ThS. Hồ Bá Tình

ThS. Hồ Bá Tình
Chuyên gia kinh tế

Đại dịch biết đâu là cơ hội

28/03/2020 9:14 PM
ThS. Hồ Bá Tình ThS. Hồ Bá Tình
CafeLand - Khi tôi ngồi viết những dòng này, đại dịch viêm phổi đang diễn ra khốc liệt trên toàn cầu với gần 600 nghìn người nhiễm bệnh và gần 30 nghìn người đã chết. Nhiều quốc gia, nhiều thành phố đang bị phong tỏa và các nền kinh tế đang bị suy sụp. Nước Mỹ hùng cường đã có số người nhiễm cao nhất thế giới và số người chết tăng nhanh. Nước Ý ở một nơi cách rất xa nơi xuất phát điểm của dịch bệnh là Vũ Hán đã có số người chết lên đến gần 10.000 người, vượt xa nơi xuất phát của dịch.

Dù là người đánh giá khá bi quan ảnh hưởng của dịch bệnh ngay từ khi nó mới bắt đầu ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể tưởng tượng được sức tàn phá của dịch bệnh này lại khủng khiếp đến thế. Có lẽ nhân loại đang đứng trước một thảm họa chưa từng có trong nhiều thấp kỷ gần đây. Nhân loại cũng chưa sẵn sàng để ứng phó với một dịch bệnh bất ngờ nổ ra trong một thời gian ngắn như vậy.

Cách đây 2 tháng khi dịch bệnh bắt đầu bùng nổ ở Vũ Hán và Trung Quốc đã phải phong tỏa nhiều thành phố thì rất nhiều người trên thế giới vẫn còn rất thờ ơ với dịch bệnh. Trên một số diễn dàn, mạng xã hội nhiều người chỉ trích một số chính sách cực đoan của Trung Quốc đối với người dân.

Và cách đây chưa đến một tháng khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng sang châu Âu, một số quan chức, nhà khoa học tại các quốc gia châu Âu như Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển… còn đưa ra ý tưởng “miễn dịch cộng đồng” thay vì sử dụng mọi biện pháp mạnh mẽ để khống chế dịch bệnh. Những người đưa ra quan điểm này cho rằng dịch bệnh này là không thể khống chế hiệu quả được nên cần phải có nhiều người nhiễm bệnh để tạo ra một cộng đồng có kháng thể miễn dịch tự nhiên. Bên cạnh đó nhóm ủng hộ phương pháp này vì cho rằng nếu sử dụng các biện pháp chống dịch như Trung Quốc thì thiệt hại cho nền kinh tế sẽ rất lớn và không hiệu quả về dài hạn.

Khi nghe về ý tưởng này tôi đã cảm thấy rùng mình bởi nếu áp dụng biện pháp này thì một viễn cảnh gần như chắc chắn là hàng triệu người tại châu Âu sẽ chết vì dịch bệnh và các nước ở đây cũng sẽ bị cô lập hoàn toàn với phần còn lại của thế giới. Hậu quả về mặt kinh tế, xã hội đối với châu Âu và toàn cầu có thể lớn đến mức không thể tưởng tượng được.

Rất may mắn là trước sức ép của dư luận và rủi ro quá lớn của biện pháp này nhiều nước châu Âu đã phải sử dụng các biện pháp “truyền thống”. Hẵn đây là một lựa chọn rất khó khăn nhưng có lẽ ở các quốc gia này không còn có lựa chọn nào khác. Ý là nước đầu tiên phong tỏa gần như toàn quốc. Dù vậy, gần 1 tháng trôi qua tình hình dịch bệnh ở Ý vẫn hết sức trầm trọng khi đã có hơn 86.000 người nhiễm bệnh và hơn 9.000 người chết.

Hiện tại, hầu hết các quốc gia đã phải phong tỏa biên giới, hạn chế đi lại ở nhiều thành phố. Thậm chí một số quốc gia còn kiểm soát người dân đi lại một cách triệt để. Chẳng hạn, tại Ấn Độ mới chỉ có hơn 700 người nhiễm bệnh và 20 người tử vong nhưng quốc gia này đã phải sử dụng biện pháp mạnh mẽ nhất là phong tỏa toàn quốc để giảm thiểu dịch bệnh lây lan.

Xem thống kê về dịch bệnh Covid -19 tôi bàng hoàng khi quốc gia số một thế giới là Hoa Kỳ có số người nhiễm bệnh vượt qua Trung Quốc và lên đến hơn 100.000 người, số người chết đã là 1.600 người. Tình trạng bệnh dịch nghiêm trọng đến mức Hoa Kỳ đã phải phong tỏa rất nhiều bang và ngừng gần như mọi chuyến bay đến từ bên ngoài. Để đối phó với khủng hoảng kinh tế, Hoa Kỳ đã phải tung ra gói kích cầu lớn nhất trong lịch sử với 2.000 tỷ USD.

Thực tế so với bệnh dịch khác cho đến nay, số nạn nhân của Covid-19 nhỏ hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, tỷ lệ người có triệu chứng nặng và chết khi nhiễm bệnh này cũng thấp hơn nhiều bệnh dịch nguy hiểm khác. Điều này làm tôi băn khăn tự hỏi nguyên nhân thực sự của thảm họa do Covid -19 gây ra thực sự là gì?

