Như Báo Hà nội mới đã đưa tin, kết quả kiểm tra cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.700 biệt thự, nhà liền kề chưa hoàn thiện, chưa đưa vào sử dụng. Theo Bộ Xây dựng, một lượng không nhỏ người mua là đầu cơ, để dành, cất giữ tài sản, không có nhu cầu sử dụng.
Biệt thự bỏ không: Của để dành ?
Nhiều căn hộ bạc tỷ bị bỏ hoang tại Khu đô thị Mỹ Đình II (huyện Từ Liêm). Ảnh: V.T

Trong 18 dự án khu đô thị, khu nhà ở được kiểm tra, nhà thấp tầng có 6.860 căn đã xây dựng, trong đó có 5.152 căn đã đưa vào sử dụng (biệt thự là 1.803 căn, liền kề là 3.349 căn), còn 1.708 căn chưa hoàn thiện (biệt thự còn 831 căn; nhà liền kề còn 877 căn). Trong khi đó, số lượng nhà chung cư đã hoàn thành là 14.288 căn hộ, đã đưa vào sử dụng 14.110 (99%). Những dự án có số lượng nhà chưa sử dụng nhiều là khu nhà ở Quang Minh 1 chưa có căn biệt thự nào được sử dụng; khu nhà ở Quang Minh 2 còn 106/208 căn biệt thự và 67/106 căn liền kề chưa hoàn thiện. Về các khu đô thị mới: Dịch Vọng có 67/82 căn biệt thự và 26/72 căn nhà liền kề chưa sử dụng; Pháp Vân - Tứ Hiệp còn 100/213 căn biệt thự chưa sử dụng; Mỗ Lao - Làng Việt kiều châu Âu còn 186/257 căn biệt thự và 191/262 căn nhà liền kề chưa sử dụng. Kể cả những dự án cơ bản đáp ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, như Khu đô thị Mỹ Đình II vẫn còn 19/206 căn biệt thự chưa sử dụng; Trung Yên cũng còn 5/61 căn biệt thự và 26/646 căn nhà liền kề chưa sử dụng. Tình trạng nhà biệt thự, nhà liền kề chưa hoàn thiện, chưa đưa vào sử dụng tại các khu đô thị có tỷ lệ cao, diễn ra phổ biến đã ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế xã hội, gây lãng phí rất lớn về tài nguyên đất, tiền của, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự và môi trường đô thị tại địa phương.

Theo Bộ Xây dựng, trong số nhà biệt thự, nhà liền kề chưa được hoàn thiện và đưa vào sử dụng có một lượng không nhỏ do người mua đầu tư, đầu cơ hoặc giữ tài sản, để dành... không có nhu cầu ở thực sự. Trong khi đó, hệ thống pháp luật hiện tại chưa chú trọng đúng mức việc quản lý và hạn chế cá nhân sở hữu nhiều nhà đất. Quy định về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tỏ ra không có hiệu quả trong việc chống đầu cơ đất đai, không thể ngăn chặn hoạt động đầu cơ bất động sản là nhà đất. Vì thế, người nắm giữ nhiều đất đai vượt quá hạn mức diện tích đất được sử dụng chưa được tính thuế phù hợp. Mặt khác, hầu hết các dự án kiểm tra được phê duyệt và thực hiện từ năm 1996 đến năm 2004, thời điểm Luật Đất đai 2003 chưa có hiệu lực, chưa có Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản nên cơ cấu nhà ở trong các dự án bất hợp lý, tỷ lệ nhà ở thấp tầng, biệt thự cao trong khi quy hoạch kết nối giao thông, tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa được chú trọng. Thêm vào đó, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm chủ đầu tư khi không hoàn thành công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của dự án, chậm tiến độ thực hiện dự án; xử phạt người mua nhà không hoàn thiện nhà ở theo quy định của hợp đồng và các cam kết với chủ đầu tư. Về chủ quan, chủ đầu tư khi lập dự án đã xây dựng cơ cấu nhà ở không hợp lý, có nhiều nhà thấp tầng, biệt thự được xây dựng nhằm mục đích thu hồi vốn nhanh. Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương thiếu thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện bất cập, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ và quy định. Để khắc phục, trước mắt, Bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND các tỉnh, đề nghị kiểm tra, rà soát tình hình triển khai xây dựng và sử dụng nhà ở các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn. Yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành dự án đúng tiến độ; chủ động triển khai đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình hạ tầng xã hội; có biện pháp yêu cầu người mua nhà hoàn thiện, đưa nhà ở vào sử dụng.


Về lâu dài, Bộ đề xuất bỏ hình thức phân lô bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị; chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng; xây dựng chế tài xử phạt các chủ đầu tư bán nhà xây thô và không thực hiện tốt việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; nghiên cứu ban hành chính sách thuế đủ mạnh để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất mà không đưa vào sử dụng; có quy định để đa dạng hóa các loại hình nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các dự án phát triển nhà ở phải có tỷ lệ nhà chung cư lớn hơn 80% tổng số nhà ở.

Theo thiết kế, 18 khu đô thị và nhà ở có tổng số 25.519 căn nhà ở các loại. Trong đó, có 7.419 căn nhà thấp tầng (biệt thự là 3.106 căn, nhà liền kề là 4.313 căn), chung cư là 18.100 căn hộ. Các dự án trong đợt kiểm tra này đều bị chậm tiến độ thực hiện so với tiến độ đầu tư dự án được phê duyệt từ 1 đến 3 năm (như các dự án Khu đô thị mới Quang Minh, Khu đô thị Ciputra), cá biệt có những dự án chậm tới 5 năm (như Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh).

Theo Khánh Khoa (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.