Không đậm đặc như một số phiên thảo luận ở các diễn đàn trước, song nỗi lo từ “yếu tố Trung Quốc” với hội nhập và phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam vẫn xuất hiện trong Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2015, vừa diễn ra tại Thanh Hóa.
“Hội nhập của Việt Nam khó nhất là bài toán với Trung Quốc”.
Trung Quốc biến động, Việt Nam bị động
Ở phiên thảo luận sáng 27/8, chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Thuấn nhận xét, cải cách bên trong của Việt Nam chưa theo kịp hội nhập.
Theo ông, thế giới biến đổi rất nhanh, thay đổi không ngừng, mà yếu tố đầu tiên thay đổi ghê gớm chính là Trung Quốc.
Nước này sau 40 năm cải cách, mọi chính sách hiện giờ đang tập trung để thực hiện giấc mộng Trung Hoa và với tiềm lực kinh tế mạnh như hiện tại, mục tiêu tham gia và điều tiết cuộc chơi của Trung Quốc với toàn thế giới là hiện thực.
Trung Quốc đang từng bước thực hiện chiến lược đó, từ việc quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ, chiến lược chiếm lĩnh, thống trị các vùng biển, thiết lập một hành lang - một con đường…
Vị chuyên gia này cũng nêu một thực tế là Việt Nam với Trung Quốc thì quan hệ phát triển nhanh đi liền với thâm hụt thương mại cũng tăng rất nhanh, đi liền với việc phụ thuộc vào nền kinh tế của nước này.
Từ đó, mỗi biến động của Trung Quốc đều làm hoạt động điều hành kinh tế của Việt Nam bị động.
Điều chỉnh tỷ giá, việc thị trường chứng khoán nước này chao đảo vừa qua… tạo áp lực rất lớn cho Việt Nam, theo ông, chính là minh chứng rất cụ thể.
Nếu không tính đầy đủ đến yếu tố Trung Quốc, Việt Nam thực sự còn phụ thuộc và bị động nhiều, ông Thuấn nhấn mạnh.
Phải biết tận dụng sự phát triển của Trung Quốc, nhưng phải tạo được sự khác biệt so với Trung Quốc, là quan điểm từng được nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển bày tỏ tại diễn đàn trước.
Đăng đàn lần thứ hai ở diễn đàn này, ông Tuyển so sánh câu chuyện của Việt Nam với Trung Quốc giống như cuộc khủng hoảng nợ công đang xảy ra tại châu Âu, bắt đầu từ mối bất ổn của một vùng lãnh thổ nhỏ bé là đảo Cyprus.
Quốc đảo này chỉ chiếm tỷ lệ 0,2% trong GDP của Liên minh Châu Âu (EU), nhưng vấn đề phát sinh từ đây khiến kinh tế cả EU chao đảo.
Cho nên, một nền kinh tế lớn như Trung Quốc, đóng góp 23% tăng trưởng toàn cầu mà chao đảo, thì tác động đến toàn thế giới, trong đó Việt Nam sẽ chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất, ông Tuyển lo ngại.
Hướng về bàn chủ tọa, ông Tuyển nói, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu (thời đó đang là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) từng khốn khổ để phản ứng chính sách tiền tệ khi có khủng hoảng. Giờ thì lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đang rất vất vả để phản ứng chính sách khi nền kinh tế Trung Quốc thay đổi.
“Ông WTO” cũng chia sẻ nỗi lo nhất của mình là khả năng phản ứng chính sách phụ thuộc rất lớn vào môi trường, không gian vận hành chính sách.
Và với bộ máy hiện hành, khó vận hành được một cách hiệu quả vì toàn bộ nguồn thu tạo ngân sách tạo ra được chỉ đủ lo để trả lương, trả nợ, chưa dùng để đầu tư phát triển được đáng bao nhiêu, tiền đầu tư đều phải đi vay.
Trong bối cảnh đó, người làm chính sách có giỏi đến mấy cũng không có không gian để vận dụng, phản ứng chính sách.
“Khó nhất là bài toán với Trung Quốc”
Một vấn đề nữa được chuyên gia Trương Đình Tuyển nhấn mạnh là, nếu Trung Quốc phát triển trong hoà bình, ổn định, hữu hảo và đóng góp tích cực với thế giới thì việc phát triển của nước này rất có lợi cho Việt Nam và Việt Nam cần khai thác lợi thế đó.
Thực tế, trong một thời gian đủ dài, Việt Nam có thể lợi dụng sự dịch chuyển của Trung Quốc theo mô hình “đàn bướm bay”, con bay trước lên vị thế mới thì con bay sau có thể thế vào vị trí vừa bỏ ngỏ. Sự phát triển của ngành dệt may, da giày Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn cả Trung Quốc là một dẫn chứng.
Tuy nhiên, không lấy gì đảm bảo được về cách thức phát triển tích cực, hoà hảo hay không của nước này, ông Tuyển nhìn nhận.
Thêm một lần nhấn mạnh nhất định phải tìm hướng đi khác Trung Quốc, ông Tuyển cho rằng nếu cứ tiếp tục phát triển bằng nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, công nghệ Trung Quốc… thì vẫn không thể làm gì vì chi phí sản xuất của họ quá thấp, họ có thị trường chủ động mà Việt Nam không thể cạnh tranh.
“Hội nhập của Việt Nam khó nhất là bài toán với Trung Quốc. Khi mà công nghệ lạc hậu, hàng hóa thừa họ chuyển sang ta, còn ta thì dễ dàng nhập và sử dụng thì liệu có phát triển được không?”, đây là câu hỏi được TS. Trần Đình Thiên đặt ra đầy lo lắng.
Điều hành phiên thảo luận buổi chiều, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề cập yếu tố Trung Quốc.
“Việt Nam cần phải cao hơn bên cạnh người bạn Trung Quốc rất to” là hình ảnh được ông Vũ Tiến Lộc ngụ ý về sự cần thiết xây dựng định hướng phát triển khác biệt, thoát sự lệ thuộc vào Trung Quốc của nền kinh tế Việt Nam".
Nguyên Vũ (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.