Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) Thái Nguyên trình lên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh bản danh sách 22 dự án đầu tư có tổng vốn đăng ký trên 13.873 tỉ đồng, đề nghị thu hồi do chưa triển khai và thực hiện không đúng tiến độ cam kết.

Tỉnh coi đây là bước đi nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, tránh lãng phí tài nguyên đất.

Xong giải phóng mặt bằng, dự án vẫn bỏ hoang!

Trong danh sách 22 dự án đề nghị thu hồi, Dự án KCN Trung Thành – Lệ Trạch (huyện Phổ Yên) do Cty TNHH Lệ Trạch (Đài Loan) làm chủ đầu tư có diện tích đã giải phóng mặt bằng (GPMB) lớn nhất. Tuy nhiên, người nông dân ở xã Trung Thành, huyện Phổ Yên gần 3 năm qua vẫn chưa hiểu đất nông nghiệp đã được giải phóng để làm gì, trong khi mùa vụ bị dở dang.

Cắt dự án “treo”, lành mạnh hoá môi trường đầu tư
KCN Trung Thành đã được giải phóng mặt bằng, nhưng hạ tầng vẫn chưa thấy đâu.

Cụ thể, theo chính sách xã hội hóa thu hút đầu tư vào các KCN, tỉnh Thái Nguyên ứng nguồn ngân sách 43 tỉ đồng để GPMB, chủ đầu tư ứng 8,3 tỉ đồng để có quỹ đất sạch giúp Cty Lệ Trạch xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư vào KCN.

Chỉ sau 40 ngày (tháng 11.2007), tỉnh Thái Nguyên đã có quỹ đất sạch 40ha cấp cho nhà đầu tư để động thổ, khởi công dự án. Sau động thái mang tính tích cực của tỉnh Thái Nguyên, chủ đầu tư đã khởi công dự án và rồi bỏ đấy! Nhà đầu tư của KCN này không đầu tư được hạ tầng, cũng không kêu gọi được DN đầu tư vào KCN, vì vậy đất đã GPMB đành bỏ hoang.


Từ vụ xuân 2008, người dân thuộc 6 xóm trong dự án đã không thể gieo cấy vụ mùa, chờ nhận kinh phí GPMB và chờ làm công nhân KCN. Chờ mãi, chủ đầu tư mới xây được một phần bờ tường và san lấp phần nhỏ diện tích đất. Ông Nguyễn Văn Vượng – Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành - cho biết: “415 hộ dân thuộc 6 xã đã bàn giao khoảng 45ha đất nông nghiệp cho dự án. Bản thân gia đình tôi cũng đã giao khoảng 4.000m2. Chúng tôi mong chờ KCN hoạt động để vào làm việc, nhưng đến giờ tư liệu sản xuất không còn, việc cũng chẳng có, nhiều người phải đi làm thuê”.


Ông Ngô Xuân Lâm – Bí thư chi bộ xóm Hưng Thịnh, xã Tân Thành - cũng đã bàn giao mặt bằng cho dự án, rồi tự bỏ tiền san lấp mặt bằng. Nhưng cho đến nay, tiền bồi thường tài sản trên đất GPMB ông chưa được nhận, còn việc các con được vào làm trong KCN càng xa vời hơn. Cả gia đình đành sống nhờ vào tiền phụ cấp chất độc da cam của ông Lâm.


Thực tế, nhằm thu hút đầu tư vào các KCN tại Thái Nguyên, UBND tỉnh đã dành sự quan tâm cho các NĐT vào KCN. Phần lớn 47ha thuộc quy hoạch KCN Trung Thành về cơ bản đã được giải phóng, diện tích chưa giải phóng được chủ yếu thuộc phần đất nghĩa địa khoảng 2.000m2. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trên phần đất nông nghiệp bỏ hoang của người dân xã Trung Thành, có lẽ tiến độ đăng ký hoàn thành vào năm 2012 của Cty TNHH Lệ Trạch (Đài Loan) sẽ không thực hiện được. Vì vây, Sở KHĐT đã đưa dự án này vào danh sách cần được thu hồi giấy phép đầu tư.


Thiệt vì “treo”


Theo Sở KHĐT Thái Nguyên, khoảng 60 dự án đang chậm tiến độ trong đó có 22 dự án nằm trong danh sách đề nghị thu hồi chậm từ 24 – 36 tháng. Dù không nằm trong danh sách dự án đề nghị thu hồi giấy phép đầu tư, nhưng những dự án chậm tiến độ vẫn khiến người dân bức xúc vì tình trạng “treo” kéo dài, chưa biết đến bao giờ mới thực hiện được.

Cắt dự án “treo”, lành mạnh hoá môi trường đầu tư
Khu chuồng trại bỏ trống của người dân ở phường Thịnh Đán vì nằm trong vùng dự án treo. Ảnh: P.V

Ví dụ như Dự án bến xe khách Long Việt do Cty CP Long Việt làm chủ đầu tư, có diện tích 6,3ha tại khu vực phường Thịnh Đán, TP.Thái Nguyên đã khiến người dân nơi đây bị “treo” gần 2 năm qua. Do nằm trong khu vực dự án đã quy hoạch, nên người dân nơi đây không được xây dựng, cơi nới, sửa chữa, cải tạo hay chuyển quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đợi mãi vẫn chưa thấy chủ đầu tư đến thực hiện việc bàn bạc GPMB.

Ông Dương Trọng Dong - ở tổ 19 phường Thịnh Đán - bức xúc: “Tôi đang định xây 10 phòng trọ cho sinh viên thuê, nhưng không được phép của TP vì nằm trong vùng dự án. Nhưng dự án mãi chẳng thấy đâu, còn nếu tính chi ly, 2 năm qua tôi thu được gần trăm triệu tiền cho thuê phòng trọ”. Còn ông Phạm Văn Túc - ở tổ 1 - thì không dám đầu tư vào chuồng trại chăn nuôi vì tin tưởng dự án sẽ sớm được thực hiện, đất sẽ được thu hồi. Hậu quả là gần 2 năm qua, chuồng trại bỏ không, còn các con ông phải đi chạy taxi kiếm sống. Được biết, do chủ đầu tư chưa tìm được quỹ đất tái định cư nên dự án vẫn giẫm chân tại chỗ, dù được coi là đang trong giai đoạn tiến hành dự án.


Điều đáng chú ý là, chủ đầu tư dự án đang chậm tiến độ này lại có cùng tên với chủ đầu tư ít nhất 2 dự án đang nằm trong danh sách đề nghị thu hồi. Điều này càng có cơ sở khiến người dân trong vùng dự án “treo” lo lắng về tương lai của mình.

Theo Vinh Hải – Khánh Đan (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0