Chủ trương thu thêm 50m hai bên đường để thuận lợi cho quy hoạch tuyến phố đã gợi mở lối tháo gỡ gần chục nút "cổ chai" trên các tuyến giao thông của Hà Nội tồn tại cả chục năm qua. Sau yêu cầu phải công khai, minh bạch chỉ giới mở đường và phương án đền bù thì vấn đề người dân đặc biệt quan tâm chính là phương án giải quyết chỗ ở cho họ sau khi di dời.

Gỡ nút "cổ chai": Gắn với nguyện vọng của dân


Bên cạnh những mặt được sau nhiều năm phát triển đường giao thông thì Hà Nội hiện còn tồn tại không ít nút "cổ chai" khiến cho bức tranh giao thông của thành phố không mấy sáng sủa. Chẳng hạn như nút Linh Đàm - đường Giải Phóng; Trường Chinh - Ngã Tư Sở, hay những nút đã cố thủ cả chục năm như Kim Ngưu - Trần Khát Chân; nút "cổ chai" trên đường Trần Quốc Hoàn thuộc quận Cầu Giấy…


Trở lại các nút "cổ chai" lâu nay chưa thể tháo gỡ, mới thấy nguyên nhân chủ yếu do cách làm của những người có trách nhiệm còn thiếu minh bạch, nặng tâm lý dễ làm khó bỏ. Sau nhiều lần Báo CAND phản ánh, nút "cổ chai" trên đường Trần Quốc Hoàn nay chưa hoàn toàn gỡ bỏ nhưng người dân thì đã đồng thuận với hướng giải quyết.


Ông Ngô Xuân Hùng - Tổ phó tổ dân phố 20 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, nơi có 53 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng nút giao thông này cho biết: Sau nhiều lần họp bàn, thảo luận về những vướng mắc trong chỉ giới thu hồi đất, mức đền bù… hầu hết các hộ dân đã nhất trí nhận đền bù và thông qua phương án di dời. Lý do chậm trả lại mặt bằng, từ năm 2000 theo Quyết định 5775/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội về việc thu hồi gần 30.000m2 đất để làm tuyến đường Trần Quốc Hoàn. Trong đó có phần đất của các hộ dân thuộc Tổ 20 phường Dịch Vọng Hậu.


Vào thời điểm đó, số hộ dân nơi đây chưa đồng tình trả mặt bằng với lý do: Dự án đã triển khai quá nửa con đường thì những người dân tổ 20 mới được thông báo nằm trong diện phải di dời; cùng một tuyến nối thẳng đường Tô Hiệu với đường Trần Quốc Hoàn nhưng nơi thì mặt cắt rộng 11m, nơi lại là 15m; phần vỉa hè đường Trần Quốc Hoàn thì có còn đường Tô Hiệu lại không rất không thống nhất.


Chỗ ở nào cho người dân khi thu hồi 50m hai bên đường
Dự án đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đang thu hồi mặt bằng.

Đáng lưu ý là cơ quan thẩm quyền không đưa ra được lý do thỏa đáng tại sao tuyến đường Trần Quốc Hoàn đang phóng thẳng nhưng đến cửa nhà hàng Trung Dũng bỗng dưng quẹo trái khiến người dân thắc mắc?! Chỉ đến khi cơ quan hữu trách đưa ra phương án quy hoạch đường công khai, nắn thẳng tuyến, thỏa thuận đền bù theo đúng chính sách thì người dân vui vẻ thực hiện. Nhưng theo ông Hùng, điểm quan trọng đã được tháo gỡ ở đây chính là quan tâm tới mối lo thực sự của các hộ dân về nơi ở mới cũng như kế sinh nhai sau khi phải di dời. Cụ thể đối với trường hợp này, là các hộ dân được tái định cư ngay tại phường Dịch Vọng - ông Hùng cho biết.


Những hộ dân phải di dời khu vực đầu sông Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng lại có tâm trạng khác. Nút "cổ chai" này hình thành từ trước năm 2000 khi thành phố xây dựng tuyến đường Đông Kim Ngưu, nhưng đến nay chưa giải tỏa được buộc ngành Giao thông phải xây dựng thêm một cây cầu sắt để thông luồng giao thông như một giải pháp bất đắc dĩ. Vậy mà cả chục năm trôi qua chưa một phương án nào khả dĩ để tháo gỡ nút thắt giao thông nơi đây.


Theo bà Vân - một cán bộ tổ dân phố thuộc phường Thanh Lương, thì hơn 100 hộ dân trong diện di dời mong mỏi thành phố sớm hoàn thành con đường, thông luồng giao thông đồng thời những hộ dân được đền bù thỏa đáng sẽ ổn định nơi ở để làm ăn.


