Nếu như nước Mỹ có một Bill Gates thì ở Nhật cũng có thiên tài kinh doanh tin học của họ. Đó là Masayoshi Son, người sáng lập và là Tổng giám đốc điều hành của Softbank, tập đoàn tin học lớn nhất của Nhật Bản.

Tỷ phú giàu nhất nước Nhật
Ông Masayoshi Son. Ảnh: TBKTVN.
Masayoshi Son không chỉ giàu nhất, mà còn được coi là doanh nhân Nhật Bản vĩ đại nhất về máy tính. Với rất nhiều phi vụ kinh doanh nổi đình nổi đám, ông được biết đến như một nhà kinh doanh có biệt tài bất chợt nhìn thấy cơ hội kinh doanh lớn mà người khác không nhận ra.


Đã có thời kỳ, chính xác là thời điểm hoàng kim của cơn sốt dot com, trên toàn thế giới, tài sản của Masayoshin Son tại Softbank và các công ty phần mềm được định giá tới 76 tỷ USD. Khi đó Masayoshin Son là người giàu nhất thế giới chứ không phải Bill Gates.


Masayoshin Son được coi là người tiên phong phổ cập Internet cho toàn nước Nhật. Những công nghệ tiên tiến nhất về đường truyền tốc độ cao, áp dụng băng thông rộng mà Masayoshin Son thực hiện đã giúp cho nước Nhật có những bước tiến ngoạn mục trong việc sử dụng Internet. Softbank là công ty tin học bắt đầu từ kinh doanh phần mềm, máy dịch ngôn ngữ điện tử, tạp chí tin học rồi Internet. Thời kỳ cuối những năm 90, tập đoàn này được định giá trên 100 tỷ USD trên thị trường chứng khoán.


Masayoshin cũng như Softbank nổi tiếng còn vì tập đoàn này tham gia hùn góp vốn với rất nhiều tập đoàn tin học khác như với Microsoft, Yahoo, Novell, CyberCash, Comdex, ZiffDavis. Nhiều công ty Nhật Bản thường không muốn công khai các dự án liên doanh, hùn góp vốn của mình nhưng Masayoshin Son và Softbank thì ngược lại.


Masayoshin Son luôn tự hào công bố Softbank của mình là số 1 trong lĩnh vực liên doanh đầu tư với các đối tác khác trong ngành. Mới đây nhất, Soft bank đã làm tốn bao nhiêu giấy mực của giới truyền thông về việc bỏ ra tới 12,8 tỷ Euro, tương đương với 15,5 tỷ USD để mua toàn bộ hệ thống kinh doanh của Vodafone tại Nhật Bản. Với phi vụ trên, tập đoàn Softbank đã trở thành nhà cung cấp điện thoại di động lớn thứ ba tại Nhật Bản sau tập đoàn NTT và KDDI.


Sự phát triển nhanh chóng của Softbank cũng như sự giàu có đột biến của ông chủ Masayoshin Son bắt đầu từ lĩnh vực kinh doanh Internet. Khi dịch vụ Internet ở Mỹ trở nên rất phát triển nhờ sự cạnh tranh cao, giá thành hạ thì ở Nhật Bản điều này vẫn chưa xảy ra.


Masayoshin đã nhận thấy ngay rằng phí Internet ở Nhật vẫn còn quá cao, công nghệ băng thông rộng chưa phổ biến. Vì vậy, Masayoshin Son đã quyết định về Nhật để đầu tư lĩnh vực này.


Masayoshin Son cất công tới trung tâm công nghệ cao về tin học ở thung lũng Silicon để tìm các đối tác thích hợp. Một quyết định vô cùng nhạy bén của Masayoshin Son là năm 1996, ông đã bỏ ra 100.000 USD để mua lại quyền được sử dụng hệ thống Yahoo tại Nhật Bản. Ông bắt đầu hệ thống kinh doanh Internet của mình chỉ với 17 nhân viên.


Sự xuất hiện của hệ thống Yahoo trên đất Nhật do Masayoshin Son khởi xướng như đã thổi một luồng gió mới vào thị trường Internet nước này. Tập đoàn NTT Docomo trước kia gần như độc quyền một mình một chợ nay đã gặp phải đối thủ xứng đáng.


Masayoshin Son đầu tư phát triển Internet băng thông rộng. Tốc độ Internet rất nhanh đã khiến cả nước Nhật chỉ trong một thời gian ngắn sôi sục mở tài khoản sử dụng Internet. Và Masayoshin Son đã nhanh chóng chiếm tới 1/3 thị phần với hàng triệu thuê bao.


Mặc dù mới xuất hiện, thời gian đầu lại phải rất tốn kém thuê đường truyền của các công ty khác nhưng Masayoshin Son đã nhanh chóng thu được khách hàng nhờ tiện ích và nhất là sự phong phú của các dịch vụ. Hiện nay Softbank là cổ đông lớn của 4 trong số 12 công ty kinh doanh Internet lớn nhất thế giới. Với 2 đại gia trong đó là GeoCities và ZDNet, thông qua Softbank, Masayoshin Son sở hữu tới 30% cổ phần. Sau khi mua lại Công ty Vodafone Nhật Bản, Masayoshin Son đã có ngay được trên 15 triệu thuê bao cùng hệ thống cơ sở hạ tầng của mạng lưới điện thoại di động. Và nhà tỷ phú Masayoshin Son đầy tham vọng đã không ngần ngại công bố chiến lược phát triển và mục tiêu trở thành số 1 trong lĩnh vực điện thoại di động.

Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.