Từ chối công việc vào cơ quan nhà nước được "rải thảm đỏ", Hiếu tìm về quê người yêu, vùng cát trắng xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam mở trang trại nuôi thỏ.

Vương Đình Hiếu (SN 1990 ở đường Trưng Nữ Vương, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đang ngồi trên ghế giảng đường đại học đã được gia đình “rải thảm đỏ” đưa vào một cơ quan nhà nước làm việc sau khi tốt nghiệp. Thế nhưng, Hiếu từ bỏ tất cả, tìm về quê người yêu, vùng cát trắng xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam mở trang trại nuôi thỏ.

Giám đốc, kiêm bác sĩ thu ý Vương Đình Hiếu

Tìm lối đi riêng Hẹn hò mãi, cuối cùng tôi được gặp Vương Đình Hiếu tại trang trại nuôi thỏ mới thành lập tại xã Điện Nam Trung (Điện Bàn, Quảng Nam). Đấy là trại thỏ thứ 3 vừa được hoàn thành, tổng tiền đầu tư hết 700 triệu đồng. Hiếu phân bua: “Anh thông cảm, đợt này em nhiều việc quá, nên không có thời gian rảnh.

Sau chuyến đi Lào dài ngày tìm kiếm thị trường xuất khẩu, về lại Quảng Nam liền đi vào Quảng Ngãi xong thì ra Thừa Thiên - Huế… gặp bạn hàng và dạy bà con nông dân phát triển mô hình nuôi thỏ”.

Dẫn tôi tham quan trại thỏ, Hiếu kể, anh xuất thân trong một gia đình 6 người con, trước Hiếu là 5 chị gái. Hiếu là con trai một nên được gia đình nuông chiều. Mẹ Hiếu làm chủ xưởng đồ thủ công mỹ nghệ, sau chuyển qua buôn bán. Cha làm cán bộ nhà nước, cuộc sống gia đình thuộc diện khá giả. 5 người chị gái, tốt nghiệp đại học đều làm kế toán ở các Cty, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Tuổi nhỏ, Hiếu không thiếu thốn một thứ gì, thích gì là được đáp ứng ngay. Cuộc sống chỉ biết ăn học, không đụng tay, đụng chân đến một công việc nào.

Năm 2012, Hiếu tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. Lúc này, cha mẹ và các chị đã nhắm xin việc vào một cơ quan nhà nước. Thế nhưng, Hiếu không chịu. Hiếu tìm về quê người yêu là Mai Thị Lê (SN 1990, ở thôn Đông Trác, xã Bình Nam, Thăng Bình, Quảng Nam). Lê học ngành Tài chính - Ngân hàng, cùng trường với Hiếu. Đôi bạn trẻ ngỏ lời với ông Mai Thanh Chiến, cha của Lê về ý định mở trang trại nuôi thỏ. Lời nói chưa dứt, Hiếu - Lê đã “ăn” ngay “một gáo nước lạnh”. Ông Mai khứơc từ lời đề nghị và bảo: “Ba đầu tư tiền của cho ăn học, mong con có việc làm ở thành phố, ai lại học xong trở về quê nuôi thỏ. Thôi xin hai đứa dừng ngay ý tưởng điên rồ này lại”.

Cũng chẳng khác gì gia đình Lê, gia đình Hiếu kịch liệt phản đối. Còn đám bạn nghi ngờ Hiếu bị điên, bị khùng, cuộc sống “công tử” không chịu hưởng thụ, ai lại đi làm nông.

Đôi bạn trẻ Vương Đình Hiếu - Mai Thị Lê

Mặc kệ mọi người dèm pha, Hiếu - Lê vay mượn được 300 triệu đồng. Tất vả số tiền nay đầu tư vào trang trại, còn dư được 50 triệu đồng, hai người ra Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Viện Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT) để mua 50 con thỏ giống New Zeland.

Trên đường vận chuyển bằng xe khách, gần một nửa thỏ bị chết, số thỏ còn lại nuôi được chừng 15 ngày lại chết gần hết. Không nản chí, Hiếu ra Đà Nẵng vay nóng 30 triệu đồng, với lãi suất tới 20%/tháng. Lần này, Hiếu mua 50 con thỏ loại nhỏ hơn ban đầu. Hết tiền mua thức ăn, Hiếu tìm đến các đại lý ký cam kết mua chịu và thanh toán dần. Tưởng đã thuận đường, ai ngờ đợt nắng lịch sử năm 2013, chỉ trong một tuần đàn thỏ lăn đùng ra chết vì bệnh cầu trùng.

Cha mẹ và 5 người chị của Hiếu vào thuyết phục: Nếu Hiếu bỏ nuôi thỏ về Đà Nẵng làm việc thì thích cái gì, các chị chiều cái đó. Xe máy đắt tiền, điện thoại xin, máy tính tốt… sẽ mua cho. Đặc biệt không những Hiếu có việc làm, mà Lê cũng vậy.