Một số cán bộ chi bộ thuộc tổ dân phố số 10, 11 phường Thanh Lương cũng nêu quan điểm: Không chỉ đảng viên, mà hầu hết người dân diện phải trả mặt bằng đều mong thành phố sớm công khai quy hoạch nút giao thông này gắn với mở rộng đường vành đai I tuyến Trần Khát Chân- đê Nguyễn Khoái. Lý do là nhiều gia đình trong những năm qua luôn nằm trong tâm lý chờ đợi, không dám xây sửa nhà vì sợ lãng phí. Hầu hết những người dân được hỏi đều bày tỏ muốn tái định cư tại chỗ khi thành phố làm đường vành đai I qua đây.


Theo chúng tôi được biết, cơ quan làm dự án cùng UBND quận Hai Bà Trưng đang có những động thái tháo gỡ nút vướng mắc này và nhiều khả năng sẽ thu hồi phần đất hai bên đường theo nguyên tắc mới để đáp ứng nhu cầu tái định cư tại chỗ cho người dân.


Chỗ ở nào cho người dân khi thu hồi 50m hai bên đường
Ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn: Giám sát chặt việc đền bù và nên quy hoạch tuyến phố Phạm Văn Đồng để rút kinh nghiệm

Đề cập tới tình trạng chậm giải phóng mặt bằng dẫn tới tình trạng nút "cổ chai", nhà "siêu mỏng, siêu méo", nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn nêu ý kiến: Phải giám sát việc thực hiện phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng sao cho đảm bảo công bằng, minh bạch, không gây thiệt hại cho người dân nhưng cũng không để cho kẻ xấu lợi dụng. Cơ quan chống tham nhũng Bộ Công an vừa qua khởi tố điều tra một số đối tượng lập hồ sơ đền bù khống tham nhũng nhiều tỷ đồng trong đền bù giải phóng mặt bằng tại xã Hải Bối, Đông Anh là một ví dụ.


Về chủ trương thu hồi thêm 50m hai bên đường, ông Vạn nói: Nên quyết liệt làm vì thành công sẽ đạt nhiều lợi ích: Nhà nước thì thu được tiền từ quỹ đất để đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị; sau khi có đường thì chúng ta còn được phố hiện đại, đáp ứng nhu cầu cộng đồng, không để tình trạng xây dựng tùy tiện. Ngược lại, nếu làm theo cách thu hồi đất cũ thì lợi thế thương mại về đất đai sẽ chuyển từ người này sang một số người khác, người có thông tin quy hoạch sẽ mua đất đón đầu gây mất công bằng, còn Nhà nước lại không có tiền đầu tư. Phải chọn trục đường nào đáng làm mới đầu tư để đạt nhiều tiêu chí. Nên thực hiện việc thu hồi đất hai bên đường tuyến Phạm Văn Đồng để quy hoạch phố mới hiện đại, đạt nhiều tiêu chí lại đáp ứng yêu cầu làm trục đối ngoại vì nó gắn với cửa khẩu hàng không quốc tế. Làm rồi rút kinh nghiệm trước khi triển khai các tuyến khác.


Chỗ ở nào cho người dân khi thu hồi 50m hai bên đường
Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: "Làm tốt thì lãi chứ không lỗ đâu"

Việc thu hồi quỹ đất hai bên tuyến đường mới mở nhiều nước làm rồi, thành phố Đà Nẵng làm rồi, kết quả là có nhiều ưu việt lắm. Về hiệu quả quản lý kiến trúc đô thị thì rõ rồi, phố hiện đại, hạ tầng đồng bộ…; về kinh tế, nếu làm tốt thì quỹ đất sinh lời cùng nhiều tiện ích khác do con đường tạo ra sẽ lãi chứ không thể lỗ. Ông Hùng nhấn mạnh: Thu hồi đất làm đường theo cách cũ, khi mà nhà đầu tư thiếu kiên quyết, không cụ thể phương án, quản lý yếu, không loại trừ cả hành vi mang tính cá nhân thì việc hình thành các nút "cổ chai" là điều dễ hiểu; nhà "siêu mỏng, siêu méo" còn tái diễn. Cách tốt nhất là phải xây dựng khung pháp lý làm cơ sở thực hiện và kiên quyết áp dụng cách thu hồi đất mới chắc chắn sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, không chỉ riêng Hà Nội mà còn nhiều đô thị khác.

Theo Khánh Chi (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0