Đặt trong so sánh, đợt Chiếm trung tâm Hong Kong không hề có điểm tương đồng với đợt biểu tình Chiếm đóng Phố Wall, mặc dù tên trùng nhau, Tạp chí Fortune khẳng định.

Hai tháng trước khi đợt biểu tình tại Hong Kong diễn ra, bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới đã ra một thông cáo chung bất thường, cảnh báo các cuộc biểu tình hòa bình đòi dân chủ tại khu vực này sẽ “tác động tiêu cược và trầm trọng lên nền kinh tế”.

Công ty bị cuốn vào luồng xoáy chính trị

Thông cáo được đăng tải trên tờ nhật báo tiếng Trung hàng đầu tại Hong Kong, vẽ lên một bức tranh tối màu về cuộc biểu tình làm tê liệt thành phố: Đợt diễu hành sẽ làm rối loạn thị trường tài chính, đe dọa giới đầu tư và dẫn đến “những thảm họa về xã hội và kinh tế không thể đong đếm”.

Tình trạng đối đầu kéo dài có thể đẩy các tập đoàn đa quốc gia khỏi thành phố, gia tăng thất nghiệp và phá hoại lợi thế cạnh tranh của Hong Kong.

Người biểu tình tập trung tại quảng trường trung tâm.

Nhưng cuối cùng, mẩu thông cáo này lại bị coi như một thảm họa về truyền thông. Trên khắp các mặt báo Hong Kong, hàng loạt chuyên gia phân tích chĩa mũi dìu vào bốn công ty - Ernst & Young, KPMG, Deloitte và PricewaterhouseCooperhouse – vì “quỳ gối trước quyền lực”, cáo buộc lãnh đạo các công ty này đã quỵ lụy trước sức ép từ các công ty quốc doanh Trung Quốc, vốn là những khách hàng lớn nhất của họ.

Sự vụ này cho thấy tác hại khi những công ty quốc tế bị cuốn vào các vấn đề chính trị, cụ thể ở đây là mối quan hệ giữa Hong Kong và chính quyền trung ương Trung Quốc.

Tuy nhiên, nó cũng làm bật lên một thực tế quan trọng: Các nhà đầu tư và công ty đa quốc gia đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế thành phố, và họ vẫn muốn Hong Kong giữ chức năng cầu nối giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Cuộc biểu tình ô dù đã kéo dài sang tuần thứ hai nhưng các công ty nước ngoài tại Hong Kong đều "giữ mồm giữ miệng". Khi truyền thông trung ương Trung Quốc ra sức cáo buộc các “bàn tay đen” từ nước ngoài khuấy động tình hình rối ren tại Hong Kong, không một công ty nào muốn lên tiếng để tránh lọt vào "tầm ngắm”.

Lãnh đạo các tập đoàn quốc tế và quỹ tư nhân thừa nhận họ lo lắng với tình hình hiện tại tại Hong Kong. Tuy nhiên trong những ngày gần đây, các cuộc đối thoại với hàng chục nhà đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng, chuyên gia tài chính và lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp cho thấy bản thân họ không quan ngại vì các cuộc biểu tình. Trên thực tế, nhiều chủ doanh nghiệp cảm thấy phấn khích khi cư dân Hong Kong dám kiên quyết đứng lên đấu tranh đòi quyền tự chủ.

Chính cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Hong Kong cũng không mấy tin tưởng vào dự đoán cho rằng chỉ riêng cuộc biểu tình này đã có thể ảnh hưởng tới kinh tế toàn thành phố. Họ không cảm thấy sợ hãi hay phiền toái, chưa công ty nào thông báo kế hoạch rời Hong Kong trong thời gian tới.

Kịch bản xấu

Điều hiện khiến họ lo ngại nhất là khả năng cảnh sát Hong Kong có các biện pháp vũ lực để đàn áp biểu tình, hoặc tệ hơn là chính quyền Bắc Kinh điều động tới Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Những biện pháp cứng rắn như trên có thể sẽ dẹp yên đường phố và thị uy quyền lực của Bắc Kinh, nhưng giới doanh nhân lo ngại chúng có thể phân cực thành phố, khiến phần lớn cư dân Hong Kong trở nên phẫn uất, căm hờn và càng khó quản lý.

Một đợt trấn áp bằng vũ lực sẽ xói mòn niềm tin vào luật pháp, truyền thông tự do, hệ thống giáo dục mở và các yếu tố tinh túy khác cấu thành nên sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại Hong Kong. Nhiều lãnh đạo công ty đã lên tiếng cảnh báo việc giới trung lưu sở hữu hộ chiếu đôi và tài sản tại nhiều quốc gia sẽ bỏ Hong Kong ra đi.

Nhìn rộng ra, nếu cuộc biểu tình đòi dân chủ lần này bị đàn áp trong bạo lực, chính tương lai của Trung Quốc cũng sẽ gặp rủi ro.

Từ khi cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình mở cửa kinh tế Trung Quốc đón đầu tư nước ngoài trong những năm 1990, các công ty đã rót vốn và công nghệ vào Trung Quốc với niềm tin rằng Đại lục sẽ ngày càng khởi sắc, học tập được những ưu điểm từ Hong Kong, như hệ thống luật pháp thương mại minh bạch, tầng lớp trung lưu được trao nhiều quyền và tự do.

Ngược lại, một chiến dịch đàn áp sẽ phát đi tín hiệu trái chiều, cho thấy các lãnh đạo Trung Quốc có một tầm nhìn khác biệt, thay vì Đại lục học tập Hong Kong, thì giờ Bắc Kinh muốn Hong Kong trở nên giống Đại lục.

