Các DN BĐS xác định phải cố gắng tự điều chỉnh thích nghi để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay cũng giống những lĩnh vực khác như sản xuất, nông nghiệp… Bộ Xây dựng không có đề nghị nào với NHNN nới lỏng tín dụng cho thị trường BĐS.
BĐS: Không cần phao cứu sinh?

Bộ Xây dựng đã nhấn mạnh điều này khi báo cáo Chính phủ về BĐS trên các lĩnh vực giá cả, thanh khoản cũng như những biến động của thị trường trong thời gian vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định Bộ Xây dựng không có đề nghị nào với NHNN nới lỏng tín dụng cho thị trường BĐS. Bộ cũng nhất trí thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, cắt giảm đầu tư công.


Bộ Xây dựng cũng xác định , BĐS có tính chất hàng hóa quy mô còn nhỏ chiếm 30%, còn lại 70% là BĐS mang tính chất sử dụng sát nhu cầu thực của người dân.


Dư nợ cho vay lĩnh vực này cuối tháng 5 là 220 nghìn tỷ, giảm so với 31/12/ 2010.


Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng kết luận là không có đổ vỡ thị trường BĐS, chỉ có “xì hơi” giảm giá và suy giảm giao dịch. Từ đó Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ những giải pháp hỗ trợ thị trường BĐS phát triển, lành mạnh.


Bộ Xây dựng kiến nghị đưa BĐS ra khỏi nhóm phi sản xuất, tuy nhiên vẫn nằm trong nhóm kiểm soát tín dụng đặc biệt.


Thay đổi cơ cấu dư nợ BĐS, không cho vay vào việc cho vay giải phóng mặt bằng, không cho vay thực hiện các dự án BĐS cao cấp. Tín dụng của những phân khúc này chuyển sang cho vay dự án quy mô nhỏ, giá hợp lý, nhà thu nhập thấp, thu nhập trung bình.


Tập trung vốn cho các dự án nhà sắp hoàn thiện để sớm đưa sản phẩm ra thị trường, tăng cung BĐS phù hợp.


Tiếp tục cho hộ gia đình có nhu cầu mua thật, thu nhập và công việc ổn định vay tiền mua nhà, tăng chất lượng cuộc sống.


Trước tình trạng ỳ ạch của thị trường BĐS hiện nay, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành phải đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển ổn định thị trường BĐS.


Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện 5 giải pháp cơ bản như: Kiểm soát dòng vốn hiệu quả, đổi mới các phương thức phát triển nhà ở; xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô; đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong đầu tư và kinh doanh BĐS.


Vấn đề quan trọng nhất hiện nay để thị trường BĐS sôi động là cần chú ý làm tăng tính thanh khoản của các BĐS. Ngoài việc các doanh nghiệp BĐS giảm giá, chính sách khuyến mại và đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng mua bán nhà đất thì họ cũng phải mạnh dạn hợp tác với nhau điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nhất là về dự án căn hộ cao cấp.


Suốt thời gian qua, các DN có thể nhìn rõ được sức cầu thực chất thông qua việc khuyến mãi, giảm giá căn hộ chung cư cao cấp ở Hà Nội nhưng vẫn không bán được hàng.


Về chính sách, Nhà nước cần chú ý tới việc thúc đẩy thị trường BĐS, quỹ phát triển nhà ở, quỹ tiết kiệm nhà ở… Trước mắt, tháo gỡ các khó khăn về thủ tục hành chính, chính sách thuế chuyển nhượng BĐS, tiền sử dụng đất. Rất cần có lộ trình xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô phù hợp, nhưng cũng nên cân nhắc, bởi nếu xóa bỏ ngay lập tức lúc này liệu có ảnh hưởng tới tính thanh khoản của thị trường nói chung và việc hình thành các quỹ đầu tư nói riêng hay không?


Mặt khác nếu nhìn BĐS như một ngành sản xuất theo hướng ngành phát triển vật liệu xây dựng, hạ tầng, tạo ra một khu đô thị, một căn hộ để phục vụ người tiêu dùng thì thị trường lại đang tồn tại một vài vấn đề cần giải quyết thỏa đáng. Thứ nhất là hàng “tồn kho” mà Bộ Xây dựng sau khi kiểm tra 18 dự án của Hà Nội cho biết, các chung cư cao tầng có tỉ lệ căn hộ đưa vào sử dụng cao nhất, đạt xấp xỉ 100%, nhà liền kề sử dụng đạt khoảng 80%, còn nhà biệt thự chỉ đạt 58%.


Thứ hai, chủ trương thắt chặt tín dụng BĐS đang chú ý tới tính phi sản xuất chứ chưa chú ý tới tính sản xuất cho nên đây là một bất lợi cho thị trường nhất là trong thời điểm hiện nay. Cho đến nay, vẫn chưa có những nghiên cứu cụ thể để phân biệt loại BĐS nào là thiết yếu cho từng loại đối tượng mà ưu tiên nguồn vốn cho vay và loại nào là chưa thiết yếu để hạn chế cho vay.

Theo Đức Trung (tamnhin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0