Trên thế giới, các start-up quy mô lớn đều tập trung chủ yếu ở lĩnh vực công nghệ. Còn ở Việt Nam, điều gì cần để tạo ra những start-up kỳ lân?

Cách đây 4 năm, VNG từng được định giá 1 tỷ USD

Nhìn ra quốc tế

Grab, ứng dụng gọi xe công nghệ của Singapore hiện được định giá khoảng 10 tỷ USD sau 6 năm hoạt động. Với Uber, một ứng dụng tương tự, được định giá khoảng 72 tỷ USD. Go-Jek - ứng dụng gọi xe khác từ Indonesia, thành lập từ năm 2010 nhưng hoạt động bùng nổ từ năm 2015 đến nay, cũng đã có mức định giá khoảng 5-6 tỷ USD…

Các doanh nghiệp này đều được một số nhà đầu tư có tên tuổi trên thế giới sẵn sàng đầu tư vốn lớn, dù hoạt động kinh doanh lỗ, thậm chí lỗ lớn.

Đó là trong lĩnh vực gọi xe. Nhìn rộng ra, những doanh nghiệp khởi nghiệp lớn nhất trên thế giới tính đến thời điểm này đều ít nhiều liên quan đến công nghệ.

Amazon - start-up về thương mại điện tử thành lập từ giữa năm 1994, cũng đã trở thành công ty nghìn tỷ USD ngay sau khi Apple (thành lập năm 1976) là doanh nghiệp nghìn tỷ USD. Airbnb chỉ mới thành lập tròn 10 năm, cũng đã được định giá 31 tỷ USD, hoặc

Facebook, Alibaba…, những cái tên quá quen thuộc ngày nay, có định giá hiện tại là tương ứng là 465 tỷ USD và 427 tỷ USD…

Trong khi đó, tại Việt Nam, Tập đoàn Viettel - thương hiệu lớn nhất tại Việt Nam, dù chưa có định giá cả Tập đoàn, nhưng định giá thương hiệu chỉ 2,5 tỷ USD vào cuối năm 2017. CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) định giá thương hiệu khoảng 2,2 tỷ USD, giá trị Công ty tính đến tháng 9/2018 mới xấp xỉ 10 tỷ USD…

Định giá doanh nghiệp niêm yết quy mô vốn hoá lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện chưa tới 15 tỷ USD (tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán hiện khoảng 180 tỷ USD).

Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng trên thế giới không ít những doanh nghiệp nhanh chóng đạt được định giá hàng tỷ USD, lớn hơn rất nhiều những doanh nghiệp có quy mô tầm cỡ tại Việt Nam, là một câu chuyện cho thấy, start-up lĩnh vực công nghệ có thể là con đường ngắn cho các doanh nghiệp Việt có khát vọng lớn nhanh trong tương lai.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đang phát triển với nền tảng thấp, thiếu nhiều nền tảng nếu so với các nước tiên tiến.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đây không phải là rào cản của Việt Nam.

"Nó giống như một bước ngoặt, nơi tương lai không phải là sự nối tiếp với những gì đã xảy ra. Điều đó có nghĩa là các nước đang phát triển, vốn không có thành tựu từ những cuộc cách mạng công nghiệp trước sẽ không phải chịu những gánh nặng trên vai, giúp họ đi nhanh hơn", Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Cần môi trường chắp cánh cho các start-up nội

Những ngày gần đây, cuộc đổ bộ của Go-Jek vào Việt Nam với thương hiệu Go-Việt đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Con số 35% thị phần xe ôm công nghệ và 1,5 triệu lượt cài ứng dụng mà Go-Việt đạt được chỉ sau 6 tuần vào TP. HCM cho thấy sức mạnh của đơn vị này khi tiến vào Việt Nam, tạo nên cuộc chiến tại thị trường Việt Nam ở dịch vụ gọi xe công nghệ dường như chỉ có 2 màu là màu đỏ (G-Việt) và màu xanh (Grab).

Nhìn lại một vài năm trước khi chưa có sự tham gia của Go-Jek, cuộc chiến đó chủ yếu là sân chơi của Grab và Uber.

