Tình trạng ngưng trệ của thị trường bất động sản với nguyên do vốn đầu tư không còn nương tựa được vào ngân hàng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Sâu xa hơn, người dân đã ý thức và không thể chấp nhận việc bỏ ra hàng tỷ đồng để được sống trong những khu đô thị "khô khốc", vì thiếu vắng cây xanh và các công trình hạ tầng thiết yếu.

Chủ đầu tư tại các khu đô thị mới: Lo bán nhà, quên xây trường

Khu đô thị Nam Trung Yên đã có người ở nhưng đường vẫn chưa thi công xong. Ảnh: Linh Anh


Chỉ lo bán nhà


Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, còn quá nhiều chủ đầu tư chỉ mải bán nhà để thu lợi nhuận mà không lo đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho người dân đến sinh sống. Cần phải có cách làm khác, cần thay đổi tư duy của các chủ đầu tư. Thực tế ở Hà Nội, sau đợt rà soát 18 dự án khu ĐTM, một bức tranh đáng buồn với những đường nét rõ ràng về sự tắc trách của chủ đầu tư.


Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, một số dự án chưa hoàn chỉnh việc đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của dự án dù tiến độ dự án đã bị chậm nhiều so với Quyết định phê duyệt dự án, như Khu ĐTM Mỗ Lao, Quang Minh 1 và Quang Minh 2. Có dự án đã bàn giao nhà và người dân đã về ở nhưng vẫn chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như chưa cấp điện, nước đúng như dự án đầu tư được phê duyệt. Việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật và khớp nối giao thông của dự án với các dự án khác và với khu vực lân cận thực hiện chưa tốt như dự án Khu ĐTM Mỗ Lao. Đây là một cản trở lớn trong việc đưa dự án vào vận hành khai thác đồng bộ, người dân muốn về ở nhưng không đủ điều kiện sinh sống. Việc xây dựng các công trình hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, công viên, khu vui chơi, khu thương mại dịch vụ, các dịch vụ và tiện ích công cộng phục vụ nhu cầu của dân cư sinh sống và làm việc trong khu đô thị hầu hết chưa được đầu tư đồng bộ theo dự án đầu tư được phê duyệt.


Điều đáng nói, trong khi thị trường bất động sản ở Hà Nội luôn sôi động hơn các địa phương khác cả về giá cả và số lượng giao dịch thì chủ đầu tư tại đây lại rất thờ ơ với việc hoàn thiện hạ tầng. Ở khu vực phía Nam nhiều dự án đã tiến hành xây dựng đường sá, bệnh viện, nhà hàng… ngay từ khi bắt đầu rao bán sản phẩm nhà ở.


Quy hoạch cũng"quên" trường


Không chỉ "lỗi" do chậm trễ trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội. Ngay từ khi quy hoạch cũng có không ít dự án đã đẩy trách nhiệm về hạ tầng xã hội sang các khu vực lân cận, không tính đến sự thiếu thốn, quá tải đang tồn tại. Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở Phú Mỹ, thuộc địa phận xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm và phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy là ví dụ. Với diện tích đất quy hoạch hơn 10ha và quy mô dân số 7.732 người, khu nhà ở Phú Mỹ có vị trí lân cận với các dự án đầu tư đã và đang triển khai như Khu ĐTM Mỹ Đình I, Mỹ Đình II. Theo quy hoạch, khu nhà ở sẽ có hai tổ hợp công trình cao từ 21 - 45 tầng có phần đế rộng cao 4 tầng nối liền các khối nhà cao tầng. Quy mô là thế nhưng trong khuôn viên dự án chỉ tính đến nhà trẻ chứ không xác định vị trí nào cho trường tiểu học hay THCS.


Về dự án nói trên, ông Lưu Quang Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đình tỏ ra lo ngại bởi có số dân tương đương với một phường trong nội thành mà trong quy hoạch không dành đất để xây dựng trường học. Trong khi đó, các trường học xung quanh khu nhà ở Phú Mỹ hiện đã quá tải. Chưa có khu nhà ở này, người dân đã liên tục kiến nghị cần phải xây mới trường công lập để giảm tải cho các trường hiện có. Bất ngờ với việc quy hoạch một khu ở lớn mà không có trường học, ông Nguyễn Kim Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm tỏ rõ quan điểm, chủ đầu tư nên bớt chút lợi nhuận để chăm lo cho chính khách hàng mua đất nhà trong dự án, không thể bán nhà xong thì bỏ mặc, trút gánh nặng cho địa phương.


TP Hà Nội đang xây dựng chương trình đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị giai đoạn 2011 - 2015. Trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, công tác quy hoạch, kiến trúc của Hà Nội còn nhiều yếu kém. Điển hình là tình trạng các khu đô thị mới đầu tư thiếu đồng bộ, đáng lẽ phải có đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện rồi mới xây nhà để bán thì thực tế làm ngược lại, xây nhà để bán trước, còn công viên, trường học quây rào để đó. Đây là quan điểm ăn xổi, là tư duy cũ cần phải xóa bỏ.

Theo Hạnh Nguyên (Kinh Tế & Đô Thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0