“Tôi thích mua, nhưng lại không thích bán”. Đó là lời lẽ của Masayoshi Son, ông chủ của tập đoàn viễn thông Nhật Bản Softbank, trước các cổ đông, sau khi công bố việc mua lại người khổng lồ thiết kế chíp di động ARM của Anh.

Tỷ phú Masayoshi Son chẳng bao giờ muốn để cho đồng tiền nằm chết dí một chỗ. Vì thế ông không ngừng chiếm lĩnh các doanh nghiệp với cái giá điên loạn, khiến các nhà phân tích tài chính không khỏi phải lo ngại. Hồi năm 2006, ông đã bỏ ra 13 tỷ USD mua lại chi nhánh Nhật Bản của Tập đoàn viễn thông Vodafone, lúc đó đang ở trong tình trạng thảm hại. Và ông đã thành công. Hiện nay, người đàn ông này không từ bỏ cơ hội nào để chế giễu những kẻ đã từng cay độc cho rằng ông sẽ thất bại nặng nề. Thật vậy, ông đã vực chi nhánh Vodafone Nhật Bản kiệt quệ ngày nào ăn nên làm ra, gia tăng lượng khách hàng như vũ bão và cạnh tranh cực tốt với các đối thủ như NTT Docomo và KDDI.

Masayoshi Son có đủ sự nhạy bén để phát hiện các công ty có tiềm năng thành công. Đó là việc ông sớm đầu tư vào Yahoo! Nhật Bản, một chi nhánh của Yahoo! Hoa Kỳ do ông nắm quyền điều hành. Và nó đã trở thành cổng mạng hàng đầu ở đất nước mặt trời mọc. Ngay từ năm 2000, ông đầu tư vào Alibaba, cổng mua sắm qua mạng của Trung Quốc, thu về những khoản tiền khổng lồ khi Alibaba chính thức tham gia thị trường chứng khoán. Gần đây, ông cũng đã nhận được 11 tỷ USD từ việc bán lại một phần cổ phiếu ông sở hữu ở Alibaba. Cách đây 3 năm, Softbank cũng từng bỏ ra hơn 20 tỷ USD để sở hữu Sprint, nhà mạng thứ 3 của Hoa Kỳ.

Chính tựa game Pokemon Go đã khiến tỷ phú Masayoshi Son nhìn thấy tiềm năng của ARM và bỏ ra 32 tỷ USD để đánh cược vào canh bạc này.

Ông chủ người Nhật Bản gốc Hàn Quốc này chẳng có đam mê nào ngoài việc đương đầu với các thách thức. Ở tuổi 18, ông đã tự xây dựng cho mình kế hoạch 50 năm: Từ 20-30 tuổi, làm cho mình được biết tới. Sau 30 tuổi, tích lũy 100 tỷ yên - tài sản để tiến mạnh vào thương trường. Sau 40 tuổi, toàn tâm toàn ý cho cuộc chơi thương trường. Sau tuổi 50, việc làm ăn ổn định. Ngoài 60, truyền công việc lại cho người kế nhiệm. Hiện nay Masayoshi đã 58 tuổi, điều hành tập đoàn với doanh thu đã vượt 9.150 tỷ yên (gần 80 tỷ EUR) vào năm ngoái. Con số này hơn hẳn doanh thu của Sony, Toshiba, Hitachi hay Panasonic.

Người bé nhỏ hói đầu (như ông tự nói về mình), Masayoshi Son luôn vui vẻ, hài hước, rõ ràng, trực tính và đầy sự tự tôn. Những cuộc họp báo dài lê thê của ông là những giờ “tự thưởng”, nơi ông thuyết trình về rất nhiều thành công, giải thích về những thất bại nho nhỏ. Đó cũng chính là nơi ông giới thiệu tầm nhìn về thế giới và công nghệ, với những điều ám ảnh nhất thời và một vài đề tài ưa thích được nhắc tới nhắc lui, như “công nghệ mang lại hạnh phúc cho loài người”. Rô bốt đồng hành với con người là một trong những đề tài ưa thích của ông, nên ông không ngừng ca ngợi con rô bốt mang tên Pepper chạy bằng hệ điều hành bán android là trên cả tuyệt vời. Đây là sản phẩm được đồng phát triển với công ty của Pháp Aldebaran do ông mua lại cách đây vài năm. Gần đây, ông bắt đầu say mê mạng lưới vạn vật kết nối internet (IoT). Ông đánh cược rằng đến một ngày nào đó trong tương lai, mỗi công dân của những đất nước giàu có sẽ sở hữu 1.000 đồ vật kết nối mạng. Điều này giải thích việc ông đầu tư vào ARM, công ty chuyên sản xuất các con chíp cho những đồ vật này.

Masayoshi Son không có nhiều bạn trong giới chủ Nhật Bản. Ông chỉ kết bạn với Tadashi Yanai, sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc điều hành của Fast Retailing (Uniqlo). Ông cũng hài lòng vì đã giao du với Steve Jobs, hay trải qua nhiều ngày mỗi tháng tại Thung lũng Sillicon. Hoặc ông không ngại làm trung gian giữa các ngân hàng với Terry Gou, ông chủ tập đoàn Đài Loan Hon Hai/Foxconn, khi ông này mua lại Sharp, công ty đã tiên phong trong việc chế tạo màn hình LCD.

Ngọc Trung (ĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.