Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cung ứng linh kiện cho rằng các công ty Trung Quốc đang mất dần lòng tin với những nhà cung cấp của Mỹ.

Alex Lidow đã tham gia vào việc kinh doanh linh kiện và chất bán dẫn tại Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Lidow từng làm tại việc International Rectifier, công ty được thành lập bởi cha và ông của ông vào năm 1947.

Năm 2007, Lidow thành lập Efficient Power. Công ty của ông chuyên sản xuất chip quản lý năng lượng điện trong xe hơi và một số sản phẩm khác. Efficient Power đã có chỗ đứng khá vững chắc ở thị trường Trung Quốc, nhưng gần đây công ty gặp phải nhiều khó khăn từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Alex Lidow, Giám đốc điều hành của Efficient Power, cho biết các công ty Trung Quốc không còn tin tưởng vào nhà cung cấp Mỹ. Ảnh: New York Times.

Lidow là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực linh kiện và chất bán dẫn. Chia sẻ với New York Times, ông lo ngại rằng sau lệnh cấm vận với Huawei, các nhà sản xuất linh kiện Mỹ sẽ không còn được coi là đối tác đáng tin đối với nhiều công ty Trung Quốc.

Không còn như trước

“Với 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh này, tôi từng được xem là nhà cung cấp đáng tin cậy và bạn của nhiều công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, tất cả không còn như trước”, ông Lidow nói.

Đầu tháng 5, ông Donald Trump đã ra lệnh cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho Huawei với lý do an ninh quốc gia. Không lâu sau, chính phủ Mỹ đưa thêm 5 tổ chức gồm nhà sản xuất siêu máy tính Sugon, Học viện Công nghệ Điện toán Wuxi Jiangnan và 3 chi nhánh của Sugon vào danh sách đen.

Như một động thái trả đũa, Bộ Thương mại Trung Quốc lập danh sách đen vào cuối tháng 5, nhắm vào các công ty nước ngoài mà Bắc Kinh cho rằng có thể gây tổn hại cho lợi ích của những doanh nghiệp trong nước.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc xác nhận sẽ tạm “ngừng chiến”. Ông Trump tuyên bố đã đạt thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không áp mức thuế 25% lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại "ít nhất là trong thời điểm hiện tại".

Đồng thời, tổng thống Mỹ cho biết các công ty có thể giao dịch trở lại với gã khổng lồ viễn thông Huawei miễn là không liên quan tới thiết bị đe dọa an ninh quốc gia.

Chip và các thiết bị từ Mỹ sẽ không còn là lựa chọn hàng đầu của các công ty Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Căng thẳng giữa 2 bên đã tạm lắng xuống, tuy nhiên nhiều giám đốc cấp cao nhận định hậu quả mà cuộc chiến này để lại cho ngành công nghiệp linh kiện của Mỹ khó có thể hồi phục trong thời gian ngắn.

Một số ý kiến cho rằng các quan chức và công ty Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc phát triển, sản xuất chip trong nước. Trong khi đó, các khách hàng của họ sẽ chuyển nhà cung cấp sang các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

“Mỹ có nguy cơ bị trở thành lựa chọn cuối cùng đối với các công ty Trung Quốc”, Walden Rhines, Giám đốc điều hành của Mentor, nhận định.

Cái giá hợp lý?

Các nhà sản xuất chip lớn của Mỹ cũng phải thiệt hại đáng kể về tài chính từ sau lệnh cấm vận với Huawei. Micron Technology cho biết doanh thu trong quý gần nhất giảm 200 triệu USD.

Huawei hiện là khách hàng lớn nhất của Micron, chiếm khoảng 13% doanh thu. Broadcom, công ty sản xuất chip cho điện thoại thông minh và thiết bị mạng, cũng đưa ra dự báo sụt giảm khoảng 2 tỷ USD doanh thu cuối năm.

“Chúng ta sẽ sớm thấy các tác động rõ nét từ sự việc này. Nó sẽ ảnh hưởng trên phạm vi rộng”, Hock Tan, Giám đốc điều hành của Broadcom, cho biết.

Huawei chiếm 46% doanh thu trong năm 2018 của NeoPhotonics, một nhà cung cấp linh kiện thiết bị viễn thông. Gã khổng lồ Trung Quốc cũng chiếm 16% doanh thu của Semtech. Nếu mất đi khách hàng lớn như Huawei, việc kinh doanh của những công ty này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lidow dự đoán doanh thu từ Trung Quốc sẽ giảm 20% trong năm nay. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất chip của Mỹ cho biết doanh số bán ra cho các khách hàng ngoài Huawei đang tăng trưởng mạnh mẽ. Họ cũng kỳ vọng sẽ nhận được nhiều đơn hàng hơn từ các đối thủ của Huawei.

T. J. Rodgers, người sáng lập Cypress Semiconductor, nhận định ảnh hưởng từ cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ không kéo dài. Đồng thời, ông cũng cho rằng đó là cái giá hợp lý để Trung Quốc thực hiện các giao dịch với những công ty Mỹ công bằng hơn.

Lidow dự kiến doanh thu ban đầu của công ty tại thị trường Trung Quốc trong năm 2019 sẽ chiếm khoảng 70-80% tổng doanh thu. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, ông cho biết nó có thể giảm khoảng 20%.

Thế Anh (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.