Google vừa có chế tài buộc Youtuber có doanh thu tại các nước phải kê khai thuế, nếu không, có thể bị trừ tới 24% tổng thu nhập.

Thông báo từ Google vừa cho biết, tất cả người sáng tạo (Youtuber) tham gia Chương trình Đối tác YouTube đều phải gửi thông tin thuế cho Google, không phân biệt vị trí cư trú, bất kể có kiếm được doanh thu từ người xem ở Mỹ hay không. Thông tin thuế bao gồm các thông tin của Youtuber, làm cơ sở để cơ quan thuế các nước xác định được mức thu nhập và đóng thuế.

Google cho hay, sớm nhất từ đầu tháng 6/2021 có thể bắt đầu khấu trừ thuế tại nguồn thu nhập (khấu lưu thuế) của các Youtuber kiếm được từ người xem tại Mỹ. Theo luật thuế của Mỹ, khấu lưu thuế tức là thuế được khấu trừ tại nguồn trên các khoản doanh thu bạn nhận được.

Nếu có doanh thu người xem tại Mỹ, Youtuber phải kê khai thuế (gửi thông tin thuế qua Google), tỷ lệ khấu trừ từ 0% đến 30% trên thu nhập được tạo ra từ người xem ở Mỹ, tùy thuộc vào việc quốc gia đó có hiệp định thuế với Mỹ hay không. Nếu không gửi thông tin thuế trước 31/5, Youtuber có thể bị trừ thuế đến 24% tổng thu nhập của họ trên thế giới (chứ không phải chỉ phần thu nhập tạo ra từ người xem Mỹ).

Với loại tài khoản AdSense doanh nghiệp, tỷ lệ trừ thuế mặc định là 30% doanh thu ở Mỹ nếu người nhận thanh toán ở ngoài nước này. Còn các tài khoản AdSense cá nhân sẽ bị áp dụng tỷ lệ khấu lưu thuế dự phòng 24% với tổng thu nhập trên toàn thế giới.

Cụ thể, một Youtuber ở Ấn Độ - nước có hiệp định thuế với Mỹ - kiếm được 1.000 USD trên YouTube trong một tháng, trong đó, có 100 USD doanh thu đến từ người xem tại Mỹ. Nếu Youtuber này gửi thông tin thuế, yêu cầu được hưởng quyền lợi theo hiệp định, sẽ chỉ bị khấu trừ thuế 15 USD vì Mỹ và Ấn Độ có một hiệp định thuế giúp giảm thuế suất xuống còn 15%.

Ngược lại, nếu không gửi thông tin, người này sẽ bị khấu trừ 24% tổng doanh thu có được từ tất cả các nước (không chỉ Mỹ), tức sẽ bị trừ 240 USD.

Tham khảo ví dụ theo bảng sau:

Google giải thích việc gửi thông tin thuế tại Mỹ cũng sẽ giúp xác định đúng tỷ lệ khấu lưu cho đối tác trong trường hợp kiếm được doanh thu từ người xem ở Mỹ trong tương lai.

Youtuber ở Việt Nam sẽ như thế nào?

Chia sẻ với VnExpress, một lãnh đạo của Tổng cục thuế cho biết, Việt Nam đã có hiệp định với Mỹ từ năm 2014 nhưng tới nay vẫn chưa được Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Mỹ xem xét. Do đó, hiệp định này vẫn chưa có hiệu lực chính thức.

Như vậy, nếu Youtuber ở Việt Nam, cũng có doanh thu 1.000 USD một tháng, trong đó có 100 USD tạo ra từ người xem ở Mỹ, sẽ phải chịu mức thuế suất khấu trừ là 30% (tức 30 USD). Còn nếu Youtuber này không nộp thông tin thuế cho Google, sẽ bị khấu trừ 24% của doanh thu tổng 1.000 USD (được tạo ra trên toàn thế giới).

Lãnh đạo của Tổng cục thuế cũng cho biết thêm, các diễn đàn quốc tế lâu nay đã nhiều lần kêu gọi các nền tảng hỗ trợ cơ quan thuế trong việc quản lý thuế cá nhân, doanh nghiệp. Động thái mới nhất của Google cho thấy thiện chí của họ trong việc sẵn sàng hợp tác với các chính phủ để thu thuế người có thu nhập từ nội dung số.

Tại Việt Nam, theo quy định của Nghị định 126, người Việt có thu nhập từ nội dung số sẽ phải đóng mức thuế khoảng 7%.

Anh Tú - Quỳnh Trang (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.