Nhưng Hiếu lắc đầu, quyết tâm bám trụ vùng đất cát để nuôi thỏ. Hết đường vay mượn, hai người lên kế hoạch, Hiếu tiếp tục chăm sóc 15 con thỏ còn sống sót, còn Lê rời trại ra Đà Nẵng làm gia sư kiếm tiền. Số tiền của Lê làm ra thì tiếp tục đổ vào nuôi thỏ.

Thu hơn 1 tỷ đồng/năm

Gắn bó gần 3 năm với thỏ, Hiếu “công tử bột” ngày nào có làn da trắng như trứng gà bóc, ăn chơi cùng đám bạn nay đã lột xác hoàn toàn. Hiếu trở thành giám đốc, thầy dạy nuôi thỏ cho bà con nông dân, kiêm bác sĩ thú y với làn da đen sạm. Từ trang trại thỏ ban đầu tại xã Bình Nam nuôi 150 thỏ mẹ, nay Hiếu thêm 2 trại thỏ khác. Trong đó, trại thỏ tại huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi có tổng diện tích gần 4.000 m2, nuôi 500 con thỏ mẹ và trang tại ở xã Điện Nam Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam với diện tích 2.500 m2, nuôi 300 con thỏ mẹ.

Cả 3 trang trại thu hút hơn 10 lao động, với mức thu nhập 3,5 - 4 triệu đ/tháng. Hiếu hạch toán một cách dễ hiểu: Một con thỏ mẹ đẻ 5 - 7 lứa/năm, mỗi lứa 4 - 9 con. Thỏ 3 tháng tuổi nặng khoảng 2,3 - 3 kg và có thể giết thịt. Thức ăn của thỏ đơn giản là rau, cỏ và bột. Đầu năm 2014, Hiếu thành lập Cty TNHH MTV Thực phẩm Chiến Huy, với mong muốn sẽ "chiến thắng huy hoàng".

Hiếu làm giám đốc chuyên phụ trách chăn nuôi và còn được các xã, huyện mời giảng dạy cho người dân nuôi thỏ. Còn Lê, chức vụ phó giám phụ trách giao dịch với khách hàng. Hai bạn trẻ Hiếu - Lê có dự định cuối năm nay tổ chức đám cưới nên duyên vợ chồng.

Với giá thỏ hiện nay là 80.000 - 140.000 đ/kg, mỗi năm, trừ chi phí một thỏ mẹ có thể mang về lợi nhuận cho người nuôi từ 1,1 - 1,5 triệu đồng. Tính ra, 950 con thỏ mẹ, đôi bạn trẻ Hiếu - Lê thu về hơn 1 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, với phương thức lấy ngắn, nuôi dài nên có được khoản thu nhập nào, Hiếu tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi thỏ.

Đã làm chủ 3 trại thỏ, nhưng Hiếu vẫn chưa hài lòng, mới đây Hiếu đã thuê được 4 ha đất ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng mở trang trại nuôi thỏ kết hợp phát triển du lịch sinh thái. “Ở nước ngoài, mô hình này phát triển nhiều, bởi càng ngày, con người thích gần gũi với thiên nhiên”, Hiếu đánh giá.

Theo tính toán của Hiếu, việc mở rộng nuôi thỏ chắc chắn sẽ phát triển. Tôi ngắt lời, nhưng đầu tư vào nông nghiệp, đầu ra rất khó khăn. Nghe tôi nói vậy, Hiếu khẳng định: “Em đã có định hướng thì mới dám làm, số thỏ em nuôi, chắc chắn sẽ có chỗ tiêu thụ. Trước đây, thỏ chủ yếu cung cấp cho siêu thị, nhưng nguồn này chẳng được bao nhiêu. Mới đây, em mở rộng thị trường cung cấp cho các khách sạn, resort... Đơn cử như một khách sạn 4 sao tại Đà Nẵng, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 100 con thỏ, trong khi đó, TP này có đến hàng chục khách sạn.

Ngoài ra, TP Hội An, Huế, Quảng Ngãi nhiều lắm… Mới đây em qua nước bạn Lào tìm kiếm thị trường và có nhiều nơi đặt hàng với số lượng lớn, sẽ có hàng ngàn con thỏ được xuất khẩu. Chưa kể đến việc đã không ít lần Cty Nippon Zoki Nhật Bản đặt vấn đề cung cấp thỏ để sản xuất thuốc với số lượng lớn, tuy nhiên số thỏ mấy trang trại của em còn ít nên từ chối”.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, trong những năm qua, Hiếu liên kết với bà con phát triển chăn nuôi. Có thời điểm, Hiếu bắt tay với 100 hộ từ Quảng Ngãi ra đến Thừa Thiên- Huế. Người dân nuôi, Hiếu lo đầu ra cho bà con.

Tuy nhiên, cách làm này cũng đã cho Hiếu nếm phải “trái đắng”. Có thời điểm, giá thỏ lên cao, trong khi ký hợp đồng với siêu thị vẫn giữ nguyên. Thấy vậy, bà con bán cho thương lái, khiến Hiếu không có thỏ cung cấp cho siêu thị, hợp đồng đổ vỡ.

Đắc Thành (NNVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.