Những ứng dụng Việt Nam như Vato, Vinasun, Mai Linh, FastGo… có phần trầm lắng và lép vế hơn rất nhiều.

Ngoài yếu tố công nghệ là nền tảng, vấn đề quyết định “độ bền” trong cạnh tranh là năng lực tài chính. Go-Việt đạt được sự bùng nổ tại TP. HCM phần lớn nhờ chiến dịch đồng giá cước 5.000 đồng/cuốc và chính sách hỗ trợ tài xế đảm bảo mức thu nhập 30.000 đồng/cuốc, cùng chính sách thưởng khi đáp ứng yêu cầu về số chuyến.

Cuộc chiến dành thị phần của Go-Việt cũng được Grab đáp trả bằng chính sách hỗ trợ khách và thu hút lái xe ngược trở lại. Trong khi đó, các ứng dụng gọi xe nội vẫn phản ứng khá yếu ớt, với một phần nguyên nhân đến từ việc các doanh nghiệp còn non trẻ và năng lực tài chính thấp.

Tại sao các hãng xe ngoại có thể “vung” tiền ra để chiếm thị phần? Trong khi các ứng dụng ngoại huy động số tiền hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD sau mỗi lần gọi vốn, thì ở Việt Nam, việc Phương Trang đầu tư 100 triệu USD vào Vivu (sau đổi tên Vivu thành Vato) hay VinaCapital Ventures và các đối tác Ethos Partners, Insignia Venture Partners đầu tư 1,75 triệu USD vào Logivan, hơn 3 triệu USD vào FastGo... đang được coi là những con số ấn tượng của ngành.

Vậy điều gì sẽ chắp cánh cho các start-up nội?

Ngoài hướng đi tạo sự khác biệt, có lẽ, điều các start-up cần là một môi trường thuận lợi để họ đi lên.

"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không quá nặng nề về công nghệ, mà là về chính sách. Các nước đang phát triển, vốn không có hệ thống khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ, đồng nghĩa với việc họ linh hoạt hơn trong việc đón nhận những chính sách mới để thích nghi với những công nghệ mới. Như vậy, các nước đang phát triển có lợi hơn", Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Trong khi môi trường và khuôn khổ pháp lý hỗ trợ các start-up Việt đang được định hình thì với các nhà đầu tư mạo hiểm, họ chia sẻ mong muốn, chính sách thuế khi đầu tư vào các doanh nghiệp start-up phải được ưu đãi nhất.

“Chính sách hỗ trợ về thuế là một trong những động lực giúp nhà đầu tư sẵn sàng hơn trong đầu tư vào lĩnh vực mới đầy rủi ro”, lãnh đạo một quỹ đầu tư mạo hiểm chia sẻ.

Với những người khởi nghiệp, điều họ cần nhất là một hệ sinh thái hỗ trợ sáng tạo và ươm mầm cho các ý tưởng sáng tạo được triển khai trong thực tế. Đây là việc Việt Nam đã có định hướng xây dựng, nhưng chưa biết bao giờ mới hoàn thiện cấu phần này.

“Các nhà lãnh đạo Indonesia hy vọng đất nước này sẽ thành một điểm nóng của sự đổi mới trong khu vực và đặt kế hoạch tạo ra 1.000 công ty khởi nghiệp công nghệ cao có giá trị 10 tỷ USD vào năm 2020", Reuters ngày 6/9/2018 thông tin khi nói về kế hoạch tạo ra sàn niêm yết riêng cho các doanh nghiệp start-up tại Indonesia, bao gồm cả kỳ vọng khả năng IPO của Go-Jek.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện mới có VNG - doanh nghiệp chuyên về game online và đã mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ khác, từng được coi là start-up kỳ lân, khi năm 2014 được định giá 1 tỷ USD.

Doanh nghiệp start-up lĩnh vực công nghệ lớn thứ 2 là Yeah1, mới được nhà đầu tư ngoại chấp nhận mức giá 400 triệu USD. Con đường để đạt đến những start-up tỷ USD của Việt Nam đang rộng mở phía trước, nhưng muốn có kết quả, trước hết, Nhà nước cần có môi trường ươm mầm cho các giá trị lớn lên.

Hoàng Hương (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.