành trình gian nan, luôn sống trong nơm nớp lo sợ khi không biết tai họa sẽ ập đến khi nào.

Công trình xây dựng gây họa: Trách nhiệm của ai?
Khi công trình xây dựng gây họa, người dân luôn là người phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ vật chất đến tinh thần

Ông Lê Sáu, chủ nhà số C281 (tổ 24 phường Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) nạn nhân của công trình xây dựng Trung tâm Tài chính dầu khí tại Đà Nẵng, bức xúc: “Chúng tôi đã gửi đơn thư lên Sở Xây dựng, rồi quận, phường yêu cầu can thiệp. Nhưng rồi Sở và quận giao cho phường, phường thì yêu cầu hai bên thỏa thuận. Căn nhà tiền tỷ dành dụm mãi mới xây được mà bị lún nứt như thế không xót sao được. Trong khi đó nhà thầu lại thiếu thiện chí, vô trách nhiệm buộc chúng tôi phải nhờ báo chí can thiệp. Và nếu không được thì cuối cùng sẽ phải kiện họ ra tòa chứ biết làm sao”.

Mới đây nhất là công trình xây dựng Trụ sở VietinBanks Đà Nẵng (đường Trần Quốc Toản) gây sụt lún nghiêm trọng mặt đường Yên Báy, “hố tử thần” xuất hiện giữa nhà dân và nghiêm trọng hơn là một trường học với hội đồng thi tốt nghiệp bị hủy thi vì kết cấu tường barret tầng hầm công trình bị bục mối nối hôm 25/5 vừa qua.

Công trình xây dựng gây họa: Trách nhiệm của ai?
Ông Lê Sáu, tổ 24 phường Hòa Cường Bắc (Q.Hải Châu) với sự cố lún nứt nhà do công trình xây dựng Trung tâm Tài chính dầu khí Đà Nẵng gây ra.

Nguy hiểm hơn, nhà thầu thi công công trình Trung tâm thương mại Đà Nẵng trên đường Điện Biên Phủ bất chấp biện pháp thi công không đảm bảo và văn bản đình chỉ của cơ quan chức năng, liên tiếp gây lún nứt hẻm 44 Điện Biên Phủ, đe dọa hàng chục căn nhà và uy hiếp đời sống người dân nơi đây. Chị Mai Thị Kim Chi, bán hàng ăn tại hẻm 44 Điện Biên Phủ bức xúc: “Chúng tôi đã kêu nhiều rồi, nhưng rồi đâu lại vào đấy”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Cứ sau mỗi sự cố, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công…và các đơn vị liên quan đều khẳng định, biện pháp thi công áp dụng cho công trình là biện pháp tối ưu nhất, hiện đại nhất.

Đơn cử liên quan đến sự cố sụt lún hơn chục hộ dân cạnh công trình xây dựng Trụ sở làm việc Trung tâm Tài chính dầu khí tại Đà Nẵng (đường 30 tháng 4), bà Đỗ Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm cùng ông Lê Nam Bình, chuyên viên phụ trách dự án (đại diện chủ đầu tư) khẳng định: "Đây không chỉ là công nghệ hiện đại nhất hiện nay mà tất cả đều được thẩm định, thẩm tra bởi Trung tâm kiểm định của Sở Xây dựng TP. Hơn nữa, công trình đã được giám sát bởi Công ty Tư vấn giám sát hàng đầu thế giới là Cty APAVE Việt Nam và Đông Nam Á, công trình được thi công bởi nhà thầu có kinh nghiệm là Công ty Xây lắp dầu khí miền Trung, nên việc thi công công trình không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra nứt cho các hộ dân nơi đây".

Công trình xây dựng gây họa: Trách nhiệm của ai?
Trách nhiệm trong việc giám sát chất lượng thi công công trình xây dựng không nên chỉ dừng lại ở khâu hậu kiểm và xử lý khi có sự cố xảy ra...

Trong khi đó, người dân luôn bức xúc và quan ngại trước tình trạng sự cố xảy ra nhiều hơn. Về vấn đề này, ông Trần Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết: “Trước tình trạng sự cố xảy ra trong thời gian vừa qua, Sở Xây dựng đã tăng cường công tác kiểm tra, nhất là với những công trình có tầng hầm và đã xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức thi công không đúng quy định. Hơn nữa, do lực lượng Thanh tra còn thiếu nên khó có thể kiểm tra kịp thời tất cả các công trình, nhất là trong giai đoạn thi công phần ngầm”.

"Theo quy định của Luật Xây dựng, chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm pháp lý cao nhất đối với chất lượng công trình và các sự cố liên quan đối với công trình đó. Nếu sự cố xảy ra, các bên không tiến tới hòa giải, đền bù thì tòa án là cơ quan giải quyết cuối cùng các tranh chấp”, ông Dũng cho biết thêm.

Công trình xây dựng gây họa: Trách nhiệm của ai?
Việc để công trình xây dựng gây ra sự cố lún nứt nhà dân, công trình lân cận có trách nhiệm của đơn vị giám sát, cơ quan quản lý ...

Như vậy, khi công trình gây ra sự cố, chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm toàn bộ và cao nhất. Nhưng như vậy chưa đủ, trách nhiệm còn phải thuộc về đơn vị tư vấn, thiết kế, thẩm định biện pháp thi công; đơn vị giám sát thi công và cả các cơ quan quản lý. Vì tất cả các đơn vị này đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc để xảy ra sự cố chứ không phải riêng gì chủ đầu tư. Hơn nữa, sau mỗi sự cố, ngoài việc đền bù thiệt hại, rất cần chế tài xử phạt mạnh hơn mới mong chấn chỉnh được tình trạng các công trình xây dựng gây họa.

Theo Bửu Lân (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0