Tổng thống Mỹ Trump có thể sử dụng chuyến thăm châu Á vào tháng 11 để thúc giục các nước tăng áp lực với Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP.
Ông Trump sẽ đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Hawaii ngày 3 - 14/11 nhằm trấn an các quốc gia về cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ an ninh và các mối quan hệ kinh tế trong khu vực. Tổng thống Mỹ sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam và Hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Nam Á tại Philippines.
Nhà Trắng cho biết tổng thống sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ kinh tế "công bằng và có đi có lại" với các đối tác thương mại của Mỹ và theo đuổi sự hỗ trợ quốc tế để đạt được việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên "hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược".
Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với SCMP rằng chủ đề Triều Tiên sẽ "phủ bóng chương trình nghị sự" với tất cả các nước Trump đến thăm và tại APEC.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng khi lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ đấu khẩu gay gắt trong tháng này. Các quan chức lo ngại Triều Tiên có thể có thêm các vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân vào ngày 10/10, ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên.
Theo Glaser, Mỹ có thể thảo luận với Nhật Bản và Hàn Quốc về các bước bổ sung cho hợp tác ba bên trong việc chống lại mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Nhưng bà cho rằng ít khả năng có đàm phán về khả năng tái triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ.
Với Trung Quốc, việc thúc giục nước này thực thi các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng của Liên Hợp Quốc có thể là một chủ đề quan trọng, Glaser nói.
"Việc Mỹ và Trung Quốc có thể tìm thấy tiếng nói chung về Triều Tiên hay không có thể là phép thử cho mối quan hệ", Lindsey Ford, giám đốc về chính sách an ninh tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á nói.
Chính sách kinh tế của chính quyền Trump ở châu Á chưa được đưa ra rõ ràng kể từ khi Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong số các điểm dừng ở châu Á của Trump, Nhật Bản và Việt Nam là hai nước ký TPP.
Derek Scissors, một chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói rằng chính sách thương mại của chính quyền Trump không mạch lạc, ngoài việc yêu cầu các đối tác mua thêm sản phẩm Mỹ và dọa hạn chế hàng nhập khẩu của họ.
"Sẽ rất hữu ích nếu Tổng thống nêu bật một số thực tiễn thương mại của đối tác mà chúng ta đánh giá cao cũng như những điều mà chúng ta muốn thấy họ thay đổi nhất. Nhưng hiện giờ ông ấy dường như chỉ tập trung vào kết quả thương mại chứ không phải là quá trình để dẫn đến những kết quả đó", Scissors nói.
David Lampton, giáo sư tại Đại học Johns Hopkins ở Washington nói rằng chính sách của Trump với Trung Quốc khá hỗn độn. Họ muốn Trung Quốc giúp đỡ trong vấn đề Triều Tiên nhưng Bắc Kinh và Washington cũng có rất nhiều bất đồng như các chuyến tuần tra tự do hàng hải của Mỹ tại Biển Đông, thuế quan với thép và nhôm, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với các tổ chức và cá nhân Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
"Thành thật mà nói, chính sách với Bắc Kinh của Washington khá lộn xộn, khiến nhiều người Mỹ, Trung Quốc và khu vực bối rối", Lampton nói.
Phương Vũ (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.