Năm 2016, kinh tế Việt Nam có nhiều biến động, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không đạt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên, doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó và duy trì sự phát triển.

Bên cạnh một số ngành không đạt tăng trưởng như kế hoạch, vẫn có những điểm sáng duy trì sự lạc quan cho nền kinh tế.

Ngành bán lẻ: doanh nghiệp nội trước sự lấn sân của khối ngoại

Các thương vụ mua bán sáp nhập đình đám của năm 2016 đều liên quan đến ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng. Năm qua, khối ngoại đã tăng tốc chiếm lĩnh thị phần ngành bán lẻ qua việc thâu tóm kênh bán lẻ hiện đại. Các tập đoàn Thái Lan mua lại 2 hệ thống siêu thị hàng đầu Việt Nam là Metro và Big C, trong khi doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh mở rộng kênh cửa hàng tiện lợi và các trung tâm thương mại phức hợp. Theo ghi nhận của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài hiện đang chiếm hơn 50% thị phần kênh bán lẻ hiện đại.

Sự lấn át của khối ngoại với dịch vụ chuyên nghiệp, quản trị bài bản đang đặt các doanh nghiệp trong nước vào thách thức để tồn tại. Còn hạn chế về tài chính, trình độ quản trị, dịch vụ khách hàng… doanh nghiệp bán lẻ nước ta cần nỗ lực nhiều hơn để cạnh tranh.

Với các nhà sản xuất, khi hệ thống phân phối nằm trong tay nước ngoài, hàng hóa của doanh nghiệp sẽ khó xâm nhập. Vì thế, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, lấy được niềm tin của người dùng, doanh nghiệp sản xuất cần tăng cường hợp tác với nhà phân phối để tạo thành một cộng đồng đủ sức cạnh tranh.

Năm qua, xu hướng hợp tác tăng cơ hội cho hàng Việt đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện, như Vingroup bắt tay với 250 doanh nghiệp sản xuất nội, FPT bắt tay với Vinamilk, Saigon Co.op đã tiến hành những cuộc gặp gỡ với nhà sản xuất trong nước…

Sắp tới, nhà nước cần có những chính sách ưu đãi hợp lý, để tránh tình trạng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước nhưng thực chất là hỗ trợ cho nước ngoài như thời gian qua.

Nông – lâm – thủy sản gặp khó, dệt may tăng trưởng thấp kỷ lục

Tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường khiến nhóm ngành nông – lâm – thủy sản, vốn là thế mạnh xuất khẩu nước ta, đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 6 năm qua.

Trong khi đó, dệt may cũng có một năm đầy khó khăn khi nhu cầu của thế giới giảm và sự cạnh tranh về giá của các nước gia công trong khu vực. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may năm 2016 chỉ đạt 5,2%, thấp nhất trong 10 năm gần đây. Các nhà nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu đang chuyển hướng từ Việt Nam để tìm đến thị trường có lao động, thuế quan rẻ hơn như Bangladesh, Myanmar hay Campuchia.

Thực tế này cho thấy, đã đến lúc doanh nghiệp nhóm ngành này cần thay đổi tư duy làm ăn, làm thế nào để tạo ra sản phẩm chất lượng thay vì chạy theo số lượng, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, hạn chế những tổn thương từ tác động của môi trường và cả thị trường.

Khởi nghiệp ấn tượng với số doanh nghiệp mới tăng kỷ lục
Thông điệp về một quốc gia khởi nghiệp được Chính phủ nhấn mạnh tháng 5/2016 cùng với những cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho các startup đã tạo động lực cho phong trào khởi nghiệp. Năm 2016 là năm có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất kể từ năm 2013, với khoảng 110.000 doanh nghiệp mới thành lập. Sau 11 tháng, cả nước có hơn 24.500 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng gần 32% so với cùng kỳ.

Năm qua, các giải pháp chính phủ đã và đang đưa ra nhằm xây dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp đã phát huy tác dụng khi thu hút nguồn vốn mạnh mẽ từ các nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần...

Dù vậy, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay tuy đông nhưng chưa thật sự mạnh, thiếu những đầu tàu đủ sức dẫn dắt thị trường, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy và nỗ lực nhiều hơn để phát huy tinh thần sáng tạo và khát vọng làm chủ “sân nhà”, vươn ra thế giới.

