Trong khi Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS cho là chưa có chế tài đủ mạnh để “xử” các biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang như hiện nay thì lại có chuyên gia khẳng định, chúng ta có nhiều luật để giải quyết việc này, chỉ có điều có muốn “xử” hay không thôi.

Đợt kiểm tra của Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS cho thấy, trong 18 dự án đến thời điểm được kiểm tra nhà thấp tầng có 5.152 căn đã đưa vào sử dụng, còn tới 1.708 căn biệt thự, nhà liền kề chưa hoàn thiện còn bỏ hoang.

Những dự án có số lượng nhà biệt thự, nhà liền kề chưa sử dụng nhiều nằm ở dự án khu nhà ở Quang Minh 2, khu đô thị mới Dịch Vọng, khu đô thị mới Mỗ Lao, Làng Việt kiều Châu Âu, Mỹ đình II, Trung Yên... Đáng nói đến là dự án khu nhà ở Quang Minh 1 chưa có một căn biệt thự nào được sử dụng.

Có nhiều luật để “xử” nhà “hoang” nhưng chưa áp dụng
Để nhà "hoang" không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Ảnh: Nguyễn Lê.

Lý do của việc tồn đọng nhiều nhà “hoang” được Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS cho là chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý về trách nhiệm của chủ đầu tư khi chưa hoàn thành công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của dự án, chậm tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, cũng chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt người mua nhà không hoàn thiện nhà ở theo quy định của hợp đồng và các cam kết với chủ đầu tư.

Tuy nhiên, trao đổi với Laodong, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại cho rằng, chúng ta có đủ các điều luật để “xử” nhà “hoang”, thậm chí có thể xử lý vi phạm tới hai, ba điều chứ không phải một điều nếu nghiên cứu kỹ. Có thể tham khảo: Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… thì sẽ thấy ngay những sai phạm.

Ví như, Luật Đất đai nói rằng, sử dụng đất đai phải đúng mục đích. Bây giờ giao đất để xây nhà rồi bỏ hoang, như thế có đúng mục đích khi giao đất không? Không những thế, để hoang còn vi phạm môi trường, Luật Môi trường cũng nói không được làm tổn hại đến môi trường, ai làm tổn hại thì đều phải trả tiền. Nhà để hoang thành chỗ đổ rác, tệ nạn xã hội… ảnh hưởng đến môi trường thì sẽ bị phạt. Luật Xây dựng quy định phải hoàn thành, đăng ký tài sản… tại sao không làm mà lại bỏ hoang như thế? Chưa kể, theo Luật Nhà ở cũng có quy định chủ sở hữu nhà có nghĩa vụ không làm ảnh hưởng hay gây thiệt hại đến quyền và lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng và quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, khi sử dụng nhà.

Từ những dẫn chứng trên, ông Liêm nhấn mạnh, có đủ các điều luật để xử lý biệt thự hoang vi phạm cùng lúc mấy điều chứ không phải một điều. Có điều là có muốn “xử” hay không thôi.

Ông Liêm cho hay, để xử lý nhà “hoang” thì phải “sờ gáy” chủ sở hữu nhà đó, người bán nhà cho người dân và cả những người quản lý việc cho phép xây dựng nhà. Chủ sở hữu, người bán nhà để nhà “hoang” đều là phạm luật thì cần xử phạt hành chính. Đồng thời, phải răn đe từ gốc để không để xảy ra tình trạng đó, chứ không phải để đến lúc xảy ra mới răn đe.

Bên cạnh đó, ông Liêm cũng cho biết thêm, hiện nay, Luật của ta mới thu thuế sử dụng đất chứ chưa có thu thuế nhà. Điều này đang được Quốc hội nghiên cứu. Vì thế, cũng cần bổ sung quy định đánh thuế sửa dụng nhà.

Bộ Tài chính cũng đang kiến nghị sử dụng công cụ thuế và chế tài xử phạt để siết chặt quản lý đối với các biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang tại các khu đô thị. Hy vọng rằng, đây sẽ là “phương thuốc” hữu hiệu để giải quyết được tận gốc vấn đề nhà “hoang” cũng như nạn đầu cơ nhà đất trong tương lai.

Theo Nguyễn Lê (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0