Thông điệp mạnh mẽ

Một lí do khiến các lãnh đạo công ty nước ngoài vẫn bình chân trước đợt Chiếm đóng trung tâm tại Hong Kong lần này vì họ không phải là tâm điểm của sự phẫn nộ. Người biểu tình tập trung để phản đối hệ thống chính sách chính trị của Trung Quốc, chứ không nhằm vào mô hình doanh nghiệp hay ngân hàng tư bản mang phong cách phương Tây.

Những người diễu hành đã bao vây trụ sở văn phòng chính quyền Hong Kong và tập trung tại một số khu vực mua sắm trong thành phố, nhưng bỏ qua sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong và các tòa nhà văn phòng công ty khác.

Đặt trong so sánh, đợt Chiếm đóng trung tâm Hong Kong không hề có điểm tương đồng với đợt biểu tình Chiếm đóng Phố Wall, mặc dù tên trùng nhau.

Lần này, những sinh viên đứng sau hàng rào chắn và các doanh nghiệp nước ngoài tại Hong Kong có nhiều mối quan tâm chung: Họ lo ngại các giá trị làm nên sức hấp dẫn của một trung tâm kinh doanh, tài chính mang tầm thế giới đang bị hủy hoại.

Thực tế khi được hỏi ý kiến về tính công bằng khi Bắc Kinh can thiệp vào cuộc bầu cử người đứng đầu chính quyền đặc khu dự kiến diễn ra năm 2017, hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp đều né tránh câu trả lời.

Nhưng kể cả vậy, rất nhiều trong số đó khẳng định cuộc biểu tình sẽ gửi đi một thông điệp tới chính quyền Bắc Kinh về giá trị và sự mong manh của công thức “một quốc gia, hai chế độ” vẫn phát huy tác dụng từ thời Hong Kong được trả về Trung Quốc năm 1997.

Trong trường hợp cuộc biểu tình hòa bình này tiếp diễn thêm nhiều tuần, nền kinh tế thành phố vẫn sẽ không bị chịu chấn động trong dài hạn.

Hong Kong từng trải qua nhiều giai đoạn bất ổn hơn thế, điển hình là cuộc khủng hoảng tài chính năm 1999 hay đại dịch SARS năm 2003, khiến chứng khoán và giá trị tài sản tại Hong Kong rơi tự do, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy. Nhưng Hong Kong phục hồi rất nhanh trong cả hai sự kiện.

Có còn quan trọng về mặt kinh tế?

Nhiều ý kiến cho rằng Hong Kong đã không còn quan trọng về mặt kinh tế với Trung Quốc. Xét trên quy mô, rõ ràng tầm quan trọng của Hong Kong đã suy giảm so với quá khứ. Cơ cấu GDP khu vực này so với Trung Quốc đã giảm từ 16% trong năm 1997 - năm Hong Kong về dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc - xuống còn 13% vào năm 2014.

Tính riêng trong năm 2013, GDP Hong Kong đạt 261 tỷ USD còn thấp hơn hai thành phố Trung Quốc là Thượng Hải, Bắc Kinh. Đến năm 2022, GDP thành phố này sẽ bị một số thành phố “hạng hai” của Đại lục vượt mặt như Quảng Châu, Thẩm Trấn, Thiên Tân, Trùng Khánh và Thành Đô.

Hong Kong cũng đã đánh mất sự thống trị về cảng biển khi một cảng vận chuyển dọc theo bờ biển phía Đông Trung Quốc vừa được khánh thành. Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong vẫn là sàn lớn thứ sáu trên thứ giới, nhưng giá trị vốn hóa thị trường chưa bằng tổng giá trị của hai sàn tại Thượng Hải và Thẩm Quyến.

Nhưng thực tế, không thể vội đưa ra đánh giá chỉ dựa trên con số về quy mô. Suy cho cùng, không một khu vực đơn lẻ nào có thể chi phối GDP Trung Quốc - quốc gia phát triển như vũ bão trong hai thập kỷ gần đây, với gần 200 thành phố có số dân hơn 1 tỷ người, cùng thu nhập không ngừng gia tăng.

Nhưng xét trong lĩnh vực tài chính, Hong Kong vẫn là một phần không thể thiếu của Trung Quốc. Trên một số khía cạnh, thậm chí vị thế của khu vực này còn được củng cố trong những năm gần đây.

Kể từ năm 2012, các công ty Trung Quốc đã huy động 43 tỷ USD từ hoạt động niêm yết trên thị trường Hong Kong, áp đảo so với khoản 25 tỷ USD huy động trên thị trường chứng khoán Đại lục, theo số liệu của công ty Dealogic.

Hơn bất cứ quốc gia nào khác, Hong Kong mang kênh tiếp cận thị trường trái phiếu và tín dụng quốc tế dồi dào tới cho các công ty Trung Quốc.

Thêm vào đó, Hong Kong cũng là tụ điểm đầu tư trong và ngoài Trung Quốc, chiếm 2/3 lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Trung Quốc trong năm 2013, tăng 30% so với năm 2005.

Hong Kong cũng là thị trường phát hành trái phiếu thanh toán bằng đồng nhân dân tệ ra nước ngoài lớn nhất Trung Quốc. Một chương trình sắp được khởi động sẽ lần đầu tiên cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc qua sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong.

Vì vậy, mặc cho các đầu báo trung ương Trung Quốc ra sức tô lên một kịch bản tối tăm cho Hong Kong sau biểu tình, với các nhà đầu tư tháo chạy sang Thượng Hải hay Singapore, thực tế, Hong Kong lại đang hấp dẫn quỹ đầu tư và công ty nước ngoài hơn bao giờ hết.

Lề Phương (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.