Hoạt động cố vấn khởi nghiệp, với sự dẫn dắt của các chuyên gia, lãnh đạo từ các doanh nghiệp nổi lên trong năm qua sẽ là một nét mới giúp các startup có bước khởi đầu vững chắc hơn.

Điểm sáng từ bất động sản

Năm 2016, dù tăng trưởng chững lại nhưng bất động sản đánh dấu một năm phát triển ấn tượng với số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng, lượng căn hộ giao dịch tương đương với năm 2015. Những con số khả quan này cũng giúp nhiều tên tuổi trong ngành lọt vào top 10 gương mặt giàu nhất sàn chứng khoán năm nay.

Theo dự báo, thị trường bất động sản năm 2017 vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng nhưng lệch pha cung – cầu là vấn đề cần phải điều chỉnh. Hiện nay, đang có xu thế nghiêng về phân khúc cao cấp, trong khi phân khúc có giá vừa túi tiền mới là nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình – thấp.

Bên cạnh đó, để bất động sản phát triển lành mạnh, cần xây dựng hệ thống dữ liệu minh bạch, đầy đủ và thông tin kịp thời để định hướng thị trường.

Hiện tượng Bitis

Những ngày cuối năm 2016, cái tên Bitis – thương hiệu giày của Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên – trở thành một hiện tượng được giới truyền thông và mạng xã hội quan tâm. Một thương hiệu lâu đời sau nhiều năm mờ nhạt trên thị trường nay đã trở lại với người tiêu dùng nhờ chiến lược thương hiệu thông minh, đánh vào lòng tự hào đối với các sản phẩm Việt.

Thoát khỏi vùng an toàn của một thương hiệu lâu đời, Bitis mạnh dạn xuất hiện trong video clip của những ca sĩ đang được giới trẻ yêu thích để quảng bá sản phẩm, mang đến một cái nhìn mới đối với thương hiệu. Bitis cũng vừa thành công mua bản quyền sản xuất giày trẻ em từ thương hiệu nổi tiếng quốc tế Disney.

Dù chiến lược của Bitis sẽ thành công hay chỉ dừng lại ở một hiện tượng, chiến lược này được đánh giá cao khi một thương hiệu Việt đã vượt khỏi sự cũ kỹ, lỗi thời để làm mới mình theo xu hướng thị trường.

Năm 2017, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia lạc quan về sự tăng trưởng và thu hút đầu tư, tuy nhiên, kết quả thế nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của chính phủ trong việc cải cách thể chế cũng như nỗ lực của chính các doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), mặc dù môi trường kinh doanh nước ta đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng so với các quốc gia khác còn khoảng cách rất xa. Hiện doanh nghiệp vẫn gặp phải hàng loạt khó khăn, từ tiếp cận nguồn vốn, lãi suất cao, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ, đến vướng mắc đủ loại thủ tục hành chính. Con số gần 65.000 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể trong 11 tháng qua đã khắc họa rất rõ nét những khó khăn này. Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được quyết liệt thực hiện trên thực tế, giảm bớt những khâu trung gian thì mới thực sự mang lại lợi ích.

Bích Tuyền (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Lùm xùm quanh chuyện làm ăn của gia đình Biden lan rộng

    Lùm xùm quanh chuyện làm ăn của gia đình Biden lan rộng

    22/10/2020 2:52 PM

    Báo The New York Post hôm 22-10 dẫn tuyên bố của ông Tony Bobulinski tiết lộ cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden “sẵn sàng và háo hức tham gia kế hoạch gia đình nhằm kiếm hàng triệu USD bằng cách hợp tác với một công ty Trung Quốc”.

  • Khi nào nên bàn chuyện kinh doanh trên sân golf?

    Khi nào nên bàn chuyện kinh doanh trên sân golf?

    16/04/2017 9:37 AM

    Mọi người đều biết rằng, các mối quan hệ kinh doanh thành công không chỉ diễn ra trong phòng họp. Chúng được nuôi dưỡng bằng những cuộc gặp gỡ không chính thức ở quán ăn, các sự kiện xã hội và khi chơi thể thao.

  • Vui buồn chuyện làm ăn năm 2016

    Vui buồn chuyện làm ăn năm 2016

    29/01/2017 7:16 PM

    Năm 2016, kinh tế Việt Nam có nhiều biến động, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không đạt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên, doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó và duy trì sự phát triển.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.