Và tôi đã tìm được câu trả lời khi nhìn vào các con số thống kê số người nhiễm bệnh ở nhiều quốc gia. Nạn nhận của Covid -19 đã tăng theo cấp số nhân và chưa có thuốc chữa, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do đó hầu hết các quốc gia đều lo sợ nếu không kiểm soát dịch bệnh thì tỷ lệ người nhiễm bệnh sẽ rất cao và hệ thống y tế sẽ quá tải dẫn đến số người chết lên mức rất nhiều. Vì vậy, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều lựa chọn biện pháp cực đoan nhất để chống dịch bệnh này.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này những hệ quả khủng khiếp mà xã hội, các nền kinh tế đang phải gánh chịu không phải do tác động trực tiếp của Covid-19 mà do tác động của những biện pháp mà xã hội phải áp dụng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Những ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và mạnh nhất là vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, giáo dục, ăn uống, giải trí…

Khi trao đổi các bạn bè của mình, tôi nhận thấy dường như nhiều người vẫn chưa nhận biết đầy đủ tác động của dịch bệnh này đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính. Họ hi vọng trong 3-5 tháng tới dịch bệnh sẽ qua đi và mọi hoạt động kinh tế và xã hội trở lại bình thường. Không chỉ có vậy, một số người đã “bắt đáy” cổ phiếu từ mấy phiên trước.

Dù không phải là người bi quan nhưng tôi không thể lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Với việc hầu hết hoạt động ở phần lớn các quốc gia bị phong tỏa thì gần như chắc chắn kinh tế thế giới suy sụp trầm trọng. Hiện nay, các chính phủ đã cạn kiệt các nguồn lực để đối phó với dịch bệnh nên nguồn tiền dành cho kích thích nền kinh tế cũng không còn.

Công cụ chính sách tiền tệ cũng mất tác dụng khi mà lãi suất chính sách ở các nền kinh tế phát triển đã giảm xuống mức thấp nhất từ lâu. Sẽ có rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản và khủng hoảng sẽ lan sang hệ thống tài chính. Thời kỳ phồn thịnh và phát triển của nhiều quốc gia trong thời kỳ toàn cầu hóa dường như đã qua. Kinh tế thế giới có thể mất hàng chục năm để phục hồi và nó cần một sự tái cấu trúc sâu rộng.

Đối với Việt Nam, tính đến ngày 28/3 mới có 174 người nhiễm bệnh và chưa có người tử vong và có gần 100.000 người đang bị cách ly theo dõi. Đây là con số rất nhỏ so với dân số gần 100 triệu. Dù vậy, Việt Nam cũng đã phải căng mình chống dịch. Mới đây Thủ tướng đã phải ra chỉ thị dừng mọi hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên cả nước, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Thậm chí Việt Nam cũng phải dừng hoạt động các chuyến bay quốc tế. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM cũng hạn chế người người dân đi lại và ra vào thành phố.

Trước bối cảnh đó, tôi hình dung ra một viễn cảnh không mấy tốt đẹp đối với kinh tế Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì GDP Việt Nam Quý 1/2020 vẫn tăng được 3,82%. Tuy nhiên, có thể số liệu này là do “độ trễ” của việc thống kê, sự suy giảm thực sự có thể bắt đầu từ quý 2. Đặc biệt, những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với kinh tế Việt Nam có thể còn lớn hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác bởi độ mở của nền kinh tế Việt Nam lớn hơn.

Trong những năm qua Việt Nam tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu và dòng vốn đầu tư đến từ nước ngoài. Do đó, thương mại toàn cầu suy giảm, chuổi cung ứng hàng hóa, dòng vốn toàn cầu bị ngưng trệ thì kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Tình trạng thất nghiệp gia tăng và sẽ kích hoạt một cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính vốn đang ở trạng thái ổn định mong manh. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn có thể phá sản để lại hậu quả dài hạn đối với nền kinh tế.

Tôi cho rằng những chính sách của Chính phủ Việt Nam thời gian qua để chống dịch bệnh, hỗ trợ nền kinh tế là cần thiết và bước đầu đã có hiệu quả. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng nếu chỉ có những nổ lực từ phía Chính phủ thì Việt Nam cũng khó thoát khỏi khó khăn nhanh chóng được mà cần phải có sự tham gia của toàn bộ xã hội.

Bên cạnh những bi quan về những ảnh hưởng của đại dịch nhiều lúc trong đầu tôi cũng lóe lên những tia hi vọng. Biết đâu trong đại dịch, Việt Nam sẽ lớn mạnh hơn, sẽ đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc hơn để phát triển bền vững. Đặc biệt, biết đâu những tầng lớp được “hưởng lợi” một cách bất chính suốt thời thời gian qua sẽ “nghĩ lại”. Họ sẽ hiến một phần trong số tài sản khổng lồ của họ cho đất nước chống dịch, tái cấu trúc. Những thế lực khác nhau trang xã hội đang không ngừng đấu tranh mưu cầu lợi ích riêng cho phe nhóm của mình sẽ đoàn kết lại đề cùng toàn xã hội vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Mỗi người cụ thể trước khó khăn sẽ nỗ lực nhiều hơn trong việc hoàn thiện bản thân, nhân cách, kỹ năng nghề nghiệp và trở thành những con người có ích hơn cho gia đình và xã hội.

Hồ Bá